Người viết trẻ đối mặt với thách thức như thế nào?

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 30/09/2016 08:04:00 +07:00

Người viết trẻ đối mặt với thách thức như thế nào là câu hỏi lớn dành cho những người trẻ cầm bút đương đại.

 “Phân định giữa trung tâm và ngoại vi nó không nằm trên mặt địa lý mà nó nằm ở kiến thức. Phê bình văn học không dừng lại ở khen hay chê, nó còn nằm ở chỗ anh tìm được gì ở trong cuốn sách, phát hiện ra thứ gì đó vượt trội so với tác phẩm khác hoặc tìm ra những điểm chưa hoàn thiện.

Phê bình văn học không dừng lại ở khen hay chê! Phê bình văn học là sự khám phá” đó chính là phản biện của T.S Nguyễn Vũ Hưng tại buổi Gặp gỡ những người viết trẻ, ngày 29/9, do khoa Viết văn- Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.

14463304_975673492559828_4247562799744905967_n

PGS-TS Ngô Văn Giá trong buổi tọa đàm (ảnh: Thanh Thúy) 

Cuộc gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu

Sau dư âm của “Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX” do Ban Nhà Văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, lần này khoa Viết văn – Báo chí (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du) đã có buổi tọa đàm trao đổi cùng những cây bút trẻ góp mặt trong đời sống văn chương hiện nay.

Đây không chỉ là ngày hội ngộ, gặp gỡ của nhiều thế hệ học viên từng học tập tại khoa Viết văn – Báo chí với các người viết trẻ toàn quốc mà còn là dịp để khẳng định một lần nữa những đóng góp quan trọng cây bút trẻ trong đời sống văn học nghệ thuật, trong diện mạo báo chí, học thuật của nước nhà.

Đến nay, sau 14 khoá viết văn, có hơn 100 học viên là hội viên Hội nhà văn; nhiều học viên đảm nhận các vị trí quan trọng của các cơ quan văn hóa, báo chí, nhà xuất bản; nhiều học viên trở thành những nhà văn, nhà thơ danh tiếng như: Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Thái Bá Lợi, Dương Thu Hương, Nguyễn Thụy Kha…

_MG_0174

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học, Th.s Mai Anh Tuấn

Song những gương mặt mới mẻ, trưởng thành từ “ngôi nhà văn chương Viết Văn Nguyễn Du” nay cũng khẳng định được tên tuổi trong diện mạo Văn học nghệ thuật nước nhà như cây bút trẻ: Lữ Mai, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Thế Hùng, Nhà văn trẻ Đinh Phương… Ngoài ra đến tham dự còn có sự góp mặt của T.S Phạm Anh Tuấn, T.S Nguyễn Vũ Hưng, T.S Chu Thị Anh, Nhà báo Phan Đăng, Nhà thơ Lê Hưng Tiến…

Gặp gỡ những người viết trẻ thảo luận 3 nội dung chính: thứ nhất, Vị thế của những người viết trẻ ở địa phương; thứ hai, Hoạt động phê bình văn học trong Hội văn học nghệ thuật địa phương; thứ ba, Tìm ra câu trả lời những người viết trẻ đang muốn gì, cần gì?

Cây bút trẻ khẳng định bản lĩnh ra sao?

Trong xu hướng phát triển như hiện nay, việc chạy theo lợi ích kinh tế khiến cho đời sống tinh thần bị lu mờ. Thì việc nhìn nhận đời sống văn chương, trao đổi thẳng thắn về những góc khuất, khuyết điểm còn tồn tại trên con đường viết văn là điều rất cần thiết.

Nhận thấy, Hội văn học nghệ thuật địa phương là nền tảng góp phần không nhỏ khẳng định chỗ đứng của người viết trẻ. Tuy nhiên, hiện nay Hội văn học nghệ thuật địa phương chỉ quan tâm đến những người đã có danh, không còn mặn mà, làm ngơ, thậm chí “phớt lờ” việc xây dựng đội ngũ viết văn trẻ, để mặc các cây bút “tự bơi” trong cô độc. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan làm “thui chột” những mầm sống đang bén rễ văn chương.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, lại có rất nhiều Tạp chí, Hội văn học nghệ thuật địa phương khác đồng hành, nỗ lực, ủng hộ các cây viết trẻ vươn lên tầm khu vực, khẳng định tiếng nói và vị thế của mình như: Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Cánh Én, hay Tạp chí Cửa Việt...

Nhà thơ Nguyễn Thế Hùng – báo Văn nghệ Công an nói: “địa phương góp một phần nhỏ vào công cuộc tìm kiếm những gương mặt mới, song bản thân người viết cần nhận thức rõ: viết văn không đơn giản, hãy viết bằng sự nỗ lực và lương tâm của mình”.

Trong cuộc gặp gỡ có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc sáng tác của các cây bút lý luận phê bình trẻ hiện nay. Thấy được, việc cập nhật các lí thuyết và trào lưu trên thế giới là vô cùng cần thiết. Song, đó cũng là sự lựa chọn của các nhà văn trẻ, viết bằng kinh nghiệm, bản năng là chưa đủ, không thể đi xa được; nhà văn trẻ trong thời hiện đại cần phải đọc, am hiểu, lĩnh hội và làm chủ được các lý thuyết.

IMG_0146

 Quang cảnh buổi tọa đàm (ảnh: Hà Anh)

Khi bàn về phê bình văn học, T.S Nguyễn Vũ Hưng có những phản biện khá thú vị: “Phân định giữa trung tâm và ngoại vi nó không nằm trên mặt địa lý mà nó nằm ở kiến thức.

Phê bình văn học không dừng lại ở khen hay chê, nó còn nằm ở chỗ anh tìm được gì ở trong cuốn sách, phát hiện ra thứ gì đó vượt trội so với tác phẩm khác hoặc tìm ra những điểm chưa hoàn thiện. Phê bình văn học không dừng lại ở khen hay chê! Phê bình văn học là sự khám phá”.

Cuộc gặp gỡ trên tuy không thể làm sáng tỏ mọi băn khoăn, trăn trở của những cây bút trẻ gắn bó với nghề viết, nhưng đây lại là cơ hội để người viết trẻ thẳng thắn nhìn nhận vào những “bất ổn” trong đời sống văn chương hiện đại.

Cuối cùng “tài năng, bản lĩnh, sự vượt thoát mới yếu tố quan trọng nhất của người viết. Nếu như không có bản lĩnh thì những cây bút trẻ miền ngược như Triệu Hoàng Giang, Hoàng Chiến Thắng… không thể nào tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả”. Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.

Hà Anh
Bình luận
vtcnews.vn