Nước về dồn dập, nhiều hồ thủy điện phải xả lũ

Thị trườngChủ Nhật, 27/08/2023 14:21:23 +07:00
(VTC News) -

Tính đến trưa 27/8, lượng nước về hồ thủy điện nhiều, 3 hồ thuỷ điện gồm Bản Vẽ (Nghệ An), Trung Sơn (Thanh Hoá) và Lai Châu phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.

Đến thời điểm trưa 27/8, mực nước về hồ Sơn La là 3.135 m3/s; hồ Hòa Bình 3.301 m3/s; hồ Thác Bà 405 m3/s; hồ Tuyên Quang 1.021 m3/s.

Các hồ thủy điện lưu lượng về hồ nhiều, dao động nhẹ so với hôm qua và phải xả lũ gồm: Hồ Trung Sơn, lượng nước về đạt 545 m3/s, hồ phải xả tràn 50 m3/s; hồ Bản Vẽ lượng nước về đạt 484 m3/s, phải xả tràn 275 m3/s; hồ Lai Châu đạt lượng nước 1.634 m3/s, phải xả tràn 96 m3/s.

Thủy điện Lai Châu phải xả lũ sau thời gian dài thiếu nước. (Ảnh minh hoạ: EVN)

Thủy điện Lai Châu phải xả lũ sau thời gian dài thiếu nước. (Ảnh minh hoạ: EVN)

Các hồ thủy điện lớn còn lại mực nước đều dưới mức quy định, chủ động vận hành phát điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24 giờ tới các hồ khu vực Bắc Bộ tăng trở lại; Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ dao động nhẹ; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ giảm.

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, được ngăn dòng, khởi công vào ngày 26/12/2005. Đến năm 2010, nhà máy hòa lưới điện quốc gia.

Thủy điện Bản Vẽ cũng cung cấp một phần điện năng cho nước bạn Lào; cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Cả. 

Hồ thuỷ điện Bản Vẽ có diện tích mặt nước 8.700 km2, thuộc địa phận bốn xã Hữu Khuông, Mai Sơn, Nhôn Mai và Yên Na. Chiều dài đập theo đỉnh là 509 m, chiều cao đập lớn nhất là 137 m.

Nhà máy có 2 tổ máy vận hành. Hồ chứa nước có dung tích 1,8 tỷ m3. Mực nước bình thường trong hồ Bản Vẽ là 200 m. Công suất thiết kế của nhà máy là 320 MW, sản lượng điện hàng năm 1.084 triệu KWh.

Sau gần 13 năm đi vào hoạt động, Thủy điện Bản Vẽ đã hòa vào lưới điện quốc gia gần 13 tỷ kWh, nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Thủy điện Trung Sơn là dự án thủy điện quy mô trung bình, được xây dựng trên dòng sông Mã thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy điện có công suất lắp đặt 260 MW, bao gồm 4 tổ máy sản xuất 1.018,61 triệu kWh hàng năm là nguồn bổ sung đáng kể cho lưới điện quốc gia.

Đây là dự án đa mục tiêu, vừa cung cấp điện vừa giúp kiểm soát lũ, đồng thời góp phần vào chương trình biến đổi khí hậu ở Việt Nam bằng cách tránh được lượng khí phát thải CO2.

Thủy điện Lai Châu, còn gọi là Thủy điện Nậm Nhùn, là công trình trọng điểm quốc gia, xây dựng trên dòng chính sông Đà tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW với 3 tổ máy, khởi công xây dựng ngày 5/1/2011, hòa lưới 3 tổ máy tháng 11/2016, khánh thành tháng 12/2016.

Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La. Nhà máy Thủy điện Lai Châu cung cấp mỗi năm lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh.

Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Thủy điện Lai Châu thuộc bậc trên cùng của dòng sông Đà, giáp với biên giới Trung Quốc. Với thiết kế chọn cao trình đập 303 m sẽ đảm bảo mực nước cách biên giới khoảng 15 – 20 km, nhưng khi nước dềnh hoặc có lũ, lụt thì chỉ cách biên giới khoảng 2 km.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn