Nghịch lý ở quốc gia Đông Nam Á không thể sống thiếu điều hòa

Tư liệuThứ Ba, 13/06/2023 07:36:46 +07:00

Khi nhiệt độ tăng vọt lên 37 độ C vào tháng trước, anh Chee Kuan Chew, cư dân Singapore, đã hủy bỏ mọi kế hoạch và lựa chọn ở nhà trong điều hòa không khí mát lạnh.

“Ở Singapore, bạn không thể sống thiếu điều hòa. Không thể chịu nổi sức nóng này”, kênh CNN dẫn lời anh Chee cho biết.

Anh Chee, sinh viên đại học 20 tuổi, sống cùng gia đình trong một căn hộ 4 phòng ngủ ở Ang Mo Kio. Quận sầm uất này từng gây chú ý với nền nhiệt đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm vào đợt nắng nóng gần đây. Rất may, Chee cho biết, nhà anh có 5 máy điều hòa không khí – mỗi phòng ngủ lắp một chiếc và một chiếc lớn ở phòng khách.

“Tôi đã uống nhiều nước, tắm nước lạnh và bật điều hòa suốt cả ngày cuối tuần. Đó là cách tôi vượt qua cái nóng”, anh Chee nói.

Nghịch lý ở quốc gia Đông Nam Á không thể sống thiếu điều hòa - 1

Máy điều hòa không khí nằm rải rác trên mặt tiền của khu chung cư People's Park Complex của Singapore. (Ảnh: Reuters)

Sống trong điều hòa không khí là điều bình thường ở Singapore. Nằm cách đường xích đạo khoảng 140km về phía bắc, quốc đảo này nổi tiếng là khu vực nóng và ẩm, với nhiệt độ quanh năm trên 26 độ C. Điều này khiến Singapore trở thành một trong những quốc gia sử dụng điều hòa không khí nhiều nhất thế giới và tỷ lệ điều hòa trên đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á.

Ở Singapore, điều hòa không khí gần như đã trở thành một thiết bị không thể thiếu. Một văn phòng hoặc trung tâm mua sắm mà không có điều hòa gần như là điều không tưởng. 99% chung cư đều được trang bị điều hòa, cũng như phần lớn các chung cư nhà ở công cộng.

Thủ tướng Lý Quang Diệu từng gọi điều hòa không khí là “phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20” và ghi nhận thiết bị này đã giúp hòn đảo trở thành một trong những trung tâm tài chính ưu việt của thế giới.

Tuy nhiên, tình yêu đối với điều hòa của Singapore cũng phải trả giá đắt. Quốc gia vốn nắng nóng đang ngày càng nóng hơn, điều mà các chuyên gia gọi là “vòng luẩn quẩn nguy hiểm”. Đây cũng nghịch lý mà mọi quốc gia phụ thuộc nhiều vào điều hòa phải đối mặt.

Nói một cách đơn giản, Trái Đất càng nóng lên thì càng có nhiều người chuyển sang sử dụng điều hòa. Và khi ngày càng nhiều người sử dụng nhiều điều hòa, Trái Đất lại càng nóng lên.

Nghịch lý nóng lên toàn cầu

Nghịch lý ở quốc gia Đông Nam Á không thể sống thiếu điều hòa - 2

Thiên đường mua sắm Ion Orchard nằm trên đường Orchard ở Singapore. (Ảnh: Reuters)

Máy móc là yếu tố mạnh mẽ trong việc đẩy nhanh biến đổi khí hậu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính rằng nếu không được kiềm chế, khí thải nhà kính liên quan đến điều hòa có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng tới 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Ảnh hưởng của điều hòa đối với tình trạng nóng lên toàn cầu là gấp đôi. Thứ nhất, giống như tủ lạnh, nhiều máy điều hòa không khí ngày nay sử dụng một loại chất làm mát được gọi là hydrofluorocarbon hay HFC - loại khí nhà kính có hại. Thứ hai, máy điều hòa không khí có xu hướng sử dụng một lượng lớn điện năng, được tạo ra từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điều hòa không khí và quạt điện chiếm khoảng 10% tổng lượng điện tiêu thụ toàn cầu.

Là một quốc gia tương đối nhỏ, Singapore – với dân số khoảng 5,4 triệu dân – cũng đóng góp một phần nhỏ lượng HFC thải ra toàn cầu và nhu cầu điện ở quốc gia này cũng đang thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu.

Theo WEF, ngay cả với mức sử dụng bình quân đầu người cao, tổng lượng khí thải của Singapore vẫn thấp hơn so với Nhật Bản và Mỹ nơi có khoảng 90% hộ gia đình sử dụng điều hòa không khí. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Singapore sẽ không phải chịu hậu quả của nóng lên toàn cầu. Là một quốc gia vốn đã nóng và đang nóng lên nhanh chóng, Singapore có ít thời gian hơn một số quốc gia khác trước khi nhiệt độ đạt đến ngưỡng không thể chịu đựng được.

Theo dữ liệu do chính phủ công bố năm 2019, Singapore đã nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong 6 thập kỷ qua. Các quan chức cảnh báo nhiệt độ cao nhất hàng ngày cũng có thể đạt mức 37 độ C vào năm 2100.

Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị

Nghịch lý ở quốc gia Đông Nam Á không thể sống thiếu điều hòa - 3

Người dân Singapore dùng ô che nắng khi băng qua đường. (Ảnh: Reuters)

Nhưng nhiệt độ tăng ở Singapore không chỉ là do nóng lên toàn cầu. Tình trạng này cũng được gây ra bởi hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Trong đó, các khu vực đô thị hóa cao có nhiệt độ cao hơn các khu vực xung quanh.

Hiệu ứng này là do các cấu trúc đô thị - như tòa nhà, đường xá và xe cộ - giữ nhiệt lại và thải ra môi trường, đặc biệt là vào ban đêm. Hiệu ứng này có thể cảm nhận rõ rệt ở những nơi phát triển cao và tương đối đông đúc như Singapore.

Ông Matthias Roth, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng sự gia tăng nhiệt độ gần đây của Singapore phần lớn là kết quả của sự kết hợp giữa nóng lên toàn cầu và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

“Ở một số khu vực có nhiều hoạt động, giao thông của con người, cũng như các tòa nhà cao tầng nằm sát nhau cùng sử dụng điều hòa nhiệt độ, tình trạng nóng lên cục bộ này có lẽ có thể khiến nhiệt độ môi trường tăng lên 1 đến 2 độ C”, ông giải thích.

Ông Roth lưu ý rằng những khu vực này thường nhỏ, do đó sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nhiệt độ trung bình trên toàn thành phố. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh khi sử dụng số lượng điều hòa lớn và thường xuyên, chúng có thể chiếm phần lớn mức tiêu thụ năng lượng ở những nơi nóng bức.

Giải pháp phá vỡ “vòng luẩn quẩn”

Nghịch lý ở quốc gia Đông Nam Á không thể sống thiếu điều hòa - 4

Những người lao động nhập cư làm việc dưới cái nắng gay gắt tại một công trường xây dựng ở Singapore hôm 3/5. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia cho rằng có nhiều cách để phá vỡ “vòng luẩn quẩn nguy hiểm” của điều hòa.

Theo bản sửa đổi Kigali với Nghị định thư Montreal của Liên hợp quốc năm 2016, nhiều quốc gia đang dần ngưng sử dụng chất HFC và thay thế bằng các lựa chọn thân thiện với khí hậu hơn, chẳng hạn như chất hydrofluoroolefin (HFO).

Các chuyên gia cho biết cũng có nhiều phương pháp khác để giữ mát thay cho điều hòa.

Bà Radhika Khosla, Phó Giáo sư của Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith thuộc Đại học Oxford, đề xuất, một trong những “chiến lược làm mát thụ động” bền vững là tạo dựng nhiều không gian xanh, bóng râm, các vùng nước và hệ thống thông gió thông minh.

“Singapore, với kinh nghiệm sống trong nhiệt độ và độ ẩm cao, phải làm gương cho các quốc gia khác trong việc xác định, thúc đẩy và nhân rộng các giải pháp làm mát bền vững”, bà Khosla nói thêm.

Nghịch lý ở quốc gia Đông Nam Á không thể sống thiếu điều hòa - 5

Du khách chụp ảnh tại vịnh Marina, Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Và chính quốc gia từng tuyên bố điều hòa không khí là một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20, cũng đang đi đầu trong nỗ lực điều chỉnh các biện pháp làm phát phù hợp trong thế kỷ 21.

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã cấm cung cấp chất làm mát có chỉ số GWP cao - có nguy cơ khiến Trái Đất nóng lên - kể từ tháng 10/2022, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình sử dụng quạt điện thay vì điều hòa nếu có thể. Cơ quan chính phủ cũng khuyến nghị người dân cài hẹn giờ và đặt nhiệt độ từ 25 độ C trở lên khi sử dụng điều hòa.

Cân nhắc tới những lo ngại về môi trường, Đại học Quốc gia Singapore đã xây dựng tòa nhà sử dụng năng lượng ròng bằng 0 đầu tiên của đất nước trong khuôn viên Khoa Thiết kế và Môi trường.

Hệu phó Heng Chye Kiang bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng công trình này sẽ truyền cảm hứng cho các tòa nhà khác và các nhà thiết kế làm điều tương tự để giảm năng lượng sử dụng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

(Nguồn: Báo Tin tức/CNN)
Bình luận
vtcnews.vn