Nguyễn Cường và sự gặp gỡ định mệnh

Tổng hợpThứ Ba, 16/10/2012 09:29:00 +07:00

Nguyễn Cường tóc rối bời cỏ dại, cười nói rổn rảng, ngông nghênh kiêu bạc như một gã cao bồi già...

Nguyễn Cường tóc rối bời cỏ dại, cười nói rổn rảng, ngông nghênh kiêu bạc như một gã cao bồi già. Lạ thay, trên gương mặt của gã trai “Hà Nội gốc” ấy, với 50% là mũ, 30 là râu, 20% là kính vẫn luôn lấp lánh ánh mắt đầy đam mê, phiêu lãng của núi đồi cao nguyên…

Phải lòng Tây Nguyên

Khác với ba ông bạn vàng, Dương Thụ chỉn chu, mực thước, hài hòa, Trần Tiến dân dã, trông giống dân du mục lang thang và Phó Đức Phương quyết liệt, gai góc đến tận cùng. Còn ông, phớt đời "ngông nghênh" như một cao bồi miền Tây nước Mỹ lạc giữa khu phố cổ Hà Nội.

Nguyễn Cường là trai Hà Nội “xịn” - dân phố cổ Hàng Bạc đàng hoàng nhưng lại dành gần hết những năm tháng trai trẻ đẹp đẽ nhất của đời mình để lặn lội, đau đáu với Tây Nguyên.

 
Nói về mối duyên nợ của mình với Tây Nguyên, Nguyễn Cường nhíu mày, tay khoanh trước ngực, mắt nhìn xa xăm, diễn đạt một cách… triết học: “Tây Nguyên và Nguyễn Cường là sự gặp gỡ tất yếu của quá trình thống nhất văn hoá trong các cộng đồng dân tộc Việt Nam, một sự thống nhất trong đa dạng. Nếu không phải là Nguyễn Cường này thì sẽ là một Nguyễn Cường khác”. Nôm na, đó là một sự gặp gỡ định mệnh.

Và cứ thế, gần 30 năm nay, gã gắn bó với Tây Nguyên như gắn bó với một người tình đầy mê đắm. Để rồi, hơn 100 “đứa con tinh thần” đã ra đời từ những giai điệu của thảo nguyên, của cồng chiêng. Năm nào gã cũng viện cớ để trở lại vùng đất này - như tìm về một nỗi nhớ, như để đổ đầy những khoảng trống trải trong tâm hồn mình. Mỗi lần đến, mỗi lần đi, cảm xúc mới lại về và ca khúc mới lại ra đời. “Tôi có Hà Nội là miền thực, Tây Nguyên là miền mơ - liệu mấy ai có “gia tài” ấy như tôi"- Giọng gã đầy tự hào sau chòm ria rung rinh.

Một điều lạ là Nguyễn Cường yêu Tây Nguyên nhưng… không hiểu gì về Tây Nguyên. Trong tình yêu, có những thứ thật khó lý giải như thế. Và có lẽ, càng không hiểu càng lao vào yêu si mê. Có những nơi, gã viết khi chưa từng đến. Chỉ nhắm mắt, hình dung về đại ngàn kỳ vĩ, những thảo nguyên bao la, gửi vào đó tình yêu thiên nhiên, yêu cội nguồn. Nhiều lúc ở Thủ đô, mà tưởng tượng mình như đại bàng bay, như ngựa phi trên thảo nguyên vô tận. Thế mà câu hát vẫn sâu lắng, thiết tha như được viết ra từ trái tim của người con bao đời gắn liền với mảnh đất ấy.

Người dân Tây Nguyên không chỉ thích nhạc Nguyễn Cường mà còn coi đó là tài sản của họ. Một số bài của gã còn được chính giới nhạc sĩ nhầm tưởng là dân ca như nhạc sĩ Huỳnh Tú ở Nhà hát Thăng Long đã tưởng bài “Thênh thênh oh ơi” là dân ca Ba Na. Bài “H’Ren lên rẫy” còn được các tộc người Ba Na, Gia Lai, Êđê… dịch ra tiếng của họ để hát. Những ai đã lên Tây Nguyên và đã sống ở Tây Nguyên đều biết điều này.

Trong những bản nhạc viết về Tây Nguyên của Nguyễn Cường, người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng giai nhân với “đôi mắt Playku” hay "H'Jen lên rẫy"… Nghe cứ tưởng Nguyễn Cường nặng lòng với nhiều bóng hồng lắm. Nhưng bạn bè chơi lâu với gã đều biết Nguyễn Cường rất kín tiếng trong chuyện đàn bà, tình yêu. Chuyện kể rằng, từ thời sinh viên, nhóm bạn của Nguyễn Cường, có 4 người đã ký với nhau một bản cam kết, “cách ly với phụ nữ”. Thế mà, suốt một thời trẻ đó, chỉ Nguyễn Cường giữ được cam kết. Còn 3 người kia thì “phá giới”.

Không biết chàng cao bồi phố cổ ấy đã làm bao trái tim đàn bà thổn thức và đã bao lần đau đớn, hạnh phúc trong tình yêu. Chỉ biết rằng, gã giữ rặt những bí mật đó. Bởi gã là người tôn sùng tình yêu, như một tín đồ. Tình yêu, với Nguyễn Cường, là tuyệt đối và vô cùng.

 
Nguyễn Cường rất tâm đắc với câu thơ về tình yêu của nhà thơ Nazim Hikmet:“Khi ta đạt tới em cũng là lúc ta hiểu ta chưa đạt tới bao giờ”. Nghệ thuật cũng như người phụ nữ, không bao giờ người nghệ sĩ có thể đạt tới và chiếm lĩnh được nó. Vì thế, ta không thể cưỡng lại ao ước được khám phá tiếp. Và Nguyễn Cường, trên chặng đường dài chinh phục không mỏi mệt ấy, vẫn mải miết làm việc. Gã viết nhạc và sống như một kẻ thừa năng lượng...

Ẩn trong vẻ ngoài cuồng nhiệt ấy là một tâm hồn tinh tế, giàu cảm xúc của người con sinh  ra trong một gia đình nhiều đời ở đất kinh kỳ. Trong gã còn có thêm sự mơ mộng của người nghệ sĩ sáng tác. Tất cả, những điều tưởng như đối nghịch đó- sự ngạo nghễ và chất thanh lịch đã làm nên một Nguyễn Cường riêng biệt, rất tài hoa mà vô cùng độc đáo.

“Nhạc tôi là bức tranh sáng màu”

“Nói chắc khó tin nhưng chưa bao giờ tôi có khái niệm "thưởng thức" âm nhạc. Khi âm nhạc vang lên là lúc tôi bắt đầu suy nghĩ, lao động. Đó là lý do tôi rất sợ đến các quán cà phê có nhạc. Tôi sợ cảm giác đang uống cà phê thì phải nghe nhạc”- gã nhạc sĩ thú nhận.

Và cái cách đón nhận tình cảm khán giả của gã cũng phải khác người: “Với tác phẩm của mình, tôi cần những bàn tay vỗ nhẹ chứ không cần "volume" của những bàn tay. Có những bàn tay vỗ nhẹ nhưng là bàn tay vàng của những tâm hồn trí tuệ, có những bàn tay vỗ ào ào nhưng không biết là vỗ cái gì”.

Nghệ sĩ, thường có cái tạng trầm buồn, hoặc cố mà trầm buồn cho nó ra chất nghệ sĩ. Nhưng trông Nguyễn Cường thì lúc nào cũng sôi nổi, vui vẻ, kiểu rất “xí xớn” với đời. Nếu người ta buồn mới làm được thơ, mới sáng tác được nhạc, thì Nguyễn Cường phải vui, phải hân hoan thì cảm xúc mới tuân trào ra nốt nhạc. Gã bảo, nếu gặp chuyện buồn là phải đuổi nó ngay, không khoan nhượng. Bởi thế, trong bài hát của gã có câu: "Bài ca của anh không thích buồn. Bài ca của anh không biết buồn". Âm nhạc của gã, giống như một bức tranh đẹp với gam sáng là màu chủ đạo.

 
Nhạc sĩ bây giờ, sống phớt đời như gã, hiếm lắm. Ai cũng than nghèo, kể khổ và rằng thì mà là không viết được vì… đói. Nguyễn Cường tặc lưỡi: “Chả quan trọng gì sất. Giàu chắc gì đã xong, nếu không có khát khao nghệ thuật. Ai “giàu có” bằng ông Leptônxtôi, thế mà là nhà văn vĩ đại nhất của nền văn chương Nga, khiến cả thế giới ngả mũ kính chào đấy thôi. Con người, đã sống là phải có mong muốn. Không còn mong muốn thì đời cũng chấm hết”.

Rồi gã hào hứng chia sẻ về dự án Câu lạc bộ Thính phòng đầu tiên ở Hà Nội của mình. Đã có những lúc, đau đáu, chăm bẵm như chăm từng thớ da múi thịt của mình. Đã có những lúc nước mắt tuôn rơi vì hạnh phúc. Những điều ấp ủ suốt 20 năm trước, giờ gã mới được bắt đầu.

Việt Nam vẫn có những bản sonate, concerto, có những người âm thầm viết khí nhạc, nhưng tất cả hầu như vẫn chỉ để trong cặp, trong ngăn kéo. Khí nhạc ở Việt Nam, gần như là một cái gì đó quá xa vời ngay cả đối với những người sáng tác. Câu lạc bộ của Nguyễn Cường đã phần nào khỏa lấp cho khoảng trống đó. Một góc yên lặng, để cho những tiếng nói từ trong sâu thẳm tâm hồn vang lên.

Phong lưu, phóng khoáng, Nguyễn Cường chẳng bao giờ tự đi so sánh túi tiền của mình với túi tiền kẻ khác. Tổng giám đốc ư, Chủ tịch tập đoàn ư, gã chẳng màng. Họ cũng chỉ lao động để kiếm tiền như những người công nhân bình thường, cả ngày ở trong nhà máy, ra khỏi xưởng là thoát một ngày nặng nhọc. Nhưng nghệ sĩ thì khác. Làm ra một sản phẩm, sung sướng lắm, sự sung sướng đó không chỉ trong một ngày, một tháng, một năm mà có khi suốt cả cuộc đời. Điều đó đáng với bao nhiêu tiền. Ai mua được.

Mà người ta có tiền thì thích mua vàng tích trữ, hoặc mua xe sang chạy cho sướng, không thì mua đồ hiệu mặc cho oách. Riêng Nguyễn Cường, cứ có tiền hoặc đi công tác nước ngoài, là y như rằng phải tậu về vài cái mũ. Đã hơn 20 năm nay, thú sưu tầm mũ đã ăn vào máu thịt gã trai phố cổ này rồi. Và đi đâu, gã cũng kè kè cái mũ. Nghĩ đến Nguyễn Cường là lập tức phải nghĩ đến cái mũ.

Ngoài những chiếc mũ cao bồi, bộ ria được chăm bẵm cẩn thận cũng đã gắn bó với gã được gần 40 năm. Lần đầu tiên vào năm 1975, gã biết mình có bộ ria giá trị. Trong một cuộc nhậu, người bạn vong niên thốt lên một cách đầy ngạc nhiên: “Cường ạ, sao nhìn bộ ria của mày tao thấy đã quá”. Lúc đó, gã mới bắt đầu để ý và cũng từ đó, gã bắt đầu thích ngắm nghía, chăm chút bộ ria của mình.

Đám ria lởm chởm đã vấn vương sợi bạc, những nếp nhăn cũng đã hằn in trên gương mặt phong trần nhưng Nguyễn Cường vẫn tự hào vỗ ngực “Vẫn còn trẻ lắm!”. Trẻ chứ, trẻ trong tâm hồn. “Ở đời chẳng sợ tuổi cao, chỉ sợ sự già cỗi trong tâm hồn thôi”. Gã cười ngạo nghễ…

Và chiều chiều, người ta lại thấy một Nguyễn Cường áo ba lỗ, quần đùi chạy huỵch huỵch thể dục quanh Hồ Gươm. Những lúc đi công việc, nếu không cần thiết, gã cũng thích đi bộ. Cho khỏe và cho sang. Cao 1m71, chân dài, tội gì không "khoe" cặp giò đẹp. Gã “cao bồi” bảo thế…

-Nguyễn Cường sinh năm 1943 ở phố Hàng Bạc, Hà Nội

-Năm 16 tuổi: Thi vào trường Trung cấp Âm nhạc Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để học về Violoncelle.

-Năm 1963: Được phân công về Đoàn Ca múa Tây Nguyên (nay là Đoàn Ca múa Đam San)

-Năm 1967: Chuyển về công tác tại phòng Giáo dục chính trị, Trường Đại học Mỏ - Địa chất

-Tháng 5/1981: Tốt nghiệp khoa Sáng tác- Nhạc viện Hà Nội.

-Dàn dựng các chương trình biểu diễn cho các đoàn ca múa chuyên nghiệp như Đoàn Ca Múa Đak Lak, Nhà hát Tuổi trẻ...

-Năm 1987: Chuyển về Trung tâm Phương pháp Câu lạc bộ Trung ương làm việc cho đến nay

- Năm 2009: viết hợp xướng “Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng” nhân sự kiện "Nghìn năm Thăng Long". Bản hợp xướng đã đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2010.

-Một số ca khúc tiêu biểu: Đôi mắt Pleiku, H’Zen lên rẫy, Ly cà phê Ban mê, Nghiêng nghiêng rừng chiều, Một nét ca trù ngày xuân, Trái cam mặt trời, Hò biển, Em muốn sống bên anh trọn đời, Mái đình làng biển…

Thương Anh

Bình luận
vtcnews.vn