Nghị lực phi thường của chàng “kình ngư” tật nguyền

Thời sựChủ Nhật, 14/03/2010 06:23:00 +07:00

Để trở thành "kình ngư", Phúc không nhớ đã bao lần đối mặt với cái chết. "Người bình thường học bơi đã khó, huống chi em chân teo tóp, thể trạng yếu ớt...

Để trở thành "kình ngư", Phúc không nhớ đã bao lần đối mặt với cái chết. "Người bình thường học bơi đã khó, huống chi em chân teo tóp, thể trạng yếu ớt, chỉ một cơn gió thoảng qua cũng khiến toàn thân run bần bật". Bao nhiêu lần lên cơn sốt thập tử nhất sinh vì nhiễm lạnh, trúng gió, cảm nắng… Phúc cũng không nhớ rõ. "Chỉ biết cứ sau mỗi lần gục ngã là em lại lao vào biển, riết rồi quen".

6h sáng, khi ở phía trời biển gặp nhau rực đỏ cũng là lúc hàng chục ngư dân thôn Pô Kiều trầm mình xuống làn nước lạnh ngắt hụp lặn kiếm miếng cơm manh áo. Trong số họ có một người rất đặc biệt. Tuy đôi chân teo tóp nhưng anh được dân chài lưới gọi bằng biệt danh "kình ngư" bởi tài hụp lặn siêu đẳng. Đó là Phan Thanh Phúc, chàng trai khuyết tật thể xác nhưng không khuyết tật về ý chí và nghị lực sống.

Pô Kiều là thôn nghèo khó của xã biển Tân Thắng, thuộc địa phận huyện Hàm Tân, tình Bình Thuận. Để đến được bãi bờ Tân Thắng nơi Phúc đang hụp lặn, chúng tôi phải đi qua đoạn đường đất đỏ dài hơn 3km, có đoạn đất lún như muốn níu chặt chân người.

Khâm phục ý chí của Phúc - nhiều bạn lặn đã giúp Phúc vượt qua những đoạn ghềnh đá chông. 

Lúc này mặt trời đã lên cao. Phía xa xa đã thấy dáng Phúc với đôi chân teo tóp và đôi cánh tay to lớn dị thường. Lúc này "kình ngư" đang chống tứ chi trên một mỏm đá. Mắt hướng ra phía biển, nơi có những con sóng dữ hầm hồ đổ bộ vào bờ như muốn ăn tươi nuốt sống đám người nhỏ nhoi đang hụp lặn, Phúc bất ngờ lao mình xuống vùng xoáy đang được hình thành sau tiếng kêu thất thanh của một phụ nữ bị dòng chảy hung tợn nhấn chìm.

Sau hơn 5 phút giữ cho chị nọ không bị “hà bá” kéo chân, được sự giúp sức của cánh thợ lặn, Phúc đưa được người bị nạn vào bờ. "May mà nhờ "kình ngư" ở gần ứng cứu kịp thời chứ không bà xã tui tiêu rồi. Vùng này nhiều người nợ mạng thằng Phúc lắm" - anh Minh, chồng của người phụ nữ kia, bộc bạch.

Giữa trưa nắng gắt, dưới bóng râm của rặng phi lao nhoài về phía biển, Phúc nói chuyện đời mình bằng vài dòng ngắn gọn: "Em sinh ra không thấy mặt cha. Còn lại một mình mẹ tần tảo nuôi 5 đứa con nhỏ dại. Em là con út trong gia đình, mới sinh ra đã bị tật nguyền, cả nhà ai cũng thương, muốn vun đắp đủ thứ nhưng khổ quá nên đành lực bất tòng tâm. Nhà không đất, không ruộng lại không vốn liếng nên các anh chị trong gia đình phải dạt tản khắp cùng trời cuối đất mưu sinh.

Còn lại hai má con, thương em tật nguyền nên má cáng đáng đủ việc. Rồi má nay đau mai yếu, các anh chị đều khốn khó chẳng giúp được gì. Không lẽ cứ sống bằng sự thương hại của người khác mãi, vậy là em quyết định mưu sinh. Lúc em nói với mấy anh cho theo học lặn biển, ai cũng cười, bảo "mày đi chưa nên thân sao hụp lặn được?". Giận quá, em bò một mạch hơn 3 cây số, ra tới biển thì tay chân rớm máu, sưng vù. Thấy em quyết tâm nên mọi người giúp sức".

Để trở thành "kình ngư", Phúc không nhớ đã bao lần đối mặt với cái chết. "Người bình thường học bơi đã khó, huống chi em chân teo tóp, thể trạng yếu ớt, chỉ một cơn gió thoảng qua cũng khiến toàn thân run bần bật". Bao nhiêu lần lên cơn sốt thập tử nhất sinh vì nhiễm lạnh, trúng gió, cảm nắng… Phúc cũng không nhớ rõ. "Chỉ biết cứ sau mỗi lần gục ngã là em lại lao vào biển, riết rồi quen".

Mấy hôm nay biển động, nước đục ngầu nên Phúc và đám anh em thợ lặn đành phải trở về với cái bụng đói meo. Phúc cho biết hôm nào may lắm tóm được 4-5 con tôm hùm giống, bán được khoảng 200.000 đồng. Phúc khát khao được lên bờ học một cái nghề gì đó như sửa xe máy, gò hàn… để được ổn định cuộc sống và anh đang nỗ lực tích góp để thực hiện ước mơ.

Cuộc sống không có con đường cùng. Chỉ có những ranh giới mà ta phải vượt qua. Phúc đã dũng cảm bước trên đường đời bằng đôi chân tật nguyền và hơn lúc nào hết, chàng trai khuyết tật giàu ý chí này rất cần được tấm lòng của bạn đọc gần xa nâng bước

Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn