Người xa quê: Những mẩu chuyện bên lề

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 11:42:00 +07:00

Người xa quê dã vượt qua được chặng đường đầu tiên mang đến cho khán giả những thông tin bổ ích về cuộc sống cũng như các hoạt động của việt kiều trên thế giới.

Ra đời từ tháng 1/2010, Người xa quê dã vượt qua được chặng đường đầu tiên mang đến cho khán giả những thông tin bổ ích về cuộc sống cũng như các hoạt động của việt kiều trên toàn thế giới. Trong đó chuyên mục người viễn xứ đã thực sự để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người xem và ngay cả với chính những người làm chương trình.

 

 

Những trải nghiệm quý báu

 

Lê Thắm, BTV của chương trình, một cô gái trẻ năng động và yêu thích công việc mình đang làm. Những nhân vật trong chương trình của Thắm đều được cô tìm hiểu và khai thác dưới nhiều góc cạnh khác nhau của đời sống, được thể hiện một cách chân thực và gắn liền với thực tế.

Một trong những nhân vật đọng lại trong Thắm nhiều ấn tượng nhất là ông lang Việt Kiều Tony Tuấn. Người được mệnh danh là “bàn tay vàng” của Alex Ferguson. Đây là nhân vật theo cô có một cuộc đời khá ly kì, thú vị. Trong thời gian cả ekip theo chân nhân vật để làm phóng sự về chuyến hồi hương sau nhiều năm xa cách đã không chỉ khiến bản thân Tony Tuấn xúc động mà cả những người làm chương trình như Thắm cũng không tránh được cảm giác bùi ngùi.

Tony Tuấn có tên Việt là Nguyễn Văn Tý, sinh năm 1960, mồ côi mẹ từ năm 7 tuổi, lên 9 tuổi thì cha mất. Một mình cậu bé đơn thương độc mã vật lộn với cuộc sống mưu sinh, đã không ít lần ra tù vào khám vì những tội danh lặt vặt.

Để kiếm sống, cu Tý lưu lạc lên tận Cao Bằng, tại đây, Tý được một thầy lang dân tộc thiểu số bày cho cách bấm các huyệt đạo và châm cứu. Trở về Hải Phòng, ông đã sống bằng nghề châm cứu này. Nhưng khả năng chữa bệnh của Tý chỉ thực sự trở nên “khác thường” nhờ thời gian sống trong Hỏa Lò. Bản thân Tony Tuấn cũng chẳng thể ngờ rằng, những ngày đen tối ấy đã khiến ông thành danh trên đất Mỹ về sau này.

Một sự kiện khiến phòng khám Tế Dân Đường Thiết Đả trên con phố Snyder, Philadelphia (nơi có ông thầy lang Tony Tuấn chữa bệnh) trở nên nổi danh đó là ngày 22/7/2004, khi chiếc Limousesine sang trọng đưa ngài Alex Ferguson, huấn luyện viên đội bóng đá Manchester United trứ danh đến chữa căn bệnh xoắn cơ và khớp chân. Với những phương pháp chữa bệnh “bí hiểm” của phương Đông như châm cứu, dùng võ công..., Tony Tuấn đã khiến Sir Ferguson có thể đứng lên đi lại bình thường, điều mà trước đó các bác sĩ Tây Y, Đông Y khác không thể làm được. Sau đó, Tony Tuấn đã được vị huấn luyện viên nổi tiếng này gọi là vị bác sĩ có đôi tay vàng.

Trong một chuyến công tác tại Mỹ, phóng viên kênh VTC10 đã có dịp ghé thăm Tế Dân Đường Thiết Đả của ông mục sở thị và ghi được hình ảnh thầy lang người Việt này dùng những phương pháp chữa bệnh có vẻ như đơn giản, có phần kì dị nhưng hiệu quả. Bệnh nhân đến khám bệnh khá đông, có đủ màu da và quốc tịch, có người Hàn Quốc, Trung Quốc, người Mỹ... Điều khiến các phóng viên Văn hóa Việt cảm động là phía sau thành công của ông trên mảnh đất này là một quá khứ không yên ả.

Đặt chân lên đất Mỹ khi mới 19, 20 tuổi. 30 năm sau, cu Tý mới trở về quê hương Hải Phòng với cái tên Việt Kiều Tony Tuấn. Tại đây, những phóng viên của Người xa quê đã chứng kiến cuộc hội ngộ cảm động của nhân vật đặc biệt này với những người quen cũ, đối diện với những hoài niệm sóng gió của một tuổi thơ dữ dội.

“Chúng tôi chỉ biết im lặng khi theo chân Tony Tuấn đi tìm lại những mảnh ký ức cũ trên các con phố Hải Phòng. Những bạn bè cùng lứa với ông đều đã chết cả. Chúng tôi gặp lại ông Tổ trưởng dân phố ngày trước từng “điêu đứng” vì những trò quậy phá của cu Tý ngày nào. Họ gặp nhau như những cố nhân, mừng, tủi, ngậm ngùi ôn nghèo kể khổ như những người bạn thủa hàn vi.

Ngoài Tony Tuấn, Thắm cũng không thể nào quên bữa cơm trưa với ông Nguyễn Trí Dũng, việt kiều ở Nhật.

Cô nhớ lại, “trong bữa ăn, ông kể chuyện được nghe người dân Cuba hô khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh. Ông ấy cũng hô trong bữa cơm luôn, rồi lặng lẽ khóc. Mấy cô lễ tân cũng khóc. Rồi ông ấy hát bài Như một hòn bi xanh của Trịnh Công Sơn, có câu: "vô tình ta cùng chọn nơi này làm quê hương", rất xúc động.

Cô nói: “điều thú vị nhất đối với chúng tôi khi làm chương trình này là được gặp rất nhiều nhân vật độc đáo, được lắng nghe những câu chuyện thú vị và trải nghiệm những cảm giác của sự hội ngộ, sự tri ân với quê hương đất nước của những người con xa xứ. Câu chuyện của Tony Tuấn, hay doanh nhân Nguyễn Trí Dũng là ví dụ cho sự trải nghiệm ấy”.

 

 

Lận đận đi tìm nhân vật

 

Cái khó khăn nhất của những người làm chương trình Người xa quê là chuyện liên hệ với nhân vật. Liên hệ rồi thuyết phục họ lên hình cũng không dễ. Bởi phần lớn các Việt Kiều đều sinh sống ở nước ngoài, không phải lúc nào cũng có mặt trong nước vì vậy các BTV của chương trình thường phải liên hệ từ rất lâu trước khi chương trình diễn ra và phải kết hợp làm nhiều chương trình trong một chuyến công tác.

Lê Thắm vẫn còn nhớ có những nhân vật như ông Nguyễn Quốc Bình, PGĐ TTCNSH TP HCM chỉ cho cô một tiếng gặp nói chuyện trước khi lên máy bay. Hay ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc công ty Minh Trân, công ty sản xuất điện tử công nghệ cao, một doanh nhân thành đạt trở về từ Nhật Bản đã từ chối phỏng vấn vì tưởng truyền hình đến để mời quảng cáo… nhưng sau khi hiểu rõ tiêu chí của chương trình ông thậm chí còn rất vui vẻ, nhiệt tình. Trong suốt 3 ngày, ngày nào ông cũng tiếp chuyện các phóng viên VTC10 tới tận 12 giờ đêm. Cũng có những nhân vật khác ở Sài Gòn khi được phóng viên hỏi đã tranh thủ tán chuyện tới tận khuya mới chịu cho ghi hình.

Nhưng có lẽ lần vất vả nhất là khi chương trình liên hệ với các cô dâu Việt sau khi xảy ra vụ một cô bị chồng ám sát ở Hàn Quốc. Lê Thắm kể lại, để làm được chương trình này, cô phải gọi điện liên hệ với rất nhiều chị nhưng họ đều từ chối vì không muốn lên hình. Vất vả lắm cô mới thuyết phục được một cô mới trở về thăm gia đình từ Hàn Quốc. Đoạn talk được ghi hình ngay tại sân vườn nhà nhân vật nhưng khi cả ekip bắt tay vào làm việc thì hai đứa con của cô khóc ầm lên không cho quay, dỗ dành thế nào cũng không xong mãi đến khi ông ngoại ra tay chở chúng đi chơi mọi việc mới có thể bắt đầu. “Một kỷ niệm vui vui với cả ekip là khi đến ghi hình ở Daewoo trong một buổi các cô dâu Việt tạm biệt quê hương để về Hàn Quốc thì mấy đứa trẻ nhận ra “người quen”, vui sướng chạy ra ôm chầm lấy mấy anh quay phim không cho tác nghiệp”, Lê Thắm kể trong tiếng cười.

 

“Qua chương trình này, chúng tôi cũng có cơ hội gặp gỡ nhiều cuộc đời với những số phận khác nhau mà mỗi cuộc đời ấy đều có thể viết thành truyện được. Chuyện cô dâu Việt với những tháng năm đằng đẵng sống nơi đất khách quê người, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, khó khăn biết nhường nào để hòa nhập. Rồi khi đưa con trở về, cháu không biết tiếng Việt, ông không biết tiếng Hàn ấy vậy mà vẫn xoắn xuýt yêu thương. Đó là những trải nghiệm mà nếu như không trực tiếp tham gia sản xuất chương trình này, tôi cũng khó có thể hiểu được”, Lê Thắm chia sẻ. Cô cũng cho biết, mỗi khi làm chương trình, điều khiến cô cảm thấy thú vị nhất là những dịp đồng hành cùng nhân vật trở lại những địa chỉ cũ, nơi họ từng ở, chứng kiến những cuộc hội ngộ của họ với những người thân quen nhiều năm không gặp... “Thực sự, đó là những lúc tôi được chứng kiến sự va chạm cảm xúc khó có thể tả bằng lời...”

Hà Trang

Ảnh: HTS

Bình luận
vtcnews.vn