Nóng theo vàng, lãi suất tiết kiệm cũng tăng

Kinh tếThứ Tư, 06/07/2016 07:25:00 +07:00

Nóng theo vàng và USD, lãi suất tiết kiệm cũng được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn.

Trong gần 1 tháng trở lại đây, thị trường vàng “nóng sốt” từng ngày khiến thị trường ngoại tệ mà cụ thể là đồng USD có những phiên thăng trầm. Tuy nhiên, phải tới đầu tháng 7, lãi suất tiết kiệm mới rục rịch đi lên.

Theo khảo sát của phóng viên VTC News, đa số các ngân hàng chỉ điều chỉnh lãi suất cho các kỳ hạn ngắn. Còn lại, ở kỳ hạn dài, mức lãi suất cao nhất vẫn được giữ nguyên. Vì vậy, mặt bằng lãi suất trong hệ thống ngân hàng chưa có nhiều biến động lớn.

Kể từ ngày 4/7, ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, lãi suất (lĩnh theo quý) ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt được điều chỉnh thành 5,75%/năm, 6,15%/năm và 6,6%/năm.

lai-suat-tiet-kiem

Lãi suất tiết kiệm đang tăng trở lại

Trong khi đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này vẫn được giữ nguyên so với khoảng 1 tháng gần đây. Ở kỳ hạn 37 tháng của gói tiết kiệm Tài Lộc, lãi suất vẫn là 7,9%/năm. Với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất 7,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online, khách hàng sẽ nhận được mức cao hơn một chút là 7,65%/năm.

Điều tương tự cũng xảy ra ở ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Theo biểu lãi suất có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, VPBank điều chỉnh tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn 5-12 tháng tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5. Mức lãi suất 6,7%/năm và 6,9%/năm được sử dụng phổ biến nhất tại ngân hàng này.

Lãi suất cao nhất tại VPBank vẫn duy trì ở mức 7,4%/năm. Muốn nhận được mức lãi này, khách hàng phải gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng với số tiền từ 5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng. Còn nếu gửi online, lãi suất sẽ tăng lên 7,6%/năm.

Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có bước tiến dài về lãi suất. Ở biểu  lãi suất được áp dụng từ 1/7, đa số các kỳ hạn đều được giữ nguyên, ngoại trừ kỳ hạn 12 tháng. Ở kỳ hạn này, nếu sau ngày 20/6 tới 1/7, khách chỉ được hưởng lãi 6,4%/năm thì kể từ 1/7, lãi suất vọt lên 7,8%/năm.

Có thể thấy, đây là mức tăng mạnh mẽ nhất của lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, không dễ để hưởng mức lãi cao ngất ngưởng, thậm chí, cao nhất hệ thống. Điều kiện áp dụng mà Techcombank đặt ra là khách hàng phải gửi số tiền tiết kiệm lớn hơn 999 tỷ đồng. Còn nếu khách hàng gửi ít  hơn 999 tỷ đồng thì lãi được giữ nguyên là 6,4%/năm.

Trước đó, ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất 7,7% mỗi năm từ giữa tháng 6. Theo đó, lãi suất thông thường ở một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2% một năm. Còn với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05 - 0,3%/năm.

Động thái này của các ngân hàng phù hợp với những gì Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã dự báo. Theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm 2016 và dự báo sáu tháng cuối năm 2016 của (NFSC), lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng thương mại nhỏ.

Dù vậy, dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Nguyên nhân là do phát hành trái phiếu Chính phủ 6 tháng cuối năm chỉ còn 20% kế hoạch, giúp làm giảm áp lực lên lợi suất trái phiếu Chính phủ, tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất.

“Ngoài ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn có cơ sở triển khai trong trường hợp không có các cú sốc lớn từ bên ngoài nền kinh tế, đồng thời lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát; bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương này” – NFSC khẳng định.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn