Những "bông hoa" không bao giờ biết đến ngày 8/3

Thời sựThứ Hai, 08/03/2010 09:48:00 +07:00

(VTC News) – Khi được hỏi về ngày mùng 8/3, ai cũng cười và nói đó chỉ là ngày của những người trên thành phố.

 
(VTC News) – Khi được hỏi về ngày mùng 8/3, ai cũng cười và nói đó chỉ là ngày của những người trên thành phố. Còn với các chị ngày đi làm thuê, tối về nấu cơm cho chồng con như thế là hạnh phúc.

5 giờ sáng, cô Lê Thị Vinh (Đan Phượng, Hà Nội) cùng không ít nữ đồng nghiệp đã có mặt tại chợ hoa Tây Tựu (Hà Nội). Đây là một trong số những chợ lao động ở xã Tây Tựu. Những năm gần đây, do nhu cầu của chủ các vườn hoa, những lao động như chị Vinh từ các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội… đã về đây làm thuê.

Do nhà xa nên các cô, các chị phải đi từ 3 giờ hoặc 4 giờ sáng. Chợ thường họp từ 5 giờ đến 7 giờ. Đến đây, các cô đợi chủ vườn hoa ra thuê, đưa ra tận ruộng hợp đồng công nhật, làm đến tối, lúc về cũng là lúc được nhận tiền công.


Vất vả làm thuê vẫn bị… quỵt tiền công

Cô Vinh cho biết, cách đây chừng chục năm tiền công mỗi ngày chỉ 6.000 đồng. Bây giờ, mỗi ngày cô được trả từ 50 đến 100.000 đồng. Số tiền này còn phụ thuộc vào lượng người ở chợ lao động ít hay nhiều và sự mặc cả ban đầu với chủ vườn hoa.

Có mặt từ ruộng hoa từ sáng sớm nhưng có khi hết buổi các cô phải ra về tay trắng vì bị... quỵt tiền

Nghề chính của cô vẫn là trồng lúa, những ngày việc nhà nông nhàn cô mới đến chợ lao động. Một người biết chợ, lại truyền tai cho người khác, cứ thế, chợ lao động ngày càng đông người đến để được thuê làm.

Công việc mà các chủ vườn thuê khá đơn giản: nhặt cỏ, tỉa cành, chụp hoa, bón phân …. Nhưng đơn giản không có nghĩa là… không có nguy cơ. Cô Vinh kể: “Cả ngày phải đứng, ngồi ngoài ruộng hoa dưới trời nắng gắt, gai hoa hồng cào nát tay, bị sưng và mưng mủ. Có người còn say ngất đi vì nắng và mùi thuốc sâu”. Nhưng rồi, những lao động như chị sau khi ngất đi, tỉnh dậy, nghỉ một chút lại ra làm cho xong một ngày còn nhận tiền công vì “nếu mình bỏ dở đi về sẽ không được nhận đồng nào”, chị Nga, cháu của cô Lê Thị Vinh tâm sự.

Bỏ sức đi làm là thế nhưng có ngày các chị về... tay trắng vì bị chủ vườn quỵt tiền công. Chị Lý (Lương Sơn, Hòa Bình) bồi hồi: “Hồi đầu mới đi làm, họ đưa chị ra ruộng hoa, bảo nhặt cỏ xong đến chiều sẽ ra trả tiền nhưng đến chiều chờ mãi mà không thấy ra nên chị đi hỏi và tìm đến tận nhà mà họ vẫn còn trốn. Ấm ức, chị khóc từ đó về đến nhà. Chồng không cho đi nữa nhưng các cô hàng xóm rủ đi nên lại muốn đi. Đợt này có kinh nghiệm rồi nên không bị ai lừa nữa”.

12 năm đạp xe đi ghép hoa

Trong số những công việc được chủ vườn hoa thuê thì ghép hoa là khó nhất. Đây là công việc thuộc về kỹ thuật, phải được những người có chuyên môn hướng dẫn trước. Cô Đỗ Thị Lài (xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, đã 12 năm nay cô đạp xe đi ghép hoa thuê. Trước đó, cô được các giáo sư về dạy qua lý thuyết rồi đưa ra ruộng hoa thực hành. Sau đó, cô làm nhiều thành quen và hướng dẫn cho người thân của mình.

Mỗi ngày, cô cắt, ghép được một luống hoa. Mỗi cây được tính hơn một trăm đồng. Chỉ trừ những tháng hè quá nắng nóng (tháng 5, 6, 7) thì tháng nào cô cũng có việc. Bởi không phải ai cũng có thể ghép được hoa. Vì số người biết ghép hoa ít nên các cô cũng không phải đứng ở chợ lao động. Có những chủ vườn, họ làm đến hàng mẫu ruộng nhưng không biết ghép hoa, đều phải đi thuê. Chỉ cần để lại số điện thoại, các chủ vườn này tự khắc liên lạc với cô. Công việc của cô vì thế mà ổn định, chắc chắc hơn.

Mang thai đến tháng thứ 8, chị Hà vẫn phơi nắng cả ngày để ghép hoa

Đang mang thai tháng thứ 8 nhưng chị Hà, người làng Tây Tựu vẫn đang miệt mài ghép hoa. Chị cho biết mặc dù công việc không quá vất vả nhưng ngồi nhiều rất tức bụng. Chị tâm sự, cố thêm vài hôm để có thêm chút thu nhập, đón cháu bé ra đời.

Khi được hỏi về ngày mùng 8/3 của các chị như thế nào, ai cũng cười và nói đó chỉ là ngày của những người trên thành phố. Với những luống hoa này, các chị coi như của chính mình. Chăm chút từ lúc ươm mầm đến khi chúng lớn lên. Hoa tỏa sắc ở mọi góc phố. Còn với các chị ngày đi làm thuê, tối về nấu cơm cho chồng con như thế là hạnh phúc.

Hương Giang


Bình luận
vtcnews.vn