Nông dân Ấn Độ khốn khổ vì hạn hán

Thế giớiThứ Tư, 22/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Để duy trì kế sinh nhai, hàng nghìn nông dân ở bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ buộc phải bán vợ để có tiền trả nợ.

(VTC News) - Tỷ lệ sinh ở Ấn Độ rất cao, dân số có khả năng vượt Trung Quốc trong những năm tới; hơn nữa Ấn Độ còn tồn tại nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhiều khu vực người nông dân chủ yếu sống dựa vào “ông trời”, do thiên tai mà phải bán vợ đợ con để trả nợ…

Dân số Ấn Độ gần 1,2 tỷ người, dự kiến với tốc độ tăng hiện tại sẽ vượt qua Trung Quốc trong 10 năm tới.

Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội rất lớn, nhiều người ở vùng sâu vùng xa vẫn còn sống trong điều kiện rất khó khăn, rất nhiều nông dân sống bằng nghề trồng trọt vẫn phải dựa vào “trời” để sinh nhai, chẳng ngờ được rằng, năm nay miền Bắc Ấn Độ đã gặp phải nạn hạn hán chưa từng có trong trăm năm qua, những người nông dân Ấn Độ "dựa trời ăn cơm" sống rất khó khăn và chồng chất nợ nần.

 

Tờ “Độc lập” (The Independent) Anh ngày 7/12 đưa tin, để duy trì kế sinh nhai, hàng nghìn nông dân khu vực Bender Kender, bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ buộc phải bán vợ để có tiền
trả nợ. Điều này đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận, Ủy ban Phụ nữ Toàn quốc Ấn Độ cũng đã thành lập Tiểu ban điều tra để xem xét vấn đề này.

"The Independent" cho biết, nông dân Ấn Độ thường vay tiền mua hạt giống, đến mùa thu hoạch đem tiền có được để trả nợ. Bây giờ đã lúc trả nợ, người cho vay thúc rất dữ, nhưng do hạn hán nên không thu được gì từ đồng ruộng.

Kế sinh nhai của nhiều nông dân thậm chí còn bị đe dọa, huống hồ làm gì có tiền để trả nợ, thực sự tuyệt vọng nên mới đem bán vợ. Những người nông dân thường bán vợ với giá 4000-12.000 rupee (100 rupee tương đương với 14 nhân dân tệ) để trả nợ chủ nợ, nhan sắc khác nhau sẽ có giá khác nhau, càng đẹp thì giá càng cao.

 

Được biết, ở Ấn Độ, "giao dịch bán vợ" thường xuyên xảy ra. Do trọng nam khinh nữ, số lượng nữ giới ở Ấn Độ không ngừng giảm xuống, những kẻ lưu manh ngày càng nhiều.

Một số người hám lợi đen lòng, cho bọn lưu manh thuê vợ, thậm chí bán vợ bán con gái. Người mua và người bán phải ký "hợp đồng hôn nhân", chỉ cần chữ ký được chấp thuận, một tay giao tiền, một tay giao người, thì giao dịch thành công. Hợp đồng này quy định: một khi người chồng chán vợ của anh ta, thì có thể chuyển bán cho người đàn ông khác.

Chủ tịch Ủy ban Phụ  nữ Toàn quốc Ấn Độ Jilijia Wayasi cho biết, phụ nữ Ấn Độ từ nhỏ đã bị cho là “hàng lỗ vốn”. Mỗi người đàn ông Ấn Độ không chỉ có thể lấy 3-4 vợ, mà còn có thể ly hôn họ bất cứ lúc nào.

Khi lấy một người vợ, họ đều có thể kiếm được một khoản tài sản lớn. Wayasi nói, hiện nay Ấn Độ vẫn còn xảy ra vấn đề bán vợ, thực sự “quá đáng sợ”, "khó mà tin được", và luật pháp luôn “một mắt mở, một mắt nhắm” (làm ngơ) sự việc này.

 

Wayasi nói: "Chúng tôi đã cử một Tiểu ban điều tra để tiến hành điều ta về việc bán vợ của nông dân bang Uttar Pradesh, đồng thời yêu cầu Tiểu ban điều tra nộp báo cáo trong vòng 24 giờ".

Bà cho biết, Ủy ban Phụ nữ Toàn quốc sẽ viết thư cho Bộ trưởng đứng đầu bang Uttar Pradesh, người được gọi là “Nữ hoàng chân đất” Mayawati, kêu gọi bà điều tra vụ việc này.

"The Independent" cho biết, một nạn nhân đầy nước mắt khóc cho biết: "Chồng tôi bán tôi cho một người đàn ông khác chỉ với giá 8000 rupee. Người mua còn đưa tôi đến Tòa án để chứng minh chúng tôi có hôn nhân hợp pháp. Trên đường tới Tòa án, tôi đã thừa cơ anh ta không đề phòng mà chạy thoát".

Tin cho biết, phần lớn phụ nữ bị bán là những người mù chữ, họ cơ bản không hiểu được "hợp đồng hôn nhân" có những nội dung gì.

Người nông dân Cary Charan đã cố gắng để làm cho mọi người chú ý đến việc mua bán vợ, nhưng cuối cùng lực bất tòng tâm. Ông nói: "Tôi đã báo cáo vấn đề này với cảnh sát, và còn cung cấp rất nhiều chứng cứ.

Cảnh sát triệu tập tôi đến đồn cảnh sát, hỏi tôi rất nhiều.Tôi đã cho họ biết, do không ai muốn nghe tôi báo cáo, tôi phải liên hệ với báo chí. Nhưng họ nói tôi nói dối, còn đe dọa tôi, thậm chí còn đòi gọi vợ tôi đến".

Người phát ngôn Đảng Nhân dân Ấn Độ - đảng đối lập lớn nhất trên chính trường Ấn Độ nói: "Chính phủ bang Uttar Pradesh do Đảng Đại chúng Xã hội lãnh đạo và chính phủ Trung ương do Đảng Quốc đại lãnh đạo đều phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề này”.

 

“Chính phủ Trung ương luôn cố tình để cho khu vực Kender Bender đơn độc thành lập chính phủ, một số người khác thì cho rằng, khu vực này có thể trở thành bang độc lập. Điều này dẫn đến khu vực Kender Bender trở thành “khu vực mù quản lý” của chính phủ, nông dân sống ở nơi bị chính phủ lãng quên này không được bất kỳ sự giúp đỡ nào".

Hãng NBC Mỹ cho biết, nông nghiệp Ấn Độ "thu hoạch trên trời", khả năng chống chọi với thiên tai của họ rất hạn chế, khi gặp phải hạn hán và lũ lụt thì thường bất lực.

Do nhiều nông dân bị thiệt hại nặng vì giảm sản lượng nông nghiệp, không có khả năng trả số nợ lớn, không chỉ hiện tượng bán vợ bán con gái đã trở nên khá phổ biến, mà hàng năm còn xảy ra “làn sóng tự tử của nông dân” do không trả được nợ.

Tờ "The Hindu" từng cho biết, ở nông thôn Ấn Độ, cứ 30 phút lại có một người nông dân phải tự tử vì gánh nặng cuộc sống. Có chuyên gia chính phủ Ấn Độ cho biết, từ năm 1997, Ấn Độ có ít nhất 160.000 nông dân Ấn Độ tự tử.

Để ngăn chặn nông dân tự tử, chính phủ Ấn Độ đã tiến hành trợ cấp cho nông dân. Đảng đối lập Ấn Độ nói, trong gần 6 tuần đã có hơn 150 nông dân tự tử, nhưng số liệu công bố chính thức thì chỉ có 25 người.

Khánh Hưng (Theo Tân Hoa Xã)
Bình luận
vtcnews.vn