Tin tức

Những bước chân vội vã đêm giao thừa

Thứ Bảy, 21/01/2023 23:08:00 +07:00

(VTC News) - Tối 30 Tết, khi phố phường rực rỡ ánh đèn, nhà nhà sum vầy chờ đón giao thừa thì bên trong các bệnh viện lại là không khí hoàn toàn khác...

Chỉnh lại trang phục, bác sĩ CKII Trần Thượng Dũng, trưởng kíp trực ngày 30 Tết tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Bình Định bước nhanh đến phòng họp cùng đồng nghiệp ăn một vài cái bánh ngọt và nhận lời chúc tết, động viên của lãnh đạo tỉnh và Ban Giám đốc bệnh viện. Trong chốc lát, anh rời phòng họp vội vã trở về khoa cùng kíp trực theo dõi tình hình bệnh nhân…

"Bệnh tật không căn giờ đẹp"

Ngày cuối năm nhưng bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bình Định (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cấp cứu liên tục. Nhìn thấy tôi, bác sĩ Dũng chỉ kịp mỉm cười, giơ tay chào rồi lại tất bật hướng về Khoa Cấp cứu.

Ca trực cấp cứu có gần 20 bác sĩ và điều dưỡng chạy liên tục mà vẫn không hết việc. Bác sĩ Dũng vừa khám và xử lý xong cho người bệnh này đã có người bệnh khác được đẩy vào. Có lúc chợt nhớ ra tôi đang “theo đuôi”, anh quay lại bảo: "Bệnh tật chẳng chừa một ai, cũng không có căn ngày giờ đẹp cho mình đâu em!". 

Những bước chân vội vã đêm giao thừa - 1

Bác sĩ Dũng vừa khám và xử lý xong cho người bệnh này đã có người bệnh khác được đẩy vào

Cạnh anh Dũng, một nữ bác sĩ cũng luôn tay khám, sơ cứu cho người bệnh, dặn dò họ kĩ lưỡng từng chút một, trước khi kết thúc không quên động viên bệnh nhân cố gắng chữa trị để nhanh được xuất viện.

Bác sĩ Võ Thành Nam Bình, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, hiện vẫn còn hơn 500 bệnh nhân nằm lại điều trị. 270 y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý có mặt đầy đủ tại các khoa. Trong đó, vất vả nhất là các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu. Từ sáng đến 19h ngày 30 Tết, khoa đã tiếp nhận 135 bệnh nhân. Số bệnh nhân nhập viện những ngày Tết cao hơn nhiều so với ngày thường, đa số là bị thương do tai nạn giao thông, bệnh nhân va chạm, xô xát, ngộ độc thực phẩm và một số ca bệnh nặng. Bệnh viện đã phân công các y, bác sĩ trực 24/24 để sẵn sàng làm nhiệm vụ. 

22h, gió lạnh thổi qua từng dãy hành lang hun hút, còi hú cấp cứu kêu dập dồn trước sân bệnh viện. Xe vừa đưa xuống một người đàn ông nằm bất tỉnh. Tiếng băng ca kéo vội lướt qua nền gạch hòa lẫn tiếng bước chân hớt hải của người thân nghe thật nặng nề.

Một nữ bác sĩ dáng người nhỏ nhắn lao đến chỗ bệnh nhân. Cô hỏi nhanh người nhà về tình trạng bệnh nhân.

Người nằm trên cáng là cụ ông khoảng 70 tuổi, khuôn mặt tái nhợt. Người nhà cho biết ông bị ngã khi dọn dẹp nhà cửa. Các bác sỹ sơ cứu, khám tổng quát, chiếu chụp và xác định bệnh nhân bị gãy tay, đa chấn thương. Sau hơn một tiếng xử lý khâu vết thương dài ở chân, bó bột cố định cánh tay bị gãy, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục theo dõi và điều trị.

23h30, đội ngũ y, bác sĩ vẫn mải mê chạy đua với thời gian, từng giây từng phút để khám, chữa cho bệnh nhân.

Công tác tại Khoa Cấp cứu 12 năm thì có 3 năm điều dưỡng Nguyễn Quốc Toàn trực đêm giao thừa. Anh Toàn cho biết, trong ca trực không thể nghĩ đến chuyện đón giao thừa, mọi công việc của các y bác sĩ vẫn diễn ra như ngày thường. Có khác chăng, hôm nay, trong khuôn viên chung ở tất cả các khoa phòng đều có một cây mai vàng.

Những bước chân vội vã đêm giao thừa - 2

Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định trước thềm năm mới hoạt động với cường độ, áp lực gấp đôi ngày thường

Y sĩ Văn Thị Hồng Diễm cũng 4 lần đón giao thừa tại bệnh viện. "Trực Tết tuy mệt nhưng rất thiêng liêng và thú vị. Bác sĩ và bệnh nhân không còn khoảng cách. Có lẽ Khoa Cấp cứu của tất cả các bệnh viện là nơi không bao giờ tắt đèn, bởi nơi này ngày nào cũng sẽ có bệnh nhân tới, không kể ngày đêm. Nếu hỏi khi nào yên bình nhất thì chắc câu trả lời là "không", chỉ có thể là ít bệnh nhân đến cấp cứu thì đúng hơn", chị Diễm chia sẻ.

