Người trẻ Sài Gòn gác công việc, đi vào tâm lũ cứu trợ bà con miền Trung

Tin nhanh 24hThứ Hai, 26/10/2020 10:00:00 +07:00
(VTC News) -

Tạm gác lại công việc, bất chấp nguy hiểm... nhiều bạn trẻ ở TP.HCM dấn thân vào vùng rốn lũ để cứu trợ, giúp đỡ đồng bào miền Trung.

Người trẻ Sài Gòn hướng về miền Trung

Những ngày qua, ảnh hưởng bởi bão lũ khiến các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại lớn về người và tài sản. Với mong muốn cùng chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung, rất nhiều bạn trẻ ở TP.HCM đã tạm gác lại công việc, bất chấp những nguy hiểm dấn thân vào vùng rốn lũ.

Người trẻ Sài Gòn gác công việc, đi vào tâm lũ cứu trợ bà con miền Trung - 1

Anh Nguyễn Hữu Thông cùng thành viên nhóm trao quà cứu trợ cho bà con miền Trung. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Từ TP.HCM vượt gần 1.000km, anh Nguyễn Hữu Thông (SN 1987, ngụ tại TP.HCM) cùng nhóm bạn hẹn gặp nhau tại Huế để chung tay hỗ trợ người dân.

Theo anh Thông, nhóm anh vọn vẻ chỉ có 10 thành viên (6 bạn trẻ ở TP.HCM và 4 bạn ở Hà Nội). “Sau khi cập nhật thông tin trên báo chí và truyền hình về hình hình mữa lũ gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản cho người dân miền Trung. Tôi cùng nhóm bạn của mình quyết định gác lại hết công việc đi vào vùng lũ để hỗ trợ người dân bằng những phần quà thiết thực như mì tôm, thuốc men, nước, sữa, gạo và tiền mặt. Đến nay nhóm chúng tôi đã đi được 4 ngày với nhiều điểm lũ lụt của các tỉnh Huế, Quảng Bình và Quảng Trị. Theo dự kiến khi nào nước rút thì chúng tôi mới quay về để tập trung vào công việc”.

Cũng xuất phát từ TP.HCM, anh Trần Văn Thắng (kỹ sư nông nghiệp, ngụ tại TP.HCM) và nhóm bạn trẻ đã lênh đênh ở vùng lũ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị được 3 ngày. Hành trình mà nhóm mang theo ngoài các nhu yếu phẩm cần thiết còn có tiền mặt.

Người trẻ Sài Gòn gác công việc, đi vào tâm lũ cứu trợ bà con miền Trung - 2

Anh Thắng cùng các thành viên nhóm đi vào vùng lũ cứu trợ người dân. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Thắng cho biết, tất cả các thành viên trong nhóm đã chuẩn bị rất kỹ kiến thức ứng phó với sự cố khi đi vào vùng lũ.

“Trước khi đi ra cứu trợ đồng bào miền Trung, tôi cùng những thành viên của nhóm đã chuẩn bị sẵn các phần quà thiết thực giúp đỡ người dân như thức ăn, nước uống, thuốc men và tiền mặt. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thì mỗi một thành viên của nhóm đều được trang bị kiến thức kịp thời ứng phó với trường hợp khẩn cấp nếu xảy ra. Chúng tôi hi vọng, với những phần quà cứu trợ sẽ giúp một phần nào đó cho đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn trước mắt”, anh Thắng nói.

Bao giờ nước rút mới về

Dù vẫn còn rất nhiều công việc cần giải quyết, thế nhưng những người trẻ Sài Gòn vẫn bỏ hết công việc để chung sức cứu trợ miền Trung ruột thịt.

"Khi nào nước rút, cuộc sống bà con vùng lũ tạm ổn thì chúng tôi mới trở về Sài Gòn, quay trở lại làm việc", anh Thông giọng hổn hển nói với PV VTC News qua điện thoại, từ vùng tâm lũ Quảng Trị.

Người trẻ Sài Gòn gác công việc, đi vào tâm lũ cứu trợ bà con miền Trung - 3

Các bạn trẻ từ Sài Gòn mang theo nhiều nhu yếu phẩm cứu trợ bà con vùng lũ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lênh đênh trong vùng lũ trọn 4 ngày, anh Thông cho biết, hành trình cứu trợ cuả nhóm cũng vấp phải những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.

“Để trao hơn 300 phần quà giá trị hơn 400 triệu đồng đến tận tay người dân vùng lũ chúng tôi đã phải di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Khi thi đi bằng xe ba gác, lúc lại đi xuồng máy. Có hôm đang đi thì xuồng máy bị vướng vào gốc cây, phải mất gần 2 giờ lênh đênh trên nước chúng tôi mới khắc phục được sự cố. Trong khi đó, nước lũ đang dâng cao khiến cả nhóm rất sợ”, anh Thông kể lại.

Theo anh Thông, do cả nhóm vẫn đang nhận tài trợ từ bạn bè và người quen nên hành trình cứu trợ bà con miền Trung của nhóm vẫn chưa xác định ngày kết thúc để trở lại Sài Gòn.

Còn theo anh Thắng, những này này dù công việc đang rất bộn rộn nhưng anh vẫn tham gia cùng bạn bè đi cứu trợ đồng nào miền Trung. Hành trình của nhóm anh Thắng cũng chưa dự kiến ngày về.

“Khi đến đây rồi mới thấy cuộc sống người dân nơi đây khổ cực lắm. Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước, hoa màu và tài sản đều bị lũ cuốn trôi. Vì thế, chúng tôi quyết định ở lại và kêu gọi tài trợ để giúp đỡ một phần nào đó cho người dân nơi đây sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống. Còn bao giờ nước rút, thì các thành viên trong nhóm mới về lại Sài Gòn”, anh Thắng nói.

KHUẤT NGUYÊN
Bình luận
vtcnews.vn