Những điều đặc biệt trong lễ vinh danh giáo sư, phó giáo sư 2015

Giáo dụcThứ Năm, 12/11/2015 02:18:00 +07:00

Giáo sư, phó giáo sư 2015:Nhiều điều đặc biệt đã xuất hiện trong lễ công bố quyết định và trao chứng nhận cho 522 giáo sư, phó giáo sư năm 2015.

(VTC News) – Nhiều điều đặc biệt đã xuất hiện trong lễ công bố quyết định và trao chứng nhận cho  522 giáo sư, phó giáo sư năm 2015.


Sáng nay (12/11), tại Hà Nội, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận cho 522 tân Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2015.
Trao chứng nhận Giáo sư, Phó giáo sư năm 2015
Trao chứng nhận Giáo sư, Phó giáo sư năm 2015  (Ảnh: GDTĐ)

5 Phó giáo sư là người dân tộc


GS Trần Văn Nhung cho biết, tuổi trung bình của 522 tân GS, PGS là 47,64 (năm 2014 là 49). Tuổi trung bình của 52 tân GS là 56,94 (năm 2014 là 58); tuổi trung bình của 470 PGS là 46,62 (năm 2014 là 48).

Có 129 nữ trên tổng số 522 tân GS, PGS, trong đó có 5 nữ GS là: Đỗ Hương Trà (Giáo dục học), Nguyễn Thái Yên Hương (Sử học), Lê Thị Thanh Nhàn (Toán học, cũng là nữ GS trẻ nhất), Hứa Thị Ngọc Hà (Y học) và Phan Thị Ngà (Y học).

Có 5 PGS là người dân tộc ít người, gồm: 1 dân tộc Hà Nhì và 4 dân tộc Tày.

GS trẻ nhất năm nay là TS Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý – Phó Viện trưởng ITIMS (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), 43 tuổi. Bố mẹ là nông dân người Huế, GS Hiếu là tác giả hoặc đồng tác giả của 130 công trình khoa học, trong đó có 85 công trình trên các tạp chí quốc tế ISI.

GS cao tuổi nhất năm nay là TS Nguyễn Đức Lợi, 69 tuổi, ngành Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS trẻ nhất năm nay là Hồ Khắc Hiếu (ngành Vật lý) - Trường ĐHDL Duy Tân, 31 tuổi. Như vậy, ngành Vật lý năm nay giữ hai kỷ lục là GS và PGS trẻ nhất.

GS Trần Văn Nhung cho biết, kỷ lục trẻ nhất trong 35 năm qua là 3 GS được công nhận ở tuổi 37 gồm: GS Phan Thanh Sơn Nam (Hóa học, năm 2014, Trường ĐH Bách khoa TP HCM), GS Nguyễn Quang Diệu (Toán học, 2011, Trường ĐHSP Hà Nội), GS Hoàng Ngọc Hà (Khoa học Trái đất, năm 1996, Trường ĐH Mỏ - Địa chất). Cho đến nay, kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận GS là 81 tuổi.

Kỷ lục PGS trẻ nhất trong 35 năm qua với tuổi 29 là 2 PGS: Nguyễn Khánh Diệu Hồng (nữ, Hóa học, năm 2012, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) và Phạm Hoàng Hiệp (Toán học, 2011, Trường ĐHSP Hà Nội). Kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận PGS là 81 tuổi.

Giáo sư Toán thứ 2


Theo GS Trần Văn Nhung, trong quá trình 35 năm qua, hầu hết các ngành đều “hiếm, muộn” nữ GS và PGS.

Ví dụ ngành Toán học, nữ GS Toán học đầu tiên của nước ta là NGND.GS.TSKH Hoàng Xuân Sính, được phong GS năm 1980 khi 47 tuổi.

Cho đến nay, sau 35 năm mới có thêm được nữ GS Toán học thứ 2 là TS Lê Thị Thanh Nhàn, 45 tuổi – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên).

Năm 2015, trong một gia đình, ngành Sinh học và trong một trường đại học là đó là PGS.TS Phan Thị Phượng Trang (sinh năm 1977) và PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1976) - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGTP. HCM).

Giảng viên cơ hữu chiếm 82,38%

Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, điều đáng mừng trong kết quả đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm nay là tỷ lệ giảng viên trong số 522 tân GS, PGS tăng lên, cao hơn so với năm 2014 và các năm trước.

Số giảng viên cơ hữu chiếm tỷ lệ 82,38%, giảng viên thỉnh giảng 17,62% và giảng viên thỉnh giảng làm quản lý chỉ 4,21%.

Về phân bố, tỷ lệ GS, PGS mới của Hà Nội tiếp tục giảm dần, của TP HCM và các tỉnh thành khác tiếp tục tăng dần theo hướng hợp lý.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn