Nợ hơn 20.000 tỷ đồng, ‘con đẻ’ của bầu Đức lao đao

Kinh tếThứ Hai, 13/02/2017 11:47:00 +07:00

Gánh khoản nợ khủng lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, “con đẻ” bầu Đức - công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lao đao trong năm 2016.

Xuất hiện khá hoành tráng, “con đẻ” bầu Đức - công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) được kỳ vọng sẽ đưa Hoàng Anh Gia Lai nói chung và bầu Đức nói riêng lên tầm cao mới. Tuy nhiên, HNG liên tục khiến nhà thất vọng.

Sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2016, HNG một lần nữa khiến cổ đông thất vọng khi công ty thua lỗ nặng và gánh khoản nợ vay khổng lồ.

Nợ hơn 20.000 tỷ đồng

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016, trong quý 4, HNG lỗ 303 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ cả năm 2016 lên tới 990 tỷ đồng. Trong khi đó, trong năm 2015, công ty lãi 744 tỷ đồng. Mặc dù thua lỗ nhưng HNG vẫn còn khoản lợi nhuận chưa phân phối lên đến 1.172 tỷ đồng.

bau-duc-agrico

Nợ hơn 20.000 tỷ đồng, ‘con đẻ’ của bầu Đức lỗ khủng trong năm 2016

HNG lao đao khi doanh thu tăng chậm chạp nhưng các chi phí đồng loạt tăng vọt. Trong đó, đáng chú ý nhất là chi phí tài chính.

Chi phí tài chính quý 4/2016 của HNG là 222 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2016 đạt 929 tỷ đồng, tăng 546 tỷ đồng, tương ứng 142% so với năm 2015. Chi phí lãi vay cả năm 2016 đạt 724 tỷ đồng, chiếm 80% tổng chi phí tài chính.

Chi phí tài chính cao ngất ngưởng khi HNG đẩy mạnh hoạt động đi vay. Trong năm 2016, công nợ - chủ yếu là nợ dài hạn tăng mạnh từ 9.019 tỷ đồng năm 2015 lên 17.144 tỷ đồng năm 2016. Từ đó, tổng nợ vay của HNG nâng lên 20.269 tỷ đồng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất của HNG. Tại thời điểm cuối năm 2016, HNG có khoản nợ ngắn hạn trị giá 670 tỷ đồng tại BIDV – chi nhánh Gia Lai, HNG nợ BIDV chi nhánh Bình Định 1.230 tỷ đồng, nợ dài hạn BIDV chi nhánh Gia Lai 1.698 tỷ đồng.

Đứng sau BIDV, các ngân hàng Liên doanh Lào Việt, ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Sacombank chi nhánh Thủ Đức cho HNG vay 1.022 tỷ đồng, 562 tỷ đồng và 335 tỷ đồng.

Công nợ của HNG không chỉ thể hiện ở những khoản nợ vay ngân hàng mà còn nằm ở trái phiếu. Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng cộng trái phiếu thường trong nước của HNG là 2.114 tỷ đồng. Trong đó, HNG gặp áp lực trái phiếu dài hạn đến hạn trả trị giá 297 tỷ đồng.

“Sống” nhờ bò

Khi HNG “chào đời”, cổ đông hy vọng cao su sẽ là “vàng trắng” để nâng tầm cả HNG và Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, trong năm 2016, bò mới là nguồn sống chính của HNG. Doanh thu từ bò chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu HNG.

Cụ thể, tổng doanh thu quý 4/2016 của HNG là 1.213 tỷ đồng, tăng 399 tỷ đồng, tương ứng 49% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế năm 2016 đạt 4.791 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng, tương ứng 1,3% so với năm 2015.

Trong đó, doanh thu từ bò quý 4/2016 đạt 906 tỷ đồng, tăng 510 tỷ đồng, tương ứng 129% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế cả năm 2016 đạt 3.537 tỷ đồng, tăng 996 tỷ đồng, tương ứng 39% so với năm 2015. Doanh thu từ bò năm 2016 chiếm 74% tổng doanh thu năm 2016.

Doanh thu từ bò cao ngất ngưởng nhưng lợi nhuận từ bò của HNG không cao khi giá vốn gần bằng giá bán.  Giá vốn hàng bán về bò tại HNG trong năm 2016 là 3.193 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận gộp về bán bò của HNG chỉ là 344 tỷ đồng.

Xét về doanh thu tại HNG, đứng sau bò là một vài sản phẩm như đường, mủ cao su,… Cụ thể, doanh thu bán đường, doanh thu bán sản phẩm hàng hóa, doanh thu bán bắp, doanh thu bán mủ cao su lần lượt là 468 tỷ đồng (chiếm 9,8% tổng doanh thu), 450 tỷ đồng (chiếm 9,4%), 136 tỷ đồng (chiếm 2,8%) và 114 tỷ đồng (chiếm 2,4%).

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn