Nguyên TBT báo Tiền Phong Dương Xuân Nam nói về 'nghề Tổng biên tập'

Đời sốngThứ Ba, 21/06/2022 11:55:00 +07:00
(VTC News) -

Làm báo là một nghề, làm Tổng biên tập các báo, tạp chí có phải là một nghề không? Nhiều người đặt ra cho tôi câu này và chính tôi cũng tự hỏi mình câu này!

Tôi làm TBT báo Tiền Phong trên 20 năm và đã trải qua nhiều thời kỳ cam go, khắc nghiệt. Báo Tiền Phong thời tôi làm TBT đã ba lần bị khởi tố! May sao cả ba lần đều “hóa giải” được. Phóng viên viết bài cũng như tờ báo đều an toàn. Và sau mỗi lần như vậy uy tín tờ báo tăng lên, bạn đọc tin tưởng, tìm đọc báo ngày càng nhiều... Chỉ có một lần, phóng viên viết bài bị thu thẻ nhà báo.

Nhưng, từ phóng viên viết bài cho đến TBT, các Phó TBT đều trải qua những ngày căng thẳng, mệt mỏi, “lên bờ xuống ruộng”... Cả ba vụ đều là những bài viết chống tham nhũng, chỉ có sai sót chi tiết nhỏ còn bản chất sự việc là đúng, và điều cơ bản là mục đích viết của phóng viên, mục đích đăng bài của TBT đều trong sáng, không vụ lợi, tất cả vì mục đích chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, cho tuổi trẻ...

Khi Nhà xuất bản Trẻ mời tôi tham gia viết bài cho cuốn Tổng biên tập - Chuyện người trong cuộc tôi đã nhận lời và viết bài kể lại những kinh nghiệm làm TBT của mình.

Nguyên TBT báo Tiền Phong Dương Xuân Nam nói về 'nghề Tổng biên tập' - 1

Nguyên TBT báo Tiền Phong Dương Xuân Nam

Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một tác phẩm do nhiều “cựu”, nhiều “ nguyên”  TBT báo, tạp chí viết hay kể lại cho người khác viết. Trong 34 bài viết, chỉ có bốn tác giả không phải là TBT. Trong số các tác giả là TBT, có người đã đi về cõi vĩnh hằng như các anh: Hữu Thọ, Phạm Khắc, Võ Như Lanh... Thực ra, nhiều năm trước GS Hà Minh Đức cũng đã có một cuốn sách tên là Người và Nghề do một số TBT đương chức viết.

Ở nước ta, theo tôi TBT cũng là một nghề, nhưng là nghề “đặc biệt”. Nói như nhà báo Hà Đăng - nguyên TBT báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng Sản: “Tổng biên tập là nhà báo của các nhà báo, là người làm chính trị và nghề lãnh đạo” (Thắm tình hai tổng báo và chí).

Luật pháp nước ta quy định không có báo, tạp chí, các phương tiện truyền thông tư nhân, mà là của Nhà nước và các đoàn thể, tổ chức xã hội. TBT vừa chịu sự chỉ đạo  của cấp trên vừa bảo đảm sự đòi hỏi của người đọc. Cho nên nói như nhà báo Phan Quang (Nguyên Tổng Giám đốc - Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam): “Là cơ quan của Đảng, Nhà nước, chúng ta có sứ mệnh nói những điều cần nói, đồng thời phải nói những điều người dân cần nghe và muốn làm được điều này phải biết người nghe đang cần những thông tin gì” (Tự đổi mới để phục vụ đổi mới).

Theo nhà báo Bùi Văn Danh - nguyên TBT báo Xây Dựng và TBT tạp chí Khoa học và Công nghệ, hiện ở nước ta có 990 tờ báo, tạp chí được phép hoạt động, như vậy cũng là có chừng ấy TBT. Tôi cũng trên 20 làm TBT nên tôi thấy một nhà báo giỏi chưa hẳn đã là một TBT giỏi. Nhưng, nếu một TBT giỏi, đồng thời cũng là một nhà báo danh tiếng, tờ báo đó sẽ phát triển tốt, có uy tín trong công chúng và có nhiều người đọc.

Sinh thời nhà báo Hữu Thọ là một cây bút có uy tín, có nhiều bài viết được bạn đọc đón nhận, nên khi làm TBT báo Nhân Dân ông cũng luôn tâm niệm: “...Làm Tổng Biên tập rất bận công việc quản lý nên ít có thời gian, nhưng đã làm báo thì phải viết. Viết được thì nói anh em mới nghe. Trong đời người ta nhớ tới cây bút chứ ai nhớ lãnh đạo tờ báo. Mà mỗi người cũng chỉ để lại trong lòng người ta một ấn tượng thôi” (Người hay cãi và những bài báo của Tổng Bí thư).

Nguyên TBT báo Tiền Phong Dương Xuân Nam nói về 'nghề Tổng biên tập' - 2

Cuốn "Tổng biên tập - Chuyện người trong cuộc".

Tôi về làm phóng viên báo Tiền Phong tháng 9/1975, sau khi nước nhà thống nhất. Từ một sỹ quan điều khiển tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ, về báo Tiền Phong, nhiều năm tôi làm phóng viên ở các ban Kinh tế, Bạn đọc, Công tác Đoàn, rồi Trưởng ban đại diện báo Tiền Phong ở TP Hồ Chí Minh. Năm 1985, tôi mới được đề bạt làm Phó TBT và năm 1987, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 5, tôi được bầu vào Ban Chấp hành, rồi Ban Thường vụ, được đề bạt làm TBT báo Tiền Phong và được phân công phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Như vậy, tôi đã có gần 10 năm viết báo, và khi làm TBT tôi vẫn viết, đến đầu năm 2009 tôi được nghỉ hưu và hơn 10 năm nay tôi vẫn viết đều, viết cho nhiều tờ báo khác nhau. Tôi nói điều này để nói lên điều mà tôi tâm đắc với nhà báo Hữu Thọ lúc sinh thời. Đã là nhà báo dù ở cương vị nào thì không thể không viết báo khi trời còn cho anh sức khỏe.

Trong cuốn Tổng Biên tập, chuyện người trong cuộc có nhiều bài viết theo tôi là bổ ích không chỉ cho các TBT báo, tạp chí đương nhiệm hiện nay mà còn bổ ích cho các nhà báo, các biên tập viên trong các tòa soạn.

Mỗi bài viết trong cuốn sách mà theo tôi là khá lý thú và bổ ích của các nguyên TBT đã nói lên những suy nghĩ, những vấn đề, những khía cạnh khác nhau của nghề báo, nghề TBT. Nhà báo Hữu Ước - nguyên TBT báo Công an Nhân dân - cho rằng: Bố trí một đội ngũ làm báo cũng giống như huấn luyện viên sắp xếp một trận bóng đá! Nhà báo Lê Hoàng thì tâm đắc: Cái tâm để tạo một đội ngũ làm báo trong sáng...

Tôi tâm đắc với nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên TBT báo Hà Nội mới - khi ông nhấn mạnh yếu tố sự thật và lẽ phải: “Sự thật và lẽ phải đang chờ ta lên tiếng”, và rất chuẩn khi cho rằng: “Tổng biên tập nào, tờ báo đó”. Thực tế TBT chính là là linh hồn của tờ báo, không chỉ là người quyết định đường hướng phát triển mà con tạo ra bản sắc riêng của tờ báo hay tạp chí.

Nhà báo Lê Văn Nuôi - nguyên TBT báo Khăn quàng đỏ và báo Tuổi Trẻ trong bài viết Tự bách về nghề cho rằng: “...trong bối cảnh và những định chế về nghề báo ở Việt Nam, Tổng biên tập báo, nhất là nhật báo chính trị, kinh tế, xã hội... là một nghề thử thách khắc nghiệt nhất về tâm huyết, trí tuệ và dũng khí.

...Bởi là người “đứng mũi chịu sào”, TBT phải biết cách đi - biết giữ thăng bằng trên “đường dây thông tin”, những khi xảy ra tình huống mâu thuẫn giữa quyền được thông tin của người dân với lệnh cấp trên của báo hoặc của một cơ quan công quyền liên quan...”.  Nhận định trên theo tôi là chuẩn, điều mà những TBT báo như tôi và Lê Văn Nuôi đã nhiều năm thực hiện để bảo đảm cho tờ báo có uy tín, có nhiều bạn đọc và không “chệch hướng!”.

Trong số những Tổng biên tập nữ có bản lĩnh mà tôi quen biết có nhà báo Nguyễn Thế Thanh - nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài viết Tờ báo tốt là kết quả đồng hành của đội ngũ và tổng biên tập Thế Thanh cho rằng: “Xây dựng những cây bút và các mối quan hệ” là rất quan trọng: “...Công tác đầu tiên và tối quan trọng là phải tổ chức được những cây bút. Không có những cây bút thì đừng mơ có tờ báo tốt. Để có những cây bút thì thay vì quan tâm đến chuyện nên bao nhiêu người trong biên chế và ngoài biên chế, hãy quan tâm chuyện xây dựng không gian làm nghề cho tử tế (minh bạch, trung thực, chú trọng nghề nghiệp), xây dựng chính sách đãi ngộ (vật chất và tinh thần) và xây dựng nguồn lực để thực thi chính sách...”.

Đọc những tâm sự này của TBT Thế Thanh, tôi hiểu vì sao tờ báo Phụ nữ TP.HCM nhiều năm qua là một trong những tờ báo có uy tín, có nhiều bạn đọc ở phía Nam. Tôi rất đồng tình với Thế Thanh và muốn nói thêm: Cần xây dựng một đội ngũ cộng tác viên tốt, có nhiều cây viết xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, trong cả nước khi chưa có điều kiện để có nhiều cây viết xuất sắc là cán bộ, phóng viên của bản báo. Đó cũng là kinh nghiệm của chính báo Tiền Phong thời tôi làm TBT.

Nguyên TBT báo Tiền Phong Dương Xuân Nam nói về 'nghề Tổng biên tập' - 3

Là nhà báo, nhà thơ, ông Dương Xuân Nam còn được nhiều người nhắc đến với cái tên “Cha đẻ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam”.

Hầu hết bài viết của các TBT báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh trong cuốn sách này đều bày tỏ mong muốn xây dựng một cơ quan báo chí truyền thông có úy tín, có nhiều người đọc, người xem, người nghe. Quả thực đó là một điều rất khó. Theo tôi, điều cốt lõi là báo chí và các phương tiện truyền thông phải phản ánh đúng bản chất sự thật và giám bày tỏ chứng kiến của mình trước sự thật. Các bài viết phải có đủ năm yếu tố: mới, lạ, chính xác, hấp dẫn và bổ ích...

Vấn đề kinh tế báo chí cũng được đề cập đến trong cuốn sách này. Một trong những nguồn thu quan trọng khi báo điện tử và mạng xã hội phát triển, báo giấy ngày càng ít người mua làm quảng cáo cũng bị ảnh hưởng. Báo Tiền Phong cũng như một số tờ báo đã thành lập công ty cổ phần bên cạnh tờ báo, chính là sự hỗ trợ cho nguồn thu của tờ báo lâu dài và bền vững...

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn!

Dương Xuân Nam
Bình luận
vtcnews.vn