Những bước chân vội vã đêm giao thừa - 3

Tính từ lúc nhận ca trực đến thời điểm trước thời khắc giao thừa, bệnh viện đã tiếp nhận 135 ca cấp cứu.

Đêm giao thừa "nở nhuỵ khai hoa"

Có lẽ ở bệnh viên, khoa Sản là khoa vui nhất. Dù phải trải qua cơn đau, nhưng niềm vui có con luôn là niềm vui bất tận với mỗi người mẹ và những người thân của họ. Đêm cuối năm ở nơi này, quang cảnh vẫn rất nhộn nhịp. Một người đi sinh, cả nhà đi theo, hồi hộp, lo lắng, vui mừng…

Đêm giao thừa, khoa có hơn 30 sản phụ chưa xuất viện. Ca trực 30 Tết có 12 y bác sĩ túc trực chăm sóc sản phụ, trẻ sơ sinh.

Sản phụ Hà Thị Bích Vy (Phù Cát, Bình Định) vừa hạ sinh con đầu lòng, đó là một bé trai bụ bẫm, môi hồng chúm chím.

Năm nay tuy ăn Tết tại bệnh viện nhưng vui và hạnh phúc lắm, mẹ tròn con vuông là món quà lớn nhất cho em và gia đình rồi. Không gì hạnh phúc hơn nữa” , chị Vy nói trong hạnh phúc.

Theo một nữ hộ sinh, khoa vừa tiếp nhận thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ. Sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định phải mổ sinh. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan - phụ trách kíp trực đang trong phòng mổ.

23h45, chị Loan ra khỏi phòng mổ, bước vội về phía tôi nói: "Vừa mổ đẻ thành công cho một ca rau tiền đạo trung tâm, bé khoẻ, mẹ cũng khoẻ. Mừng ghê! Chúc mừng năm mới", chị Loan cười mãn nguyện.

Những bước chân vội vã đêm giao thừa - 4

Hơn 12 năm làm trong Khoa Sản, bác sĩ Loan đã 4 lần đón giao thừa ở trong bệnh viện

Với kinh nghiệm làm “bà đỡ”, chị nói mình may mắn khi được chứng kiến những em bé chào đời đúng lúc đồng hồ điểm 0h. Trong khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, đứa trẻ như một báu vật của gia đình và món quà đặc biệt đầu năm với các bác sĩ.

Đó là một giây phút rất xúc động và đẹp đẽ”, chị nói.

Hộ lý Nguyễn Thị Thu Thuyền cho biết, kíp trực tất bật từ sáng đến giờ, hết đỡ sinh, mổ sinh, rồi làm bệnh án, thực hiện các thủ thuật...

"Người mệt đừ nhưng vẫn vui vì được hòa cùng niềm vui “mẹ tròn, con vuông” của bao sản phụ và gia đình; sự sát cánh chung tay của đồng nghiệp,... Đó là niềm hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có. Tất cả những điều đó đã giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn, yêu nghề hơn và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn”, hộ lý Thuyền chia sẻ.

Những bước chân vội vã đêm giao thừa - 5

Đội ngũ y bác sĩ Khoa sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đang nỗ lực để đón chào những sinh linh bé bỏng đầu năm mới.

Vợ chồng chị Thuyền đều công tác tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định, đã lâu lắm rồi gia đình chưa có bữa cơm đầy đủ các thành viên. Hôm thì anh đi trực, hôm thì chị, hôm lại là con trai bận đi học thêm, có hôm tưởng là đủ cả rồi mà đến lúc đồ ăn bày biện sẵn, anh lại phải chạy vô viện. Đồ ăn có bao nhiêu thứ ngon, vắng đi một người bữa cơm cũng tẻ nhạt hơn. Nhưng gia đình cũng phải quen với những bữa cơm như thế dù thèm lắm một lần có đủ cả nhà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang khi tới thăm, tặng quà, chúc Tết các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ trực Tết cũng đã nói về bữa cơm gia đình của những y, bác sĩ như vợ chồng chị Thuyền. “Tôi rất xúc động khi ngoài kia nhà nhà quây quần bên mâm cơm đoàn viên, ai cũng chuẩn bị cho mình trang phục đẹp nhất để chào đón năm mới. Nhưng khi vào các bệnh viện, thấy các bác sĩ vẫn trong chiếc áo blouse trắng thường ngày, tất bật với công tác cấp cứu, khám chữa cho bệnh nhân. Xin cảm ơn những nỗ lực thầm lặng của các y, bác sĩ".

Tôi rời Bệnh viện Đa khoa Bình Định khi năm mới đã sang, mùa xuân đã về trên từng nếp nhà, từng con phố. Và, ở "nơi ánh đèn không bao giờ tắt" này, những người mặc áo blouse vẫn từng phút, từng giờ hồi sinh bao sự sống, giành lại niềm vui cho nhiều gia đình.

Nguyễn Gia- An Yên
Bình luận
vtcnews.vn