Người Vietnam Airlines sang Vietjet nhận lương gấp 3 lần

Kinh tếChủ Nhật, 11/01/2015 04:54:00 +07:00

Một thợ kỹ thuật từ Công ty Kỹ thuật máy bay (Vaeco – thuộc VNA) sang làm việc cho VietJet Air được nhận mức thu nhập từ 20 triệu lên 58 triệu đồng.

Một thợ kỹ thuật từ Công ty Kỹ thuật máy bay (Vaeco – thuộc VNA) sang làm việc cho VietJet Air được nhận mức thu nhập từ 20 triệu lên 58 triệu đồng.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, mức lương trung bình của đội ngũ phi công năm 2013 là 74,8 triệu đồng, của tiếp viên là 18,7 triệu đồng/người/tháng. Trong thực tế, mức lương này chưa đủ để giữ chân lao động tại Vietnam Airlines.

Nên nhiều nhân viên hàng không kỹ thuật cao của VNA đã xin nghỉ việc để sang làm việc tại hãng hàng không khác. Các nhân viên này bao gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật.

phi công
Hàng loạt phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc  
Bên cạnh đó, thêm vấn đề nữa, đó là mức lương bổng chênh lệch giữa phi công VN và phi công quốc tịch nước ngoài do Vietnam Airlines đang thuê.

Lương trung bình của phi công Việt Nam hiện nay tùy thuộc vào chức danh, vị trí và loại máy bay phi công đang điều khiển, tính ra trung bình khoảng 80 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi Vietnam Airlines đang trả lương cho phi công nước ngoài xê xích từ 8.000 – 13.000 USD.

Ở Vietnam Airlines, chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc đang hưởng mức lương xê xích từ 45 – 50 triệu đồng. Mỗi năm tùy theo hiệu quả kinh doanh, người làm việc cho Vietnam Airlines được hưởng từ 15 – 18 tháng lương.

Sự chênh lệch giữa lương phi công “nội” và phi công “ngoại” khiến nhiều phi công ở Đoàn bay 919 lên tiếng phản ứng.

Cách đây 4 năm, phi công Đoàn bay 919 đã yêu cầu có cuộc họp riêng với lãnh đạo Vietnam Airlines để chất vấn về vấn đề lương bổng. Câu hỏi chính được đưa ra là: Tại sao với năng lực tương đương nhau, lương bổng của phi công Việt Nam thấp hơn quá nhiều so với phi công thuê từ nước ngoài.

Lời giải đáp được lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra là “thuê phi công nước ngoài, chúng tôi không phải tốn chi phí đào tạo”.

Việc các phi công “hậm hực” đòi ra đi đã âm ỉ diễn ra từ tháng 10/2014 khi Ban Tổ chức cán bộ và Lao động tiền lương đã nhận được hơn chục lá đơn xin nghỉ của phi công Đoàn bay 919.

Theo số liệu thống kê, hiện lượng phi công “nội” của Vietnam Airlines là khoảng 600 người, đáp ứng gần 70% nhu cầu cần khai thác.

Hiện tượng này được đánh giá là đã làm xáo trộn, suy giảm nguồn nhân lực chất lượng cao của Vietnam Airlines và uy hiếp an toàn khai thác máy bay.

Trong khi đó, là hãng hàng không đang trong giai đoạn tăng trưởng ban đầu rất nhanh, VietJet Air đang thực hiện chính sách thu nhập cao để thu hút lao động từ các hãng hàng không nội địa và quốc tế.

Hiện nay, nhân sự của VietJet có đến 20 quốc tịch khác nhau. Trong đó, một lực lượng đáng kể lao động từ Vietnam Airlines đã sang VietJet làm việc, chủ yếu là đội ngũ kỹ thuật, tiếp viên và gần đây là phi công.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, người đứng đầu Bộ GTVT đã phải ban hành chỉ thị tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu VNA rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác. Việc này phải hoàn thành trong quý I năm 2015.

Theo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn