Nhìn lại hoạt động của Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam 6 năm qua

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 28/06/2022 09:55:00 +07:00
(VTC News) -

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam (Hội VTLTVN) đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V.

Tham dự Đại hội có hơn 200 đại biểu, đại diện cho gần 2000 hội viên của 35 Hội và Chi hội trực thuộc. Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam được thành lập từ năm 2001 với tên gọi ban đầu là Hội Lưu trữ Việt Nam. Hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công dân và tổ chức Việt Nam đã và đang hoạt động trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ và các lĩnh vực khác có liên quan.

Nhìn lại hoạt động của Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam 6 năm qua - 1

Đại hội Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam lần thứ V. 

Trong những năm qua, thực hiện tôn chỉ, mục đích được ghi trong Điều lệ, Hội VTLTVN đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tập hợp, đoàn kết hội viên để trao đổi, phổ biến kiến thức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn; tham gia, phối hợp với các cơ quan trong các hoạt động nghiệp vụ văn thư, lưu trữ; góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước và xây dựng, phát triển ngành lưu trữ Việt Nam, nhằm bảo vệ an toàn và khai thác, sử dụng có hiệu quả tài liệu văn thư, lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiệm kỳ qua (2016 -2022), Hội đã có những đóng góp tích cực với ngành văn thư, lưu trữ và xã hội thông qua các hoạt động như: Tổ chức hội thảo và tọa đàm khoa học, góp phần làm rõ một số vấn đề mới của ngành được xã hội quan tâm, được các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, tham khảo trong quá trình bổ sung, sửa đổi chính sách đối với công tác văn thư, lưu trữ ở Việt Nam như: Tọa đàm khoa học về Xã hội hóa hoạt động lưu trữ và vai trò của các doanh nghiệp (năm 2018), Hội thảo Giá trị của tài liệu lưu trữ trong xã hội đương đại (2019), Tọa đàm khoa học góp ý cho việc sửa đổi Nghị định về Công tác văn thư (2020)...;

Nhiều hội viên, đặc biệt là các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội tiếp tục tham gia nghiên cứu một số đề tài khoa học cấp bộ, ngành; tham gia Hội đồng nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan tới công tác văn thư, lưu trữ theo đề nghị của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và của Bộ Nội vụ. Nhiều hội viên có học hàm, học vị GS, PGS,TS tiếp tục tham gia hướng dẫn và đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành văn thư, lưu trữ, quản trị văn phòng tại  Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Nội vụ.

Hội thực hiện nhiệm vụ “tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách cơ chế, chiến lược quản lý về công tác văn thư, lưu trữ”. Hội đã chủ động tổ chức tọa đàm, tham gia đóng góp ý kiến cho việc ban hành Nghị định của Chính phủ về công tác văn thư (năm 2020) và đang tiếp tục đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ năm 2011.

Ngoài ra, Hội kết nạp nhiều chi hội doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Văn thư - Lưu trữ, duy trì và phát triển Tạp chí Lưu trữ và Thời đại.

Trong nhiệm kỳ tới (2022 -2027), Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa để tập hợp, gắn kết hội viên; động viên, khuyến khích các hội viên cá nhân và tổ chức tham gia tích cực và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp Lưu trữ Việt Nam.

VY VY
Bình luận
vtcnews.vn