Những đồng tiền có thể mất giá mạnh nhất thế giới

Kinh tếThứ Bảy, 22/08/2015 12:11:00 +07:00

Đồng nội tệ của những quốc gia nào bị mất giá mạnh nhất thế giới

Ringgit Malaysia, riyal Ả-rập Xê-út hay lira Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo yếu đi đáng kể do làn sóng phá giá do Trung Quốc châm ngòi.

Giữa tuần này, khi Kazakhstan quyết định thả nổi nội tệ, đồng tenge của họ lập tức mất giá 23% so với USD. Chỉ một ngày trước đó, nước này còn áp dụng cơ chế hạ giá có kiểm soát.

Đây là cú sốc mới với thị trường ngoại hối toàn cầu, đồng thời là tín hiệu cho thấy các nước đang phát triển ngày càng khó bảo vệ tiền tệ của mình. Đồng rand Nam Phi và lira Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng mất giá...


Châm ngòi cho chuỗi sự kiện này là động thái phá giá nội tệ của Trung Quốc ngày 11/8, khiến nhiều quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với nền kinh tế lớn nhì thế giới này gặp bất lợi.

Việc này càng khiến các nước mới nổi gặp khó khăn, trong bối cảnh đang phải đối mặt với nguy cơ Mỹ tăng lãi suất và giá dầu giảm.

Ringgit Malaysia là một trong những đồng tiền đang chịu áp lực giảm giá mạnh. Ảnh: Business Times
Ringgit Malaysia là một trong những đồng tiền đang chịu áp lực giảm giá mạnh. Ảnh: Business Times 
Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra với các nước có quan hệ với Nga, do đồng rouble liên tục yếu đi đã đẩy họ vào tình thế bất lợi khi kinh doanh với Nga. Theo Bloomberg, dưới đây là 11 đồng tiền tiếp theo có thể mất giá mạnh vì biến động toàn cầu này.

1. Riyal Ả-rập Xê-út: Theo Deutsche Bank, với 672 tỷ USD dự trữ ngoại hối, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới có đủ khả năng cứu vãn nội tệ. Tuy nhiên, giới đầu cơ nghi ngờ việc này có thể suôn sẻ khi giá dầu đã xuống đáy 7 năm. Theo số hợp đồng phái sinh nhà đầu tư đang nắm giữ, giá đồng riyal có thể giảm 1% trong 12 tháng tới.

2. Manat Turkmenistan: Quốc gia xuất khẩu dầu này có quan hệ chặt chẽ với Nga. Họ đã giảm giá đồng nội tệ 19% trong tháng 1. SEB dự báo đồng tiền này sẽ còn yếu đi 20% trong 6 tháng tới.

3. Somoni Tajikistan: Quốc gia này có quan hệ mật thiết với Kazakhstan, với khoảng 11% kim ngạch giao thương. SEB dự báo đồng tiền này sẽ mất giá 10-20%.

4. Dram Armenia: Đồng tiền này đã mất 15% trong 12 tháng qua, bằng một phần ba mức giảm của rouble. Một phần tư kim ngạch thương mại của nước này là với Nga.

5. Som Kyrgyzstan: Đồng tenge yếu sẽ gây áp lực lên som, do hai nước này có quan hệ kinh tế chặt chẽ, báo cáo của BMI Research cho biết.

6. Pound Ai Cập: Quốc gia này vẫn hạn chế khả năng tiếp cận ngoại tệ của nhà đầu tư, do thiếu nguồn cung từ sau các cuộc biểu tình năm 2011. Theo tình trạng các hợp đồng kỳ hạn đang được nhà đầu tư nắm giữ, đồng tiền này có thể mất giá 22% trong một năm.

7. Lira Thổ Nhĩ Kỳ: Đây là một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới từ sau khi Trung Quốc phá giá tiền tệ. Bất ổn chính trị và khả năng bầu cử sớm lại càng khiến đồng tiền này lao đao.

8. Naira Nigeria: Các nhà hoạch định chính sách tại quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này đang cố giữ nội tệ ở mốc mà hầu hết mọi người cho là quá cao. Đồng tiền này được dự báo mất giá 20% so với USD năm tới.

9. Cedi Ghana: Vấn đề chính của quốc gia xuất khẩu dầu này là mất cân bằng tài khóa, lạm phát và khối nợ đang tăng cao.

10. Kwacha Zambia: Quốc gia này phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, với 70% xuất khẩu là vào thị trường này.

11. Ringgit Malaysia: Đồng nội tệ này hôm qua tiếp tục xuống đáy 17 năm so với USD, và dự trữ ngoại hối cũng lần đầu xuống dưới 100 tỷ USD trong 5 năm.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn