Những ý nghĩ nổi loạn

Tổng hợpThứ Tư, 02/10/2013 03:33:00 +07:00

Trước mặt bạn là bầu trời với muôn vàn vì sao. Bạn hãy tin rằng, ở đó sẽ có một ngôi sao hạnh phúc của chính bạn. Ngôi sao ấy sẽ không bao giờ tắt...

Thế là tất cả đã tan biến. Tan biến như một giấc mơ không có thật. Chị đã từng đọc đâu đó một câu nói: “Trước mặt bạn là bầu trời  với muôn vàn vì sao. Bạn hãy tin rằng, ở đó sẽ có một ngôi sao hạnh phúc của chính bạn. Ngôi sao ấy sẽ không bao giờ tắt nếu mỗi ngày bạn hãy nhìn vào nó và cầu nguyện…” Chị không theo đạo Thiên Chúa, cũng không hẳn là theo đạo Phật nhưng vì niềm tin, mỗi buổi tối, trước khi vào phòng ngủ, chị cũng đều bước ra sân, nhìn lên bầu trời đêm. Chị đã chọn cho mình một ngôi sao sáng nhất và cầu nguyện. 

 

Vậy mà, chiều nay, sau những lời cầu nguyện thì chị đã không giữ nổi bình tĩnh: “Nếu cần, anh cứ viết đi! Tôi sẵn sàng kí để anh bước chân khỏi căn nhà này. Mãi giờ này tôi mới biết mình ngu xuẩn vì đã quá tin ở anh…” Và anh, trong sự nóng nảy  vốn đã trở nên quen thuộc cũng không còn giữ ý tứ gì nữa: “Tôi cũng chán ngấy khi suốt ngày phải nhìn thấy gương mặt hãm tài của cô rồi! Cô thích thì cứ viết đi! Tôi cũng sẵn sàng kí.”  Và đúng lúc ấy, cơn sóng đã từ lâu làm xói lở lòng chị bỗng nhiên cuồn cuộn dâng lên biến thành một trận cuồng phong. Chị đùng đùng chạy vào phòng, lấy ngay một tờ giấy trắng và rồi chị đã viết lá đơn xin li hôn trước mặt anh với vẻ mặt thỏa mãn.  Tờ giấy viết vội với nét chữ nguệch ngoạc nhưng cũng đủ ý để nói lên cái điều mà chị muốn nói từ lâu. Rằng chị tự nguyện rời bỏ anh vì anh và chị không hợp nhau, rằng anh không còn yêu chị. Phía dưới lá đơn là chữ kí của chị được tô đậm. 
Chị nhớ, hồi còn đi học, chị đã từng thử hàng trăm chữ kí để rồi chọn cho mình một chữ kí ưng ý nhất. Nhìn chữ kí của chị, mấy đứa bạn, đứa nào cũng khen. Chúng bảo, sau này nhất định chị sẽ là một người hạnh phúc và thành đạt. Chị tin những lời tiên đoán ấy và chị đã giữ cho mình chữ kí ấy suốt ba mươi năm qua. Chữ kí ấy đã run run trên tờ giấy kết hôn trước ngày anh và chị làm lễ cưới. Chữ kí ấy đã run run trên tờ giấy khai sinh cho thằng Sang, đứa con trai duy nhất của anh và chị. Chữ kí ấy cũng run run khi lần đầu tiên chị kí vào biên lai nhận số tiền là nhuận bút do một tờ tạp chí Trung Ương gửi tới sau một truyện ngắn của chị được chọn đăng. Và rồi, chính chữ kí ấy đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng của chị. 
Chị đã cay đắng, căm giận, hờn ghen khi đọc được những dòng yêu thương của một người con gái xa lạ tên Trà Mi trên blog của anh. Và đó là mọi khởi nguồn của những lần xung đột giữa anh và chị. 
Hai tháng… Ba tháng trôi qua. Cuộc chiến tranh giữa chị và anh đã đi vào chiều lặng. Những cãi vã, xung đột chẳng còn, bởi đó là cách ứng xử duy nhất của anh và chị. Cách ứng xử của những người trí thức. Từ khi lá đơn được chị gửi đi, chị chỉ biết chờ đợi ngày tòa gọi. Nhưng hình như họ đã quên mất nó mà cũng có thể họ đang cố tình kéo dài thời gian để thử sức chịu đựng của cả anh và chị thì phải?  
Anh vẫn thường xuyên đi công tác. Những chuyến đi kéo dài năm ngày, ba ngày. Anh về. Vẫn là những bữa cơm lạnh lẽo. Anh ăn như để khỏi đói, rồi giường ai nấy ngủ. Không trò chuyện, không phàn nàn. Thằng Sang mang bộ mặt bất cần để ngày ngày đối chọi với nỗi buồn của chị, đối chọi với những lời răn dạy nhàm chán của ba nó. Có lúc nó đã thét lên:
-   Con chán lắm rồi! 
Chị chỉ biết thở dài khi nhìn nó.

 

Mỗi ngày, chị đều đến nơi làm việc. 
Công việc của chị là làm văn thư cho một cơ quan nhà nước. Chị nhận tất cả mọi thư từ, công văn gửi đến. Chị lưu giữ chúng như một tập nhật ký cơ quan cùng những con dấu. Nói chung, đó là một công việc nhàm chán. Sự nhàm chán khiến chị tìm tòi. Và rồi, chị bén duyên với nghề cầm bút. Vào nghề đã mấy năm. Năm ngoái, chị liên tiếp cho ra đời hai tập truyện ngắn. Đồng nghiệp khen giọng văn của chị có nhiều xúc cảm với lối viết phóng khoáng, nhẹ nhàng. Với chị, văn là đời. Có lẽ vì vậy mà từ ngày giữa anh và chị có những xung đột thì cách viết của chị có nhiều thay đổi, những truyện ngắn có chiều sâu,  kết cấu lại gồ ghề, khắc khoải liên tiếp ra đời.
Sau giờ làm việc, chị về, lao đầu vào phòng và đóng cửa. Một câu chuyện đã hình thành trong đầu chị.  Đầu óc chị căng cứng, chật ních. Những ý nghĩ nhảy nhót, nổi loạn. Chị muốn giải tỏa chúng. Chị mở máy và gõ như một kẻ lên đồng.  Chị muốn câu chuyện sẽ kết thúc thật đau đớn. Anh ta phải bị trả giá… 
Tiếng thằng Sang càu nhàu ngoài ngõ. Nó lại bực tức mắng chó, chửi mèo. Chị ngừng gõ và nhìn lên đồng hồ. Thì ra đã đến gần bảy giờ tối. Chị đã ngồi bên máy tính suốt hai giờ đồng hồ. Cổ họng chị khô rát. Chị với ca nước, ngửa cổ tu một hơi và đứng dậy. 
Khi xong công việc gia đình thì cũng đã mười một giờ khuya. Chị mệt mỏi thiếp đi. Chị tỉnh dậy lúc ba giờ sáng. Nước mắt nhòe nhoẹt trên gối. Chị lại nằm mơ. Chẳng hiểu sao, trong giấc mơ chị lại biến thành nhân vật cô gái trong câu chuyện dang dở chị đang viết.  Anh ta phải trả giá! Cô gái trong câu chuyện của chị lại thét lên. Chị cứ trằn trọc mãi trong câu chuyện nửa thật nửa hư cấu kia mà không thể nào chợp mắt được nữa. 
Tiếng chuông điện thoại bàn đổ dồn làm chị bật dậy. Ai gọi điện cho chị vào giờ này nhỉ? Chị lo lắng nghĩ về người mẹ già yếu năm nay đã hơn tám  mươi tuổi ở quê. Có lẽ nào…
Đầu dây bên kia là  một người đàn ông. Giọng nói có vẻ khẩn thiết: 
-   Chị là vợ của anh Phong?
-   Tôi là…
-   Chị… Chị đến ngay bệnh viện tỉnh. Anh Phong bị tai nạn…
-   Sao? Anh ấy bị tai nạn? 
-   Thôi! Chị đến rồi sẽ rõ…
Người đàn ông cúp máy. Bị tai nạn giờ này thì chỉ có những kẻ đi ăn đêm mà thôi! Một ý nghĩ chua chát lướt qua.  Chị dậy và lật đật gọi con. Thằng Sang đang mắt nhắm mắt mở cũng cuống quýt khi nghe tin:
-   Mẹ! Làm sao bây giờ?
-   Có lẽ mẹ phải vào bệnh viện… 
-   Con theo với!
-   Nhưng con còn đi học. Thôi! Cứ để mẹ đi một mình là được.
Trong thâm tâm, chị muốn tìm hiểu cho rõ con người đã đẩy chồng chị vào tai nạn hơn là đi để chăm sóc, lo lắng cho anh. 
Chiếc tắc xi chở chị đỗ xịch trước cửa cổng bệnh viện. Chị trả tiền rồi nhanh chóng chạy vào phòng cấp cứu. Người đàn ông lạ chờ chị ngay ở cửa:
-   Chị là vợ anh Phong? 
-   Dạ phải! Anh ấy ở đâu?
-   Đang ở trong kia chị ạ! Cũng may, chỉ bị gãy chân và xây xát nhẹ. Mấy anh trong đoàn công tác đưa anh ấy đến đây. Bó bột cho anh ấy xong, họ về để lo công việc, chỉ còn tôi ở lại đợi chị. Tội nghiệp. Tôi cũng không ngờ! 

 

Chị bước vào phòng bệnh với những bước chân hờ hững. Người đàn ông lạ bước đến bên chị:
-   Tôi là Hùng, nhà ở Suối Rao… Anh ấy bị nạn cũng một là lỗi ở tôi. Giá như tôi kiên quyết với anh hơn. Đằng này…
Trên giường bệnh, Phong đang nhắm mắt, dáng vẻ mệt mỏi. Trên mặt, một vết xước kéo dài đến cằm đã được bôi thuốc. Một chân anh bị bó bột đến gót. Tay phải, một vết thương đã được băng bó. Tự nhiên chị thở dài. Sao mà đến nông nỗi này cơ chứ! Chị nhìn đồng hồ. Năm giờ sáng. Chị khẽ bỏ giỏ xách trên chiếc tủ nhỏ và bước ra cửa.  Lướt qua chị là những dáng vẻ vội vã. Đối diện là phòng cấp cứu. Qua tấm cửa kính, chị nhìn thấy những bóng áo trắng cứ chạy đi chạy lại. Ở phòng chờ, một ca tai nạn nữa mới chuyển đến. Một cậu choai choai với khuôn mặt đầm đìa máu. Một chân cậu ta đã bị bó lại. Máu thấm qua lớp vải lan xuống mặt chiếc xe đẩy. Cái đau khiến cậu ta không thể nào chịu nổi:
-   Trời ơi! Đau quá! Các người hãy cho tôi chết đi… 
Một người phụ nữ vừa khóc vừa ôm con. 
-   Trời! Sao con dại vậy. Con chết đi thì mẹ ở với ai! Con ơi là con…
-   Cha mẹ bỏ nhau nên con lao vào xe ô tô tự tử đấy. Đúng là cha mẹ làm khổ con mà! 
Tiếng ai đó ngoài dãy hành lang nói với vào. Mấy tấm áo trắng chạy đến bên cậu bé. Chị rùng mình khi nghĩ đến thân thể của cậu bé nằm dưới sức nặng của chiếc bánh xe tải. Chị rảo chân về đứng trước cửa phòng anh. Một nỗi lo lắng đang dâng lên trong lòng chị. Hùng kéo tay chị:
-   Ta ra ngoài này tý đi. Cứ để cho anh ấy ngủ thêm tý nữa chị ạ. 
Ở hành lang nhìn ra, một gốc cây lớn có lớp vỏ xù xì và những cành lá sum suê. Hùng đã nói với chị thật nhiều về những chuyến đi từ thiện của anh và cơ quan. Hùng khen anh tuy ăn nói thô cục nhưng là người tốt tính. Anh đã cùng cơ quan giúp đỡ nhiều em học sinh nghèo ở vùng quê anh những suất học bổng, giúp gia đình nghèo có bò, có lợn để chăn nuôi. Hùng lại kể về cô gái có cái tên Trà Mi. Thì ra Trà Mi chính là em gái của Hùng. Trà Mi bị liệt nửa người nên không đi lại được. Hùng kể về nỗi bất hạnh của Trà Mi, lại kể về niềm vui của Trà Mi khi được tặng xe lăn và máy tính… Và còn nhiều, nhiều nữa những việc mà Phong và cơ quan anh đã làm cho những con người nơi vùng quê hẻo lánh mà lâu nay chị chỉ nghe thấy trên ti vi. Hùng đã vẽ lại một hình ảnh của Phong đầy cao thượng và tuyệt đỉnh.
   Chị không thể biết khuôn mặt chị ra sao, thái độ chị thế nào, chỉ thấy Hùng kết thúc câu chuyện bằng những lời xin lỗi. Đầu óc chị choáng váng. Mặt chị tái nhợt. Chị chỉ biết nắm thật chặt lan can để khỏi ngã.  
-   Kìa! Chị có sao không? Chị đừng lo lắng quá! Người tốt như anh ấy thì luôn gặp may chị ạ. Thôi! Để em đi mua thức ăn sáng cho cả ba chúng ta. Chị ngồi đây đợi anh tỉnh dậy hẵng hay chị nhé.
Bóng Hùng khuất ngoài gốc cây về hướng căng - tin bệnh viện. Chị cố giữ bình tĩnh để nước mắt khỏi lăn ra. Trước mắt chị hiện ra một chữ kí quen thuộc. Chữ kí đã được tô đậm. Chợt chị đứng thẳng dậy và chạy về phía phòng anh. Trong đầu chị, là hồi kết của câu chuyện đang dang dở… 

Châu Hoài Thanh
Bình luận
vtcnews.vn