Những vụ vi phạm trắng trợn quyền lợi người tiêu dùng khiến dư luận 'dậy sóng'

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Bảy, 10/09/2022 14:49:00 +07:00
(VTC News) -

Những năm gần đây, nhiều vụ việc xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Một trong những vụ việc gây bức xúc nhất phải kể đến nhãn hàng pate Minh Chay có khuẩn độc clostridium botulinum khiến gần 12.000 người tiêu dùng mua sản phẩm của Công ty Lối sống mới lâm vào cảnh hoảng sợ. Đã có những người nhập viện vì ngộ độc do sử dụng sản phẩm pate Minh Chay, phải bỏ số tiền hơn 80 triệu đồng để chữa trị ngộ độc.

Sự việc xảy ra vào tháng 8/2020, sau khi xác định có bệnh nhân cấp cứu nhiễm phải độc thực phẩm Botulinum do sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới, Cục ATTP đã có Công văn hỏa tốc số 1907 đề nghị Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin.

Kết quả điều tra và kết quả xét nghiệm các sản phẩm pate Minh Chay dùng dở dang/nguyên hộp đều cho thấy sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, lưu thông và là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum  gây ngộ độc cho người bệnh.

Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, trong vòng hai tháng (1/7 - 28/8/2020 - thời điểm xảy ra vụ việc), khoảng 11.800 khách hàng đã mua các sản phẩm của Công ty Lối sống mới, trong đó có khoảng 7.500 khách hàng mua pate Minh Chay.

Phần lớn các sản phẩm này được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM…qua hình thức đặt hàng online. Riêng số khách hàng đã mua pate Minh Chay tại Hà Nội là 1.187; TP.HCM là 1.290. Việc thu hồi sản phẩm pate Minh Chay đang gặp khó khăn bởi đặc điểm của sản phẩm này không phân phối trong hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn. Quan trọng, nhiều khách mua về không để sử dụng mà đem biếu tặng, thậm chí mua để bán lại.

Một vụ việc khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng đó là việc rau "bẩn" đội lốt rau VietGAP xâm nhập vào siêu thị. Người tiêu dùng vẫn tin tưởng nông sản có chứng nhận VietGAP là rất an toàn, thế nhưng mọi chuyện bị phanh phui khi một số cơ sở cung cấp và kinh doanh đã "hô biến" rau, củ có xuất xứ không rõ ràng trở thành nông sản sạch. 

Dây chuyền sản xuất phân phối nông sản của Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Đông A (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM) chuyên cung cấp rau, củ quả cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã bị báo chí phanh phui hành vi gian lận của mình. Tại đây, nhiều sản phẩm rau xanh có nguồn gốc khác nhau được phù phép, dán tem mới của thương hiệu Đông A, với nội dung "Tươi ngon từ nông trại đến bàn ăn", đi kèm là logo thể hiện đạt chuẩn VietGAP. Các sản phẩm "được thay áo mới" của công ty Đông A với mục đích đưa vào thị trường để "đội giá" lên cao, tăng thêm lợi nhuận.

Sau đó, Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm cũng đã bị vạch trần chiêu thức "hô biến" nông sản ở chợ đầu mối trở thành hàng công ty đạt chuẩn 3 sạch. Nhân viên của Hugofarm đi chợ đầu mối Hóc Môn thu gom rau củ quả các loại để "phù phép" trở thành nông sản sạch và bán ra thị trường. Trong cơ sở sản xuất, nhân viên sẽ làm sạch rau ở chợ, nhặt bỏ lá vàng, sâu bọ, chọn lọc rau đẹp và nhìn bắt mắt cho vào túi ni lông đóng gói, dán nhãn nơi chế biến, sản xuất cùng logo chuẩn VietGAP. Bên trên logo có dòng chữ nhỏ: "Hugofarm là nông trại chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình khép kín, sử dụng phân hữu cơ, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản. Đưa sản phẩm trực tiếp từ vườn đến người tiêu dùng".

Vậy là chiêu thức lừa đảo tinh vi đã được thực hiện thành công, trong thời gian qua những loại nông sản kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã đến tay của rất nhiều người tiêu dùng trên cả nước.

Thời điểm đầu năm 2020, khi COVID-19 bắt đầu bùng phát, khẩu trang y tế bỗng lên "cơn sốt" vì nhu cầu mua rất lớn. Đây cũng là lúc các cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang y tế "dởm", rất mất vệ sinh ở Bắc Ninh. Các cơ sở này có tình trạng chung là không đủ điều kiện sản xuất, công nhân không được tập huấn về y tế và sản phẩm không được tiệt trùng trong bất cứ công đoạn nào.

Cụ thể, giữa tháng 3/2020, Tổng Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị Quốc Bảo ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình. Công ty này sản xuất khẩu trang không đảm bảo vệ sinh, dưới mác hàng khẩu trang y tế, kháng khuẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe cộng đồng.

Cơ quan chức năng ập vào kiểm tra khu xưởng của doanh nghiệp và chứng kiến công nhân đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ đều tay trần bốc xếp khẩu trang. Do nhu cầu tiêu thụ lớn nên hàng sản xuất ra đến đâu, được đóng gói đưa đi tiêu thu đến đó, cơ sở lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng. Vì thế, ngoài việc sản xuất tại xưởng, cơ sở này còn thuê nhiều nhà dân trong làng gia công, đóng gói.

Ngoài ra, còn hàng loạt các vụ bê bối, lừa đảo xoay quanh lan đột biến khiến nhiều người tiêu dùng tiền mất tật mang, thậm chí có người còn lâm vào cảnh phá sản hoặc nợ nần chồng chất.

Những vụ vi phạm trắng trợn quyền lợi người tiêu dùng khiến dư luận 'dậy sóng' - 1

Nhiều vụ việc nhức nhối về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng khiến dư luận bức xúc.

Nói về tình trạng quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng liên tục bị xâm phạm, đe dọa trong thời gian gần đây, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc văn phòng luật Minh Bạch, cho rằng các chế tài xử lý hành vi vi phạm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay chưa thật sự nghiêm và đủ sức răn đe.

Nhìn chung, các quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Nghị định này được quy định cụ thể, chặt chẽ và đầy đủ hơn so với quy định tại các Nghị định trước đây, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách toàn diện hơn. Tuy nhiên, các chế tài hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe”, luật sư Tuấn Anh nhận định.

Theo Giám đốc văn phòng luật Minh Bạch, mặc dù các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thường gây ảnh hưởng tới nhiều người tiêu dùng trong cùng một thời điểm và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng mức phạt tiền đối với những hành vi này còn khá thấp. Cụ thể, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức, áp dụng với hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo hành hàng hóa. Nếu so với những khoản lợi bất chính mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể thu về do hành vi vi phạm pháp luật của mình thì mức phạt này là quá thấp. 

Với những hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, đây đều là những hành vi đe dọa hoặc đã gây ra hậu quả lớn đối với người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên, hình phạt đối với những hành vi này vẫn chưa đủ tính nghiêm khắc khi mức xử phạt đa số là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù với mức thấp.

Do việc quy định các chế tài đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa đủ tính nghiêm khắc, nên vẫn còn tồn tại rất nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà thực hiện những hành vi xâm phạm đến quyền lợi về tài sản, thông tin cá nhân, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) khuyến cáo, ngay khi gặp phải sự cố, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng bằng cách gọi điện đến tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số miễn phí trên toàn quốc 1800.6838.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể phản ánh thông tin đến Website: http://khieunai.bvntd.gov.vn, gửi Email đến địa chỉ: [email protected] hoặc gửi qua đường bưu điện để được tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn