Nóng 7/6: TQ cản tàu CSB tiếp cận khu vực đánh bắt trái phép

Thời sựThứ Bảy, 07/06/2014 12:20:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đã cắt mặt, ép sát ngăn lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiến vào khu vực nhiều tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.

(VTC News) – Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đã cắt mặt, ép sát ngăn lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiến vào khu vực nhiều tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.

Trong ngày 6/6, các tàu cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp cận khu vực tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển Việt Nam. Đồng thời các tàu cảnh sát biển tìm cách hỗ trợ bà con ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ở đây.

 Dày đặc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu/TNO
Dày đặc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu/TNO 

Mục tiêu mà tàu cảnh sát biển tiếp cận cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 42 hải lý theo hướng tây nam và cách đất liền 110 hải lý. Đây là khu vực mà ngư dân của Việt Nam tập trung đánh bắt.

Đúng 12h trưa, sau khi nhận được nhiệm vụ, tàu cảnh sát biển Việt Nam số hiệu 4032 lên đường. Ngay lập tức hai tàu hải cảnh của Trung Quốc bám sát tàu 4032.

Video chiêu thức tấn công của tàu Trung Quốc:

Khoảng 15h, khi cách khu vực tàu cá Việt Nam khoảng 5 hải lý, tàu CSB 4032 phát hiện nhiều tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt. Lúc này tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46106 tăng tốc cắt mặt tàu 4032, còn tàu số hiệu 46102 ép sát phía sau tàu 4032.

Trung Quốc đe G7 “đừng nhúng tay vào biển Đông”


Ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lớn tiếng yêu cầu các nước G7 “tránh xa và không can thiệp” vào tình hình biển Đông. Ông Hồng Lỗi đưa ra các tuyên bố trên sau khi các lãnh đạo G7 bày tỏ lo ngại sâu sắc về các căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông trong cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ).

Khi được hỏi về thái độ của Trung Quốc đối với quan ngại của G7, ông Hồng Lỗi lớn tiếng: “Trung Quốc kiên quyết đáp trả các hành động của một số ít quốc gia nhằm khiêu khích, xâm phạm đến quyền và lợi ích của Trung Quốc, cố tình phá hoại ổn định hòa bình trên biển”.

Vẫn khăng khăng giọng điệu cũ rích, ông Hồng Lỗi nhấn mạnh các tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết thông qua đàm phán song phương và “sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài chỉ làm phức tạp thêm tình hình”.

Bất chấp các hành vi gây hấn của tàu chiến Trung Quốc, ông Hồng Lỗi còn đổ lỗi rằng chính Việt Nam mới là bên “làm to chuyện” và đe dọa phía Việt Nam sẽ gánh chịu tất cả thiệt hại từ việc này, rằng “Việt Nam nên từ bỏ hoang tưởng” và “ngừng mọi khiêu khích, đồng thời rút tàu ra khỏi khu vực này”.

Việt Nam không đáp trả Trung Quốc vì 'không phù hợp'


Trả lời VTV tối 6/6 câu hỏi "Chúng ta có đủ khả năng đáp trả những hành động của Trung Quốc hay không?", Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh thẳng thắn: "Tôi xin nói là chúng ta đủ khả năng để đáp trả nhưng chúng ta không đáp trả vì đó không phải là hành vi phù hợp với pháp luật quốc tế, không phù hợp đạo lý Việt Nam, và nó không giải quyết được vấn đề gì".

Video Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn:

Đặt ra tình huống "nếu một ngư dân, tàu cá của Trung Quốc gặp nạn", ông tin tưởng cảnh sát biển Việt Nam ngay tại đó sẽ giúp ngư dân, tàu cá của Trung Quốc trở về bờ an toàn. Còn mục đích của lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn là cản phá, ngăn chặn, tuyên truyền và khẳng định chủ quyền ở khu vực này.

“Không đánh đổi độc lập, chủ quyền”


Khẳng định độc lập, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược nên luôn khao khát hòa bình, luôn thực tâm, chân thành, kiềm chế và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, với các quốc gia, để xây dựng và phát triển đất nước.

Tàu dịch vụ không số của Trung Quốc áp sát chĩa vòi rồng, phun nước vào tàu Kiểm ngư HP 926 - Ảnh: Đình Thiệu-Vinh Thông/VOV
Tàu dịch vụ không số của Trung Quốc áp sát chĩa vòi rồng, phun nước vào tàu Kiểm ngư HP 926 - Ảnh: Đình Thiệu-Vinh Thông/VOV 

“Nhưng chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình. Chúng ta kiên trì đấu tranh thông qua các biện pháp hòa bình, giải quyết các vấn đề chủ quyền biển đảo trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền.

Với niềm tự hào và phẩm giá dân tộc, chúng ta không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì và không chấp nhận bất kỳ hình thức đe dọa, áp đặt nào”, Phó Thủ tướng khẳng định.


Phái đoàn Việt Nam tại Geneve gửi công hàm phản đối Trung Quốc


Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh cơ quan Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve, Thụy Sĩ, hôm qua gửi công hàm lần hai cho phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneve cùng các tổ chức quốc tế đóng tại Thụy Sĩ.

Tàu Trung Quốc liên tiếp tiến lại gần và uy hiếm tàu chấp pháp của Việt Nam gần khu vực nước này hạt đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981- Ảnh: Nguyễn Đông/VNE
Tàu Trung Quốc liên tiếp tiến lại gần và uy hiếm tàu chấp pháp của Việt Nam gần khu vực nước này hạt đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981- Ảnh: Nguyễn Đông/VNE 

Công hàm cập nhật tình hình vụ Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 và các hoạt động gây hấn của tàu thuyền nước này tại khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Công hàm nêu rõ trong hơn một tháng qua, kể từ ngày 2/5, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, nước này liên tục điều hàng trăm tàu, gồm cả tàu chiến, máy bay quân sự hoạt động với cường độ cao, quấy nhiễu, gây hấn và tấn công các tàu chấp pháp của cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam cũng như các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong khu vực. Vụ việc làm một số người bị thương và gây hư hỏng hàng chục tàu, thuyền và nhiều thiệt hại về tài sản cho phía Việt Nam.

Đặc biệt nghiêm trọng, tàu Trung Quốc hôm 26/5 đâm chìm tàu cá ĐNA 90152 TS của ngư dân Đà Nẵng đang hoạt động tại ngư trường truyền thống gần khu vực Hoàng Sa của Việt Nam. 
Công hàm yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay lập tức và vô điều kiện giàn khoan nói trên khỏi Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt mọi hoạt động phi pháp, quấy nhiễu và gây hấn đối với các tàu thuyền của Việt Nam ở đây, trừng trị nghiêm khắc thủ phạm và đền bù các thiệt hại mà họ gây ra cho phía Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam cũng kiên quyết bác bỏ những luận điệu vu cáo, bịa đặt trắng trợn của phía Bắc Kinh nêu trong công hàm mà phái đoàn Trung Quốc gửi cho các tổ chức quốc tế và phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneve ngày 2/6.

Dựa trên những lập luận về pháp lý và lịch sử, công hàm của phái đoàn Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và bác bỏ hoàn toàn đòi hỏi chủ quyền không có cơ sở pháp lý của phía Trung Quốc đối với quần đảo này.

Đồng bào Hoa tại TP.HCM: “Trung Quốc sai rồi, phải rút giàn khoan thôi!”


Nhiều đồng bào Hoa tại TP.HCM đã bày tỏ sự bất bình trước sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tại cuộc họp mặt các giới đồng bào dân tộc Hoa, do Ban Dân tộc UBND TP.HCM tổ chức sáng 6/6.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Ông Trần Công Nhật cũng cho biết ông theo dõi rất kỹ các thông tin về giàn khoan 981 và cảm thấy rất phẫn nộ trước hành động sai trái của Trung Quốc. “Trung Quốc không nên cậy mình nước lớn mà ăn hiếp láng giềng một cách thô bạo như vậy. Khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan là khu vực chủ quyền của Việt Nam.

Thử hỏi ngược lại nếu nước khác làm vậy với Trung Quốc thì Trung Quốc nghĩ sao? Dù nói gì đi nữa thì Trung Quốc cũng đã sai rồi, họ phải rút ngay giàn khoan và ra khỏi vùng biển Việt Nam” - ông Nhật nói.


» Những chiến thuật thâm hiểm của Trung Quốc ở Hoàng Sa
» Tàu Trung Quốc ném đá, chai lọ vào tàu Việt Nam
» Chú rể Cảnh sát biển vắng mặt trong ngày rước dâu

Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn