Đời sống

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học

Thứ Hai, 26/06/2023 06:50:00 +07:00

(VTC News) - “Không biết nghiệp viết của tôi lúc nào sẽ dừng lại, nhưng tôi chắc chắn một điều, tình yêu đối với biển đảo thiêng liêng là mãi mãi”, nhà thơ Nguyễn Hữu Phú tự sự.

Biển cuộn trào mênh mông sóng vỗ đêm nay

Giữa ngàn khơi bao la thân thương hòn đảo nhỏ

Cờ Tổ quốc đỏ tươi năm cánh sao vàng tung bay lộng gió

Rất đỗi thiêng liêng trên cột mốc chủ quyền

(Trích bài thơ “Tổ quốc nơi đầu sóng” - Nguyễn Hữu Phú)

Đó là một trong số rất nhiều bài thơ Nguyễn Hữu Phú viết về Trường Sa trong suốt hành trình 5 năm gắn bó với đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Hữu Phú không chỉ là nhà thơ, anh còn là người thầy nặng lòng với những đứa trẻ sống ở nơi cách đất liền hàng trăm hải lý - những đứa trẻ ở đảo Song Tử Tây.

Đằng sau những vần thơ về biển đảo quê hương, đằng sau những bài giảng trên lớp là câu chuyện về một người thầy giáo giản dị nhưng đặc biệt.

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 1
Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 2

 

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 3

 

Nguyễn Hữu Phú sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).

Vì gia đình nghèo nên việc học của anh cũng không được dễ dàng như các bạn cùng trang lứa. Khi đó, gia đình tính cho Phú nghỉ học từ năm lớp 8 nhưng anh vẫn năn nỉ xin được tiếp tục đến trường. Thấy vậy, bố mẹ cũng đành chiều lòng để cho con học tiếp mong lấy bằng tốt nghiệp cấp 2 để tiện xin việc.

Gia đình khó khăn, bố mẹ già lại ốm đau suốt, để phụ giúp gia đình, anh Phú từng làm rất nhiều nghề từ phụ hồ, giúp việc ở tiệm bánh, phục vụ ở quán cà phê, quán nhậu, cho đến công nhân vệ sinh tàu biển. Năm 2010, anh quyết tâm đến nhà giáo viên cũ xin học lại.

Lúc đầu, thầy cô cũng ngại ngần lắm, nửa muốn nhận, nửa không vì tôi nghỉ học cũng 10 năm, chương trình đã khác trước rất nhiều. Nhưng thấy tôi quyết tâm, thầy cô đã đồng ý nhận vào lớp. Cứ như thế, trong suốt quãng thời gian đó, một buổi tôi đạp xe đi học, một buổi đi làm.

Ngày ấy, không những thầy cô đồng ý cho tôi quay lại lớp mà còn chẳng cầm một đồng tiền học nào. Tôi vẫn nhớ như in lời giáo viên của mình nói: ‘Kết quả học tập của em chính là học phí”, anh Phú chia sẻ. Đó cũng là động lực giúp anh Phú nỗ lực từng ngày.

Năm 2010, anh đăng ký dự tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, chuyên ngành Giáo dục Tiểu học khi đã gần 30 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, anh Phú học ĐH Huế và hoàn thành khóa học tháng 5/2015.

Bản thân xuất phát từ gia đình nghèo khó, con đường học hành không mấy suôn sẻ nên hơn ai hết, Nguyễn Hữu Phú thấu hiểu được việc học quan trọng như thế nào. Bắt nguồn từ suy nghĩ đó, anh quyết tâm viết đơn tình nguyện xin ra Trường Sa dạy học cho những đứa trẻ nơi đây.

Sau 2 lần viết đơn tình nguyện, anh mới được xét duyệt ra đảo công tác.

Khi nhận được quyết định trúng tuyển từ Sở GD-ĐT, tôi vui lắm, cảm xúc lúc đó không có lời nào để tả hết được. Nhưng người thân của mình thì vừa mừng vừa lo. Mừng vì tôi đạt được ước nguyện ra Trường Sa dạy học. Nhưng cũng lo vì ở đảo chắc chắn thiếu thốn hơn đất liền, đường đi nhiều sóng gió. Dù vậy, thấy được quyết tâm của tôi, cuối cùng, cả nhà cũng đều ủng hộ”, anh Phú nhớ lại.

Cuối tháng 5/2018, anh lên tàu HQ571 để ra đảo Song Tử Tây. Sau 22 ngày lênh đênh trên biển, cuối cùng người thầy giáo trẻ cũng được bắt đầu công việc mơ ước của mình.

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 4
Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 5

 

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 6

 

Trước khi bắt đầu công việc, Nguyễn Hữu Phú cũng được tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức, chương trình bởi việc dạy học ở đảo sẽ khác nhiều so với ở đất liền. 

Ở ngoài đảo Trường Sa, các giáo viên sẽ phải điều hành “mô hình lớp ghép”, trong cùng một lớp sẽ có nhiều học sinh ở các lứa tuổi, trình độ khác nhau.

Giai đoạn đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân chia thời gian, giữa các môn của các khối lớp trong cùng một giờ học. Cứ chạy tới chạy lui, hết bạn này đến bạn khác như con thoi. Nhưng ưu điểm là nhà em nào cũng ở gần trường, rất hiền lành, chăm học, phụ huynh cũng đều quan tâm, kèm cặp các con sát sao. Bởi vậy, những ngày nghỉ, hoặc buổi tối, em nào chưa hiểu bài thì có thể mang sách vở đến trường để thầy giáo kèm thêm.

Chính điều đó đã giúp khoảng cách giữa thầy và trò của chúng tôi giống như giữa “những người thân, cha mẹ, anh chị trong một gia đình. Đây cũng là động lực khiến tôi phải cố gắng hoàn thiện mình từng ngày”, thầy giáo trẻ tâm sự.

Khó khăn còn đến ở việc chuẩn bị trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập cho cả thầy và trò. Những thiết bị này dù đã được Sở GD-ĐT, các nhà hảo tâm, hội khuyến học gửi ra đầy đủ, nhưng khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm, độ mặn cao khiến đồ dùng rất nhanh hỏng.

Nhiều thời điểm, hàng viện trợ từ đất liền không thể tới kịp. Để khắc phục điều đó, các giáo viên đã dùng những vật liệu có sẵn tại chỗ như giấy cứng, vỏ ốc, san hô để tự làm đồ dùng dạy học.

Trải qua 5 năm gắn bó trên đảo, một kỷ niệm mà thầy Phú không bao giờ quên đó là thời điểm tháng 12/2021. Khi đó, đảo Song Tử Tây là tâm của bão Rai, cây cối gãy đổ gần như hoàn toàn, nhà tốc mái, hư hỏng nặng.

Trong lúc cơn bão mạnh quét qua, sợ nước dâng, nhà cửa chịu không nổi với sức gió, phụ huynh phải gửi tất cả học sinh lên thư viện nhờ giáo viên trông giữ.

Cửa khoá chốt, cột dây thừng, vậy mà gió lùa vào giật tung. Lúc này, tôi phải chạy ra cố gắng kéo cửa đóng lại. Các em thì ngồi nép vào nhau trong góc thư viện. Trước khi ra, tôi dặn các em ngồi đó, nhất định không được ra, bạn nào ra sẽ bị phạt nặng.

Thấy tôi kéo mãi không được, gió càng ngày càng mạnh, trời càng ngày càng tối hơn, các bạn lần lượt chạy ra phụ tôi kéo cửa vào. Khi mọi chuyện đã qua, tôi quay lại hỏi đám trẻ “các em không sợ bão, không sợ bị thầy phạt hả”. Đám trẻ hồn nhiên nói: “Em hết sợ bão rồi, thầy có phạt em cũng ra phụ giúp thầy”. Hành động ấy đã làm tôi cảm động mãi với tình cảm của các con dành cho mình”, thầy Phú rưng rưng kể lại.

Nghe anh Phú chia sẻ câu chuyện của mình, tôi liên tưởng tới câu nói bất hủ của nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky: “Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 7

 

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 8

 

Mặc dù công việc dạy học vất vả nhưng anh Phú vẫn dành nhiều thời gian để làm thơ, viết báo. Tình cảm đặc biệt cho Trường Sa của anh luôn được thể hiện trong các tác phẩm thơ.

Anh cũng không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu bài thơ sáng tác về Trường Sa, thời điểm bắt đầu chấp bút là khi lần đầu lên tàu ra đảo.

Sinh sống ở đảo Song Tử Tây, anh Phú còn được tận mắt chứng kiến sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đây, có những chiến sĩ chưa từng gặp mặt con từ khi chúng chào đời. Nhưng vượt lên trên hết nỗi nhớ nhà, nhớ người thân ấy, các chiến sĩ vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Tất cả những câu chuyện, khoảnh khắc xúc động ấy đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho anh.

Tôi cũng không nhớ có bao nhiêu bài thơ viết về Trường Sa. Có bài tôi viết về sự hy sinh anh dũng của cha ông đi trước bảo vệ biển đảo thiêng liêng và sự hy sinh thầm lặng, nỗi niềm riêng của các anh em cán bộ chiến sĩ ngày đêm canh gác trước bão giông nắng cháy để cho mỗi người dân có cuộc sống bình yên. Và tôi cũng có cả những bài thơ viết tặng các em học sinh, về ngôi trường, lớp học mà mình đã gắn bó suốt nhiều năm qua”, anh Hữu Phú chia sẻ.

Anh còn rất xúc động khi nhiều học sinh cũng thuộc, cũng nhớ các bài thơ của anh viết về Trường Sa.

Thật sự tôi rất vui, hạnh phúc và xúc động khi biết được các em yêu thích và đọc thuộc lòng thơ của tôi. Qua những vần thơ, tôi cũng mong muốn các em hiểu thêm về tình yêu biển đảo quê hương, biết ơn những người đã hy sinh bảo vệ vùng trời biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Phú nói.

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 9

 

Công việc dạy học giúp ích cho anh rất nhiều trong quá trình sáng tác thơ. Dạy học cần có sự nghiên cứu, đọc sách, tìm tòi, diễn đạt làm sao cho logic. Sáng tác cũng cần đọc nhiều để giúp cho tâm hồn mình sáng hơn, bay bổng hơn, yêu đời hơn. Bởi vậy, việc dạy học và sáng tác có sự tương đồng, hỗ trợ lẫn nhau rất lớn.

Do đó, tôi luôn sáng tác theo cảm xúc mà mình bắt gặp được về cuộc sống hằng ngày trên đảo. Đó là chất riêng, chất mộc mạc mà không nhà thơ nào có thể có được”, nhà thơ Hữu Phú cười tươi chia sẻ.

Thời gian tới, khi không còn công tác ở Trường Sa, anh tâm sự rằng sẽ nhớ nơi này rất nhiều. Tình yêu của anh dành cho mảnh đất nơi đây ngày càng mãnh liệt.

Không biết nghiệp viết của tôi lúc nào sẽ dừng lại. Nhưng tôi chắc chắn một điều tình yêu đối với biển đảo thiêng liêng là mãi mãi. Tôi thích tất cả những bài thơ mà tôi viết. Vì đó là kết quả tình yêu, là đứa con tinh thần của tôi. Mong muốn của tôi là một ngày nào đó, mình sẽ được in riêng một tập thơ về Trường Sa”, nhà thơ Hữu Phú chia sẻ.

Nhà thơ hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học - 10

 

Minh Đức(Thiết kế: Huy Mạnh. Ảnh: NVCC)
Bình luận
vtcnews.vn