Nứt trụ cầu Vĩnh Tuy: Hiện trường đang được xử lý thế nào?

Thời sựThứ Ba, 11/03/2014 02:55:00 +07:00

Các chuyên gia kiểm định đã khoan bề mặt bê tông trụ cầu để kiểm tra cốt thép bên trong, đồng thời sử dụng nhiều máy móc chuyên dụng để siêu âm.

Chiều ngày 10/3/2014, tại hiện trường trụ H22 bị nứt của cầu Vĩnh Tuy, giàn giáo mà trước đó được dựng lên đã được gỡ đi, đồng thời, trụ cầu có rất nhiều những lỗ tròn màu đen. 
Trên bề mặt trụ chi chit những vạch phấn và thông số kỹ thuật. Ngoài vết nứt kéo dài khoảng 10m, trụ cầu H22 còn có thêm một số vết nứt dọc khác có chiều dài ngắn hơn. 
 Phía dưới chân trụ cầu, một hố sâu cũng được đào. Theo chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Văn Nhậm, đại học GTVT, việc đào hố sâu này để kiểm tra vết nứt có phát triển xuống phần bể bê tông nằm ngầm dưới đất hay không.
 Theo quan sát của phóng viên, vết nứt dừng lại ở mặt đất, không kéo dài xuống phần bê tông nằm ngầm.

 Chia sẻ về những lỗ tròn màu đen, được bôi phủ chất liệu dính như keo, chuyên gia Nguyễn Tuấn Bình thuộc đoàn kiểm định cho biết những lỗ này được khoan và bôi mỡ, sử dụng trong việc dùng máy siêu âm kiểm tra độ sâu vết nứt.

 

 Ngoài kiểm định bằng máy, các chuyên gia cũng khoan vỡ bề mặt bê tông để lộ cốt thép bên trong, phục vụ việc đánh giá trực quan xem cốt thép có bị ảnh hưởng do vết nứt tác động. 

 Cận cảnh cốt thép bên trong vết nứt tại trụ cầu H22.

Các chuyên gia chia sẻ, việc dựng giàn giáo lên để có thể vẽ lại một cách chính xác nhất toàn bộ bề mặt của trụ cầu và diễn biến của các vết nứt. Sau khi kết thúc công việc này, giàn giáo đã được tháo dỡ. (Giàn giáo được dựng lên tại trụ cầu H22 trước đó).

 Được biết, đề cương về những vết nứt tại các trụ cầu Vĩnh Tuy (bao gồm trụ H22, H23, H24) đã được nhóm kiểm định độc lập gửi tới Sở GTVT Hà Nội và cục kiểm định chất lượng công trình của Bộ Xây dựng.

 

 Theo thông tin từ Giáo sư Nguyễn Văn Nhậm, dự kiến đến giữa tháng 3/2014 sẽ có kết quả kiểm định về vết nứt này. (Minh Tú thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn