Nguyên nhân gây sốt đau họng và cách điều trị hiệu quả tại nhà

Gia đìnhThứ Bảy, 08/04/2023 22:23:00 +07:00
(VTC News) -

Có nhiều nguyên nhân gây sốt đau họng, dưới đây là một số gợi ý cho bạn để điều trị bệnh sốt đau họng đơn giản tại nhà.

Nguyên nhân gây sốt đau họng và cách điều trị hiệu quả tại nhà  - 1

Sốt đau họng tiềm ẩn từ nhiều nguyên nhân mà ta không ngờ tới

Sốt đau họng là những triệu chứng thường đi cùng với nhau. Nếu chỉ là một cơn đau họng đơn thuần thì viêm họng có thể là nguyên nhân được nhắc đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau họng đi kèm với cơn sốt, nghẹt mũi, nhức đầu thì đó là triệu chứng của bệnh gì?  

Nguyên nhân bệnh sốt đau họng

Theo các bác sĩ, đau họng sốt thường là triệu chứng liên quan đến các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp. Bạn tham khảo các triệu chứng dưới đây để nhận biết các dấu hiệu của bệnh sốt đau họng. 

Sốt đau họng là do cảm và cúm

Cúm và cảm đều là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường xảy ra vào mùa đông. Các triệu chứng cảm cúm phổ biến nhất phải kể đến như: sốt đau họng, ho, ớn lạnh, nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu, đau cơ… Trong hầu hết các trường hợp, bệnh có thể tự khỏi sau 7-10 ngày mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao trên 40°C, ho tái phát, co giật, đau cơ nghiêm trọng, mất nước, suy nhược…Bởi cảm cúm hoàn toàn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Sốt đau họng do viêm họng

Viêm họng là một bệnh về họng phổ biến ở mọi đối tượng, đặc trưng bởi các triệu chứng điển hình như sốt đau họng, sưng hạch bạch huyết, ngứa cổ họng và khó nuốt. Ngoài ra, viêm họng còn có thể khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn và buồn nôn.

Nguyên nhân gây viêm họng là do vi khuẩn liên cầu Streptococcus pyogenes gây ra. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng rất dễ tái phát và có thể gây ra những biến chứng nếu không có phương pháp điều trị kịp thời.

Viêm amidan

Viêm amidan là kết quả của việc nhiễm virus hoặc vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm A. Tương tự như viêm họng, viêm amidan cũng gây sốt đau họng, tuy nhiên cảm giác đau rát vùng họng sẽ thường phổ biến hơn sốt.

Ngoài ra, viêm amidan cũng có thể gây ra các triệu chứng khác như họng khô rát, amidan đỏ và sưng tấy, các nốt trắng hoặc vàng trên amidan, khó nuốt, ho, đau đầu, mệt mỏi… Viêm amidan hiếm khi nghiêm trọng và có thể điều trị khỏi bằng cách dùng thuốc kháng sinh đường uống trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt amidan nếu tình trạng này kéo dài, nghiêm trọng hoặc tiếp tục tái phát.

Viêm thanh quản

Tình trạng viêm thanh quản mà nguyên nhân là do nhiễm trùng thường sẽ làm xuất hiện triệu chứng sốt đau họng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây ra các triệu chứng khác như khàn giọng, mất tiếng, ho dai dẳng, khó nuốt, hiếm gặp khó thở…

Tình trạng đau họng sốt nhẹ có thể được kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà như uống nhiều nước, hạn chế nói chuyện, đặt khay nước trong phòng để giữ ẩm cho không khí, súc miệng nước muối ấm. Tuy nhiên, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ nếu như khi triệu chứng sốt cao và đau họng, khó nuốt rất nghiêm trọng hoặc kéo dài trên 2 tuần mà không được cải thiện sau khi dùng thuốc tại nhà.

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus enterovirus gây ra. Bệnh xảy ra phổ biến với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các triệu chứng ban đầu có thể tương tự như bệnh cảm cúm bao gồm: mệt mỏi, sốt đau họng hoặc đau miệng, thường là sốt nhẹ (dao động từ 38 – 39°C).

Sau đó, bóng nước sẽ xuất hiện trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân, mông hoặc xung quanh hậu môn. Bóng nước có thể phồng rộp hoặc lở loét trong miệng hay cổ họng khiến trẻ đau họng và khó nuốt. Các bóng nước này thường biến mất sau khoảng 1-2 tuần.

Trẻ còn quá nhỏ và sẽ không thể tự nói cho bạn biết rằng là trẻ bị đau họng nên khi nhận thấy triệu chứng trẻ bị sốt và chán ăn thì hãy đưa con đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ nhi khoa có thể khuyên bạn nên dùng paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau cho đến khi bóng nước lành lại.

Nguyên nhân gây sốt đau họng và cách điều trị hiệu quả tại nhà  - 2

Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh liên quan đến sốt đau họng

1.6. Sốt siêu vi 

Sốt siêu vi là tình trạng thân nhiệt tăng cao đột ngột do bị virus tấn công. Bệnh thường gặp ở trẻ em hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt đau họng xuất hiện đột ngột, thường là sốt rất cao trên 39°C.

Tình trạng sốt có thể kéo dài nhiều ngày và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt. Ngoài ra, bệnh có thể gây nhức mỏi, nổi mề đay, đau đầu, buồn nôn,…Điều trị thường là nghỉ ngơi, ăn thức ăn lỏng và uống thuốc kháng sinh.

1.7. Ung thư vòm họng

Bên cạnh những căn bệnh thông thường, sốt đau họng cũng có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn. Đó có thể là dấu hiệu của ung thư vòm họng giai đoạn muộn. Ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó để nhận biết.

Ngoài đau họng sốt, ung thư vòm họng ở giai đoạn muốn còn có thể gây các triệu chứng như xuất hiện khối u ở cổ, đau vòm họng, khó thở, khó nói, chảy máu mũi hoặc có máu trong nước bọt, nghẹt mũi, ù tai, đau đầu, mất thính lực, đau hoặc tê ở vùng mặt. Đây là căn bệnh nguy hiểm và cần được điều trị sớm để kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

2. Một số gợi ý cho bạn trong việc điều trị bệnh sốt đau họng đơn giản tại nhà

Ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng có thể áp dụng các mẹo sau đây để làm giảm nhẹ triệu chứng sốt đau họng ngay tại nhà:

Lấy khăn ấm chườm vào nách, bẹn, lau lòng bàn tay và bàn chân để làm giảm thân nhiệt và cải thiện tình trạng sốt.

Uống nhiều nước để tránh mất nước do sốt, hỗ trợ làm loãng dịch tiết và làm dịu kích ứng niêm mạc ở cổ họng, giảm đau họng. Ưu tiên nước ấm, tránh các món ăn hay thức uống lạnh.

Đau họng sốt nên ăn gì thì hãy chọn các loại thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp,…để bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Súc miệng bằng nước muối ấm để giúp diệt khuẩn, làm sạch nhanh vùng mũi, miệng và niêm mạc họng. Nước muối còn có khả năng làm loãng dịch nhầy giúp mũi và họng thông thoáng hơn.Sử dụng máy tạo độ ẩm, tránh để không khí trong phòng quá khô.

Cố gắng nghỉ ngơi trong khoảng 2-3 ngày cho đến khi cảm thấy khỏe hơn.Tránh xa khói thuốc lá, bỏ hút thuốc và hạn chế rượu bia.

Rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng, che chắn khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng là cách tốt nhất ngăn ngừa virus gây sốt đau họng có thể lây lan.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp