Nguyên Bộ trưởng Bộ Y Tế: "Tôi cảm thấy rất oan ức"

Thời sựThứ Năm, 09/09/2010 12:35:00 +07:00

(VTC News) – “Kế hoạch quốc gia dự trữ Tamiflu chống cúm A/H5N1 liên quan đến nhiều Bộ, nhưng Thanh tra lại chỉ đề cập đến trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế".

(VTC News) - “Kế hoạch quốc gia dự trữ Tamiflu chống cúm A/H5N1 có liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành và các vị lãnh đạo tiền nhiệm. Nhưng khi Thanh tra chỉ đề cập đến trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế khi đó là chưa toàn diện... Bao Công khi xử án còn để cho phạm nhân tâm phục khẩu phục cơ mà.Tôi đang cảm thấy rất oan ức…”.

PGS TS Trần Thị Trung Chiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế (áo đen) tại văn phòng VTC News ở TP.HCM sáng 9/9. 

Sáng 9/9, tại văn phòng VTC News ở TP.HCM, PGS TS Trần Thị Trung Chiến đã có cuộc trao đổi dành riêng  cho VTC News xung quanh kết luận của Thanh tra Chính Phủ về vụ "tiêu cực lớn nhất của ngành y tế trong 65 năm qua".

- Với tư cách là nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó, là người đã chỉ đạo kế hoạch quốc gia dự trữ thuốc Tamiflu chống cúm A/H5N1, bà tiếp nhận kết quả của Thanh tra Chính phủ như thế nào? Bà có ý kiến gì xung quanh các kết luận thanh tra này?

- Tôi cho rằng kết luận thanh tra này có rất nhiều điểm chưa phù hợp với thời điểm mua Tamiflu chống cúm A/H5N1 khi đó. Ngay sau khi có dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu hôm 23/8 vừa qua đã triệu tập toàn bộ các vị lãnh đạo tiền nhiệm và đương nhiệm của Bộ họp tại Hà Nội để đóng góp rất nhiều với dự thảo báo cáo kết luận thanh tra.

Nhưng khi có kết luận chính thức thì chúng tôi nhận thấy Thanh tra Chính phủ hoàn toàn không tiếp thu bất kì ý kiến đóng góp của chúng tôi. Tôi xin lưu ý rằng đây hoàn toàn không phải ý kiến của cá nhân tôi, mà là ý kiến của tập thể lãnh đạo Bộ Y tế tiền nhiệm và đương nhiệm.

- Xin bà vui lòng nói rõ hơn về các ý kiến đóng góp đó?

- Các ý kiến đóng góp đó là: vấn đề bắt buộc phải có nguồn thuốc dự trữ quốc gia, khi đó Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu với Bộ Y tế rằng chậm nhất là ngày 30/6/2006 phải có thuốc trong kho vì đến tháng 8/2006, qua làm việc thì Roche đã có hứa là sẽ nhượng quyền sản xuất Tamiflu cho chúng ta. Thêm nữa, khi đó thì cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các Đại sứ quán các nước, các chuyên gia nổi tiếng cùng Cục tình báo các nước đã liên tục liên hệ với lãnh đạo Bộ Y tế khi đó để nói rằng: đại dịch sẽ sớm xảy ra, cúm này đã lây từ người sang người, WHO cho rằng VN có thể nằm trong khu vực xảy ra đại dịch cao nhất.

Chúng ta không thể để nhiều người chết rồi thuốc mới về, hay chờ kí biên bản ghi nhớ này ghi nhớ nọ rồi sau đó ngồi chờ thuốc…Công ty Roche khi đó có nói với chúng tôi rằng đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ rất nhiều các quốc gia khác nhau, nên ngồi chờ Roche là không thích hợp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm khi đó trong một cuộc họp còn yêu cầu với Bộ Y tế rằng chậm nhất là ngày 1/3/2006 phải có thuốc, nhưng tôi có nói với anh Khiêm rằng làm không kịp. Theo tôi nghĩ khi đó Chính phủ khá lo lắng với tình trạng cảnh báo như đã nêu ở trên.

Rất may là đại dịch đã không xảy ra, nếu có thì không biết sẽ phải ứng phó ra sao? Nếu không lại bảo chúng tôi không tham mưu cho Chính phủ.

PGS TS Trần Thị Trung Chiến: "Tôi cảm thấy rất oan ức. Kết luận thanh tra có rất nhiều điểm chưa phù hợp". 

- Bộ Y tế đã căn cứ vào đâu khi nhập Tamiflu quá nhiều như thế? Để trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nhận xét rằng gây lãng phí không cần thiết.

- Khi đó, Bộ Y tế đã đưa ra 3 phương án: dự trữ 30 triệu viên cho 3 triệu người dùng, 20 triệu viên đủ cho 2 triệu người dùng và phương án cuối cùng là 10 triệu viên cho 1 triệu người dùng. Khi chúng tôi thấy WHO đưa ra dự báo dịch có dấu hiệu thuyên giảm thì chúng tôi đã chọn phương án 20 triệu viên dành cho 2 triệu người dùng để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi đó cũng đã đồng ý với phương án này. Vì vấn đề thời gian nên phải luôn chủ động tìm nguồn nguyên liệu khác. Nếu sau tháng 8/2006 còn dịch thì sẽ mua nguyên liệu của Roche.

- Có ý kiến cho rằng Bộ Y tế khi đó đã thiếu trách nhiệm khi nhập số lượng lớn Tamiflu trong thời gian gấp gáp như thế đã khiến ta phải nhập với giá cắt cổ, hạn sử dụng thấp, gây lãng phí lớn.

- Tôi nghĩ rằng nhận xét đó là hoàn toàn chưa được cụ thể, khách quan. Như tôi đã khẳng định, đây là một dịch bùng phát mà khi đó nếu nó xảy ra ở VN thì sẽ không biết mức độ của nó sẽ nguy hiểm đến mức độ nào. Khi chúng tôi trình những phương án này lên Bộ Chính Trị cùng các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng khi đó, tất cả đều bảo với chúng tôi rằng có tốn tiền mấy cũng phải làm, tất cả vì sức khỏe của người dân, đây là chuyện cứu người.

- Bà cho rằng hoàn toàn không có chuyện thiếu trách nhiệm ở đây khi tất cả đều có Hội động thẩm định về giá? Vậy vai trò của Hội đồng này là gì, thưa bà?

- Thẩm định về giá là thuộc trách nhiệm của Bộ Tài Chính, vì họ có chức năng chuyên môn về vấn đề này. Khi đó, họ đã làm việc rất chặt chẽ, tiền kiểm và hậu kiểm rất kĩ. Thanh tra Chính Phủ nên làm việc trực tiếp với họ. Theo tôi được biết thì lãnh đạo Bộ Tài Chính cũng đã có văn bản giải trình cho Thanh tra Chính Phủ nhưng cũng không được quan tâm.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, khi đó toàn bộ các văn bản có liên quan đến kế hoạch dự trữ thuốc quốc gia này là văn bản có đóng dấu MẬT hay TỐI MẬT, nên khi chúng tôi đặt hàng ở bước đầu tiên đã không thể nêu ra giá cả được. Các bước đặt hàng tiếp theo Bộ Tài Chính cũng đã nói rõ tại sao họ lại phải làm như thế.

Hiện theo tôi được biết, giá thuốc của chúng ta mua khi đó cũng không hề đắt hơn ít nhất là 7 nước trong khu vực có sản xuất Tamiflu. Thái Lan mua ngang bằng giá với chúng ta.

Thuốc Tamiflu (ảnh từ Internet) 

- Thưa bà, với vai trò là người đứng đầu Bộ Y tế khi đó, bà thấy trách nhiệm của mình như thế nào trong vụ việc này?

- Khi đó, tôi đã nghĩ rằng trách nhiệm của mình trong vụ việc này là vô cùng cao. Thế nhưng, không thể không làm, vì sức khỏe của chính người dân chúng ta. Vì vậy, tôi và cả những người làm ở Bộ khi đó đã tự nhủ rằng cần phải làm chặt chẽ, có sức thuyết phục nhất, hạn chế tối đa nhất các sai sót có thể xảy ra.

Rất nhiều người bây giờ đã không hiểu được rằng chúng tôi phải chịu thách thức cao như thế nào, mất ăn, mất ngủ, thức trắng nhiều đêm liền, làm việc tích cực như thế sao lại nói chúng tôi có tiêu cực.

Nếu chúng tôi có gì sai thì cần phải chấn chỉnh chúng tôi ngay. Sao lại vội vã kết luận như thế khi chúng tôi chưa được phát biểu. Tôi cảm thấy có điều gì đó uẩn khúc ở đây.

- Có ý kiến dư luận cho rằng nhập số lượng lớn Tamiflu như vậy là do Bộ Y tế được hưởng % chênh lệch? Bà giải thích như thế nào về việc này?

- Tôi cam đoan rằng hoàn toàn không có vấn đề gì tiêu cực, tham nhũng hay hưởng tư lợi gì ở đây cả. Vào thời điểm đó, chẳng ai dám nghĩ đến chuyện này cả đâu, và nếu có thì chắc cũng bị bại lộ lâu lắm rồi.

- Một câu hỏi cuối, xin bà cho biết các kiến nghị của mình sau kết luận thanh tra này?

- Tôi xin kiến nghị rằng cần sớm tổ chức ngay một cuộc họp có sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ. Nên mời cả một số các đồng chí nguyên là Thủ tướng, mời toàn bộ các vị lãnh đạo tiền nhiệm và đương nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan cùng với 4 DN sản xuất Dược đến để nghe chúng tôi trình bày, giải thích và làm rõ các vấn đề có liên quan. Bao Công khi xử án còn để cho phạm nhân tâm phục khẩu phục cơ mà.

“Tôi đang cảm thấy rất oan ức…”

- Xin trân trọng cám ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của VTC News!

Nhóm PV VTC News(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn