Olympia và cái ‘dớp’ sự cố chung kết

Giáo dụcThứ Tư, 27/06/2012 01:17:00 +07:00

(VTC News) - Nghi án ‘lộ đề’ và ra sai đề trong cuộc thi chung kết Olympia 2012 không phải là sự cố đầu tiên của Olympia.

(VTC News) - Nghi án ‘lộ đề’ và ra sai đề trong cuộc thi chung kết Olympia 2012 không phải là sự cố đầu tiên của Olympia. Trước đó, các trận chung kết Olympia cũng đã gây nên rất nhiều tranh cãi trong dư luận.

Chung kết Olympia 2012: Nghi án ‘lộ đề’, ra sai đề

Cư dân mạng  tỏ ra băn khoăn khi ở phần thi “Vượt chướng ngại vật”, Đặng Thái Hoàng lại dễ dàng đoán đúng đáp án chương trình khi chưa có dữ liệu nào được mở.

Nhiều người cũng thắc mắc tại sao sau khi có đáp án được Thái Hoàng đưa ra thì BTV Tùng Chi lại không hỏi lý do vì sao em đưa ra đáp án đấy. Thay vào đó, BVT Tùng Chi lại đọc tất cả các đáp án hàng ngang và dẫn giải lý do dẫn tới đáp án là “Tiếng Việt”.

Liệu Đặng Thái Hoàng có mất chức vô địch nếu những sai sót giúp Hoàng giành chiến thắng được Ban tổ chức công nhận? ( Ảnh: Phạm Thịnh)  


Nhưng nhà tân vô địch đã khẳng định: “Em khẳng định ai nói lộ đề là không theo dõi chương trình kỹ. Vượt chướng ngại vật là vòng thi đòi hỏi sự lập luận, xâu chuỗi sự kiện. Ngay từ đầu em nghĩ với kỳ thi tầm cỡ như chung kết năm, từ khóa của vòng thi này phải thự sự có ý nghĩa như “Quốc ngữ”, “Quốc hoa”...

Mọi người nói chưa có hàng ngang nào mở ra, tại sao em lại tìm ra từ khóa ư? Thực tế, đáp án La tinh em đã tìm ra rồi, nhưng vẫn giữ kín bí mật. Đến câu hỏi tháng đại diện cho Vợ của thần Jupiter trong thần thoại La Mã, em nhớ đó là vị thần của mùa hè nên đoán ra tháng 6. Số 6 đại diện cho 6 thanh điệu của tiếng Việt nên có thể suy ra đáp án”.

Ngoài sự cố lộ đề, chung kết Olympia 2012 còn gặp sự cố ra đề sai trong câu hỏi đầu tiên ở phần thi Tăng tốc giúp Thái Hoàng đạt 30 điểm.

Câu hỏi sai trong Olympia 2012 


Nếu đây là một câu hỏi sai và đáp án không được công nhận thì, tổng số điểm của Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) chỉ đạt 220 điểm.

Trong khi đó, chàng trai Thân Ngọc Tĩnh (Trường PT Năng khiếu ĐH Quốc gia TPHCM) đạt 230 điểm. Như vậy, nếu không được công nhận điểm số, Thái Hoàng sẽ ít hơn Thân Ngọc Tĩnh 10 điểm và sẽ mất chức vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2012.

PGS.TS Phan Doãn Thoại, Viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam – cố vấn môn Toán của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2012 khẳng định với sai sót này thì 6 đáp án với các giá trị từ 4 đến 9 mà chương trình đưa ra đều không thích hợp.

Chung kết Olympia 2011: Trộn văn với hóa, lẫn lộn L với R

Trong cuộc thi Olympia 2011, cô gái đất Cảng Phạm Thị Ngọc Oanh đăng quang với nhiều tranh cãi. Trong đó đáng kể nhất là câu hỏi số 4 ở phần Tăng tốc. Câu hỏi “Đây là gì” được nêu ra với các dữ liệu gợi ý:

1 – Đây là hợp chất vô cơ

2- Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion

3- ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp)

4- Một loại gia vị

5- Salt

Hai lần may mắn nên Ngọc Oanh đăng quang? 


