Những cuộc không kích nhằm vào dân thường đáng xấu hổ nhất lịch sử

Tư liệuChủ Nhật, 22/10/2023 15:56:00 +07:00
(VTC News) -

Những cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự luôn bị cộng đồng quốc tế lên án bởi tính chất phi nghĩa của nó, nhưng vẫn không ít vụ việc thương tâm xảy ra.

Vào ngày 17/10, mười một ngày kể từ khi bùng phát các cuộc xung đột toàn diện với nhóm chiến binh Hamas, Bệnh viện Ả Rập Al Ahli ở Dải Gaza bị ném bom khiến hơn 500 thường dân thương vong. 

Tổng số thương vong của người Palestine do các cuộc tấn công của Israel vào thời điểm đó đã lên tới hơn 16.000 người. Vụ tấn công vào bệnh viện đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế (chủ yếu là các nước ngoài phương Tây), với những lời lên án gay gắt từ Nga và Ấn Độ đến Đông Nam Á và Châu Phi.

Vụ việc này cũng đã khiến nhiều người liên tưởng đến những tội ác chiến tranh xảy ra trong quá khứ và các chuyên gia của tạp chí Military Watch đã nhắc lại những vụ tấn công kinh hoàng tương tự xảy ra trong suốt 75 năm qua.

Bệnh viện Al Ahli sau khi bị tấn công.

Bệnh viện Al Ahli sau khi bị tấn công.

Thế chiến 2

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Không quân Mỹ đã sử dụng bom cháy để xóa sổ các thành phố và khu dân cư của kẻ thù. Các cuộc tấn công bừa bãi này dẫn đến việc phá hủy nhiều bệnh viện từ Dresden ở Đức đến Tokyo ở Nhật Bản. 

Trong đó, vụ đánh bom ở Tokyo vào ngày 9-10/3/1945 được xem là đêm đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh, với số người Nhật thiệt mạng ước tính lên tới hơn 100.000 người. Toàn bộ các quận của thành phố bị phá hủy chỉ sau một đêm, nhiều bệnh viện, trường học, đền thờ và các mục tiêu khác cũng đã bị xóa sổ. 

Vụ tấn công này là một trong những tội ác chiến tranh nghiêm trọng nhất trong lịch sử và gây ra cái chết cho dân thường nhiều hơn bất kỳ vụ tấn công nào khác được ghi nhận, phá hủy nhà cửa của 372.000 gia đình. 

Tướng Curtis LeMay, người giám sát cuộc tấn công, tuyên bố rằng số người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Tokyo còn lớn hơn cả hai cuộc tấn công hạt nhân sau đó cộng lại. 

Ngoài ra, Mỹ cũng tiến hành các cuộc ném bom với quy mô nhỏ hơn nhắm vào 66 thành phố khác của Nhật Bản, điều này cũng dẫn đến thương vong hàng loạt cho dân thường và phá hủy nhiều bệnh viện. Đỉnh điểm là các cuộc tấn công hạt nhân vào hai thành phố Hirosima và Nagasaki. 

Cuộc tấn công hạt nhân ở Hiroshima đã phá hủy 18 bệnh viện và 32 trung tâm sơ cứu, với 90% bác sĩ y tế của thành phố thiệt mạng hoặc bị thương nặng. Trong cuộc tấn công ở Nagasaki, các cơ sở y tế chính của thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn bao gồm Đại học Y khoa Nagasaki và các nhiều trung tâm y tế khác.

Thành phố Tokyo sau khi bị ném bom.

Thành phố Tokyo sau khi bị ném bom.

Chiến tranh Lạnh

Trong Chiến tranh Triều Tiên, Tư lệnh tối cao của lực lượng liên minh do Mỹ lãnh đạo, Tướng Douglas MacArthur đã ra lệnh ném bom “mọi phương tiện liên lạc, mọi cơ sở, nhà máy, thành phố và làng mạc” ở Triều Tiên. 

Các chiến dịch ném bom của Mỹ đã phá hủy khoảng 1.000 bệnh viện trên khắp Triều Tiên và là nguyên nhân chủ yếu trong việc khiến gần 4 triệu người Triều Tiên thiệt mạng trong suốt cuộc chiến tranh.

Tướng Không quân Curtis LeMay sau này nhớ lại các vụ ném bom Triều Tiên, “Trong thời gian khoảng ba năm, chúng tôi đã giết chết khoảng 20% dân số Triều Tiên, có những ước tính khác lên tới 30%”. 

Trong những năm 1960 và 1970, các cuộc ném bom của Mỹ nhằm vào các thành phố trên khắp miền Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia cũng đã gây ra thương vong đáng kể và phá hủy nhiều bệnh viện ở cả ba nước.

Nam Tư sau khi hứng chịu bom đạn của NATO.

Nam Tư sau khi hứng chịu bom đạn của NATO.

Sau Chiến tranh Lạnh

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cuộc Chiến tranh vùng Vịnh đã chứng kiến ​​các bệnh viện ở Iraq trở thành những mục tiêu tương tự. Ở những nơi bệnh viện không bị tấn công trực tiếp, việc nhắm mục tiêu hàng loạt vào cơ sở hạ tầng dân sự bao gồm nguồn nước và điện cũng mang lại những rủi ro nghiêm trọng cho những bệnh nhân đang điều trị. 

Năm 1999, trong chiến dịch không kích quy mô lớn của NATO chống lại Nam Tư, ​​các bệnh viện cũng trở thành mục tiêu bị tấn công. Nhà báo Australia John Pilger đã kể lại, “thường dân bị nổ tung trong các chuyến tàu chở khách và xe buýt đông đúc, trong các nhà máy, đài truyền hình, thư viện, nhà dưỡng lão, trường học và 18 bệnh viện, tất cả đều bị Không quân Hoàng gia Anh phá hủy”.

Một ví dụ đáng chú ý là các cuộc tấn công của Không quân Hoàng gia Hà Lan vào một khu chợ đông đúc, một bệnh viện, một trường đại học và một số cửa hàng ở thành phố Nis của Serbia từ ngày 7-12/5 cũng khiến nhiều người thương vong. 

Các chiến dịch không kích của phương Tây cũng gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất khả năng tiếp cận thuốc men, phá hủy hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và vệ sinh cũng như sự cố trong hệ thống chăm sóc sức khỏe khiến các bệnh viện không thể hoạt động.

Trung tâm Chấn thương Kunduz ở Afghanistan sau vụ tấn công.

Trung tâm Chấn thương Kunduz ở Afghanistan sau vụ tấn công.

Thế kỉ XXI

Bước sang thế kỷ 21, các cuộc không kích nhằm vào cơ sở y tế quan trọng vẫn xảy ra, một trong những ví dụ nổi bật nhất là cuộc tấn công vào khu nhà ở phức hợp của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế ở Kabul, Afghanistan, đây là nơi lánh nạn của hàng chục nghìn người tị nạn Afghanistan. Việc lực lượng NATO tiến hành các cuộc tấn công trong gần hai thập kỷ đã khiến các cơ sở y tế của Afghanistan không còn hoạt động được nữa. 

Một trong những cuộc tấn công tiếp theo được công chúng chú ý nhiều nhất là cuộc tấn công của Không quân Mỹ vào tháng 10/2015 nhằm vào Trung tâm Chấn thương Kunduz do Médecins Sans Frontières điều hành, trong đó các bệnh nhân được cho là đã chết cháy trên giường của họ. 

Vụ việc này đã được công chúng trên toàn thế giới biết đến nhiều hơn các cuộc tấn công khác nhằm vào các cơ sở y tế của Afghanistan, vì tòa nhà mục tiêu được điều hành bởi một tổ chức phương Tây. 

Với tư cách là cường quốc hàng đầu thế giới và tuyên bố ủng hộ các chuẩn mực quốc tế, nhưng cách hành xử của Mỹ trong nhiều thập kỷ đã khiến các cuộc tấn công vào các cơ sở y tế không còn là điều bất thường nữa.  

Lê Hưng(Military Watch)
Bình luận
vtcnews.vn