Cả 3 thí sinh trả lời đáp án hình ảnh là “muối”. Riêng Phạm Thị Ngọc Oanh (THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng) có đáp án “muối ăn”. MC Tùng Chi không ghi nhận đáp án trên. Tuy nhiên, sau đó, TS Nguyễn Đức Chuy – thành viên ban cố vấn tổ hóa học của chương trình đã phân tích, bức ảnh trong dữ liệu cuối cùng là hình ảnh người dân làm muối trên biển và muối ăn là đáp án có thể chấp nhận được. Cuối cùng đáp án được chốt là “muối” và “muối ăn”.

Như vậy, Ngọc Oanh có thêm 30 điểm, đưa số điểm từ 190 lên 220 (nếu đáp án “muối ăn” không được chấp nhận thì Oanh sẽ đứng ở điểm 190, thua Thái Ngọc Huy, đến từ Trường THPT Quốc học Huế đang có 205 điểm).

Tuy  nhiên, nhiều khán giả tỏ ra không đồng tình với quyết định này. Mặc dù các dữ kiện khác đều liên quan tới cả muối và muối ăn nhưng rõ ràng với dữ liệu thứ ba ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp) thì chỉ muối mới phù hợp.

Thí sinh Ngọc Oanh thêm một lần nữa may mắn với câu trả lời Krôngpút cho câu hỏi về loại nhạc cụ của người Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau giải thích của GS Sử học Lê Văn Lan, cố vấn chương trình, Krôngpút tức là dòng sông, còn Klôngpút mới là đáp án đúng. Như vậy, vô tình "l" và "r" được coi là … như nhau.

Năm 2010: Xôn xao phát ân plumber của tân vô địch

Sáng 13/6/2010, sau gần 2 tiếng tranh tài đầy căng thẳng, cậu học sinh chuyên Lý trường THPT Hà Nội-Ams đã giành chức vô địch với 295 điểm. Nhiều người khẳng định đó là một kết quả xứng đáng, bởi Phan Minh Đức đã nhanh trí giành được điểm số ở các thời điểm quan trọng.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng kết quả của vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2010 "có vấn đề". Nhiều độc giả còn cho rằng 3 thí sinh còn lại tại chung kết Olympia bị xử ép.

Dẫn chứng quan trọng nhất cho phần phản hồi này là ở câu trả lời cuối cùng của Minh Đức, sau khi câu hỏi cuối của Giang Thanh Tùng không có đáp án đúng. Với câu hỏi: I have a problem with my flat. Water is leaking everywhere. So I have to call somebody to come and fix the water pipe. Who will I have to call?, Minh Đức đã phát âm đáp án là Pờ lăm pờ (plumper), trong khi phát âm chuẩn của đáp án này là pờ lăm mờ (plumber).

Phan Minh Đức gây xôn xao với phát âm sai 


Tuy nhiên, ngay sau đó, Cố vấn của chương trình Đường lên đỉnh Olympia khẳng định câu trả lời đầu tiên của Minh Đức là đúng. Nhà báo Lại Văn Sâm cũng cho biết không có thí sinh nào bị thiệt thòi ở cuộc thi này.

Trước sự quan tâm của dư luận, bà Bùi Thu Thủy - Phó Trưởng ban Thể thao giải trí & Thông tin kinh tế cùng thầy Thomas William Billinge (người đưa ra câu hỏi, quốc tịch Anh, giáo viên Tổ chức giáo dục và đào tạo Apollo Việt Nam) xem lại băng của trận chung kết Olympia năm thứ 10.

Thầy Thomas William Billinge, cũng chính là người đã đưa ra câu hỏi tiếng Anh trong chương trình, khẳng định: "Bạn thí sinh đã hiểu rõ câu hỏi và đã trả lời câu hỏi đúng ngay lần đầu tiên. Có một sự khác biệt nhỏ trong cách phát âm, bạn ấy đã nói ['plʌmbə] thay vì ['plʌmə], nhưng đây là một điều rất thường thấy với người Châu Á và tôi nhận thấy mọi người phát âm như vậy rất nhiều lần ở Thái Lan và Việt Nam. 

Nếu bạn ấy là một học sinh của tôi mà phát âm từ "Plumber" theo cách này, tôi sẽ luôn luôn đồng ý là câu trả lời đúng. Việc yêu cầu thí sinh đánh vần không phải là một phần của câu hỏi, mà do người dẫn chương trình đưa ra. Vì vậy, mặc dù bạn thí sinh đã mắc lỗi khi đánh vần từng chữ cái của từ này nhưng sẽ thật không công bằng khi không cho điểm chỉ vì việc đánh vần, vì tôi đã không yêu cầu thí sinh phải đánh vần".
 
Sự kiện hy hữu: Olympia 2009 có 5 thí sinh

Nguyên nhân của sự kiện hy hữu này là do, em Bạch Đình Thắng - học sinh trường chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông trong phần thi về đích đã bắt phải câu hỏi về các hệ cơ thể người. Bạch Đình Thắng đã căn cứ vào sách giáo khoa lớp 8 trả lời là có 6 hệ trong đó có hệ nội tiết. Trong khi đó đáp án của chương trình và phần trả lời tư vấn của các nhà y học lại khẳng định “nội tiết không phải là một hệ” và “không thể cho điểm”.

Phần thi kết thúc, người cao điểm nhất và có quyền tham dự phần thi chung kết là em Hồ Ngọc Hân - trường Quốc học Huế. Tuy nhiên sau đó, gia đình Thắng đã gặp BTC trình bày về cuốn SGK lớp 8 đã có một chương về Hệ nội tiết, trong sách ghi rõ: “Hệ nội tiết là một hệ trong cơ thể người”.

Sau khi bàn bạc và trao đổi với những nhà khoa học, Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết định “cho điểm” phần trả lời của học sinh Bạch Đình Thắng và kết quả Thắng là thí sinh thứ 5 có mặt trong cuộc thi chung kết diễn ra vào tháng 5-2009. Một giải pháp hợp lý của Đài Truyền hình, phù hợp với nguyện vọng của nhiều người và cũng là quyết định không thể khác được.

Bạch Đình Thắng 'đấu tranh' thành công khiến chung kết Olympia 2009 có tới 5 thí sinh 

Olympia 2008: Thầy giáo tố chương trình

Không gặp sự cố trận chung kết nhưng Olympia 2008 cũng đáng chú ý khi thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - giáo viên Trường THPT chuyên Bắc Giang, tác giả entry Sự thật về “Đường lên đỉnh Olympia” gây xôn xao cộng đồng mạng khẳng định: “Nếu họ không làm thế, kết quả đã khác!”.

Trong entry này, thầy Tuấn đã tường thuật lại cuộc thi tháng thứ ba của quý 3 cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” (dự kiến phát sóng trên VTV3 vào dịp Tết nguyên đán) giữa thí sinh Hoàng Hải (Hà Nội), Hoàng Hiệp (Bắc Giang), Chí Thiện (Bình Thuận) và Ngọc Hảo (Phú Yên).

Trong đó, theo thầy Tuấn, ba thí sinh đến từ các tỉnh đã bị nhà đài “ép” bằng nhiều tiểu xảo kỹ thuật, thậm chí dọa dẫm để đưa thí sinh Hà Nội thắng cuộc.

Thầy giáo Tuấn cho rằng đây là cuộc thi không công bằng, chịu sự chi phối của “thế lực đen tối phía sau”.

Thầy giáo Tuấn khẳng định MC Việt Khuê dọa thí sinh Hoàng Hiệp: “Em có muốn thi hay dừng chơi?"

Đạo diễn Tùng Chi cho biết có những việc sai như ở phần khởi động VTV đã thẳng thắn nhận lỗi nhưng các sự cố còn lại thì chưa thể kết luận là sai ngay được.


PV (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn