NATO loay hoay tìm giải pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine

Tư liệuThứ Bảy, 24/06/2023 09:30:00 +07:00
(VTC News) -

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, Ukraine đang đi tìm "ô bảo trợ" khi liên tục kêu gọi NATO sớm kết nạp, đưa ra đảm bảo an ninh cho Kiev.

Ukraine nhiều lần bày tỏ mong muốn trở thành thành viên NATO. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine tháng 2 năm ngoái thì nhu cầu của Kiev trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, NATO dường như đang do dự, hay nói đúng hơn là đang lo ngại việc đưa ra những đảm bảo an ninh cho Kiev chẳng khác nào tuyên chiến với Nga.

Ukraine liên tục tìm kiếm sự giúp đỡ

Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), thậm chí Kiev đã đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào hiến pháp năm 2019, bất chấp những cảnh báo của Nga rằng khả năng liên minh triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.

Tổng thống Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 30/9/2022 ký đơn xin gia nhập NATO, đề nghị liên minh nhanh chóng kết nạp Ukraine, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.

NATO loay hoay tìm giải pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. 

Ukraine cho rằng chính sách phòng thủ tập thể của NATO, cung cấp đảm bảo an ninh cho các thành viên là điều cần thiết cho an ninh của họ. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định, cuộc tấn công vũ trang chống lại một thành viên NATO “sẽ được coi là cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên".

Tuy nhiên, Ukraine đang vấp phải nhiều rào cản trên con đường gia nhập NATO. Một trong những chướng ngại vật lớn nhất là Kế hoạch Hành động Thành viên, trong đó yêu cầu quốc gia ứng viên phải cải tổ toàn diện về quân sự và nền dân chủ trước khi NATO xem xét đơn xin gia nhập của Kiev. 

Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi mang tính khẩn cầu để NATO thúc đẩy quá trình kết nạp. Mới đây, ông cảnh báo rằng thất bại của nước này trong xung đột với Nga sẽ buộc Mỹ lựa chọn giữa "sự sụp đổ của NATO và tham chiến chống lại Nga".

Ông Zelensky cũng ra điều kiện dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng sau. Tờ Financial Times đưa tin, ông Zelensky sẽ bỏ qua cuộc họp của NATO tại Litva vào tháng 7 trừ khi liên minh cung cấp cho Kiev những đảm bảo an ninh và lộ trình gia nhập.

Ukraine dường như cũng thừa nhận sẽ không gia nhập NATO khi đang xảy ra xung đột trên lãnh thổ nước này, nhưng muốn liên minh quân sự có hành động vượt ra ngoài cam kết đưa ra hồi năm 2008 rằng sẽ kết nạp Kiev vào một thời điểm nào đó.

Một mặt hối thúc NATO đẩy nhanh quy trình kết nạp, mặt khác Kiev cũng tính phương án hậu xung đột. Theo đó, tháng 9 năm ngoái, Ukraine vạch ra tầm nhìn đối với các bên đảm bảo an ninh cho nước này sau cuộc xung đột với Nga. 

Ukraine đề xuất, một số quốc gia sẽ hành động như những bên đảm bảo bằng cách can thiệp quân sự nếu quốc gia này "bị tấn công" trong tương lai. Kiev cũng kêu gọi phương Tây tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt Nga cho tới khi Moskva chi trả chi phí tái thiết Ukraine.

Ngoài ra, Kiev còn đề nghị các nước phương Tây quân sự hóa Ukraine trên quy mô lớn. Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine hàng chục tỷ USD hỗ trợ vũ khí kể từ khi xung đột nổ ra. 

Trưởng phái đoàn đại diện của Ukraine tại NATO Nataliia Galibarenko, cho rằng "hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ không mang ý nghĩa lịch sử nếu không đưa ra được quyết định về tương lai của Ukraine trong liên minh".

Bà nói Ukraine hiểu rằng việc kết nạp một quốc gia đang trong tình trạng xung đột là bài toán khó cho NATO. Dù vậy, Kiev tin tưởng đây là thời điểm phù hợp để NATO xác định rõ con đường vào liên minh, thay vì lặp lại tuyên bố quen thuộc về chính sách mở cửa với thành viên mới.

NATO chia rẽ

Trước nguyện vọng của Ukraine và sự hối thúc từ một số thành viên, NATO nhiều lần cam kết xem xét, tính đến việc kết nạp Kiev. Tuy nhiên, dù đưa ra những hứa hẹn về tư cách thành viên cho Ukraine, song dường như Mỹ và các đồng minh NATO vẫn chưa đưa ra được giải pháp tối ưu cho trường hợp của Kiev.

Khả năng NATO sớm thu nạp Ukraine sẽ khó xảy ra. Mỹ và NATO đã lên tiếng bác việc đẩy nhanh quy trình kết nạp Kiev. Hôm 17/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ không “đơn giản hóa" tiến trình gia nhập NATO cho Ukraine. Ông Biden nói Ukraine phải đáp ứng tiêu chuẩn của NATO trước khi được kết nạp và Mỹ sẽ không đơn giản hóa quá trình này.

NATO loay hoay tìm giải pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine - 2

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. 

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh Washington "đã làm rất nhiều" để bảo đảm Kiev cải thiện năng lực quân sự. Ông chủ Nhà Trắng bày tỏ tin tưởng Ukraine có thể gia nhập NATO trong tương lai, nhưng không đề cập tới thời gian. 

Trong khi đó, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết, NATO sẽ không thảo luận việc mời Ukraine gia nhập chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Ông Stoltenberg nói rằng, các lãnh đạo NATO sẽ thảo luận cách "siết chặt quan hệ chính trị với Ukraine" tại hội nghị lần này, theo đó có thể mang lại cho Ukraine vị thế bình đẳng hơn trong tiến trình “tham vấn và quyết định về các vấn đề an ninh".

Tổng Thư ký Stoltenberg cũng phản đối khả năng đóng băng xung đột Nga - Ukraine để đổi lấy việc chấm dứt giao tranh. "Tất cả chúng ta đều muốn xung đột kết thúc, nhưng một nền hòa bình công bằng không đồng nghĩa với việc đóng băng xung đột và chấp nhận thỏa thuận do Nga đưa ra", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao NATO cho biết, Mỹ - nước dẫn dắt liên minh - không muốn đi xa hơn lời hứa năm 2008 rằng Ukraine một ngày nào đó sẽ gia nhập NATO. Việc trở thành thành viên NATO đồng nghĩa Ukraine sẽ được bảo vệ theo chính sách  phòng vệ tập thể của liên minh.

Một lựa chọn khác được cân nhắc là các cường quốc đưa ra đảm bảo an ninh song phương cho Ukraine trong những năm trước khi nước này trở thành thành viên chính thức của NATO.

Phương án thực tế hơn là nỗ lực của Tổng thư ký Stoltenberg nhằm trang bị, huấn luyện cho quân đội Ukraine đáp ứng các tiêu chuẩn phương Tây, với trị giá 530 triệu USD mỗi năm và sẽ kéo dài trong 10 năm. Số tiền này nằm ngoài hàng chục tỷ USD mà các đồng minh đã hỗ trợ để giúp Ukraine chiến đấu với Nga.

Bài toán hoạch định lộ trình kết nạp Ukraine vào NATO với câu hỏi khi nào Kiev có thể bước vào liên minh và các bên có thể làm những gì trong thời gian chờ đợi đang gây ra bất đồng, chia rẽ giữa các thành viên trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Trong khi lãnh đạo các nước NATO nhất trí hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để khởi động tiến trình kết nạp Ukraine, nhóm các thành viên Đông Âu muốn liên minh đưa ra cam kết thực chất và vạch ra lộ trình gia nhập cụ thể cho Kiev.

Tờ Washington Pos dẫn lời quan chức các nước NATO cho hay, hầu như toàn bộ 31 thành viên liên minh đều nhất trí loại phương án chính thức mời Ukraine gia nhập trong hội nghị thượng đỉnh của khối ở thủ đô Vilnius của Litva ngày 11-12/7.

Tuy nhiên, mâu thuẫn nảy sinh khi nhóm Đông Âu yêu cầu NATO tại hội nghị thượng đỉnh ít nhất phải đưa ra cam kết về lộ trình gia nhập cho Ukraine với những mốc thời gian cụ thể. Trong khi đó, Mỹ và các thành viên Tây Âu muốn những bước đi khiêm tốn hơn, thậm chí mang tính thủ tục, như nâng cấp cơ quan hợp tác NATO - Ukraine hay mở rộng hỗ trợ kỹ thuật của NATO cho Ukraine trong lĩnh vực quốc phòng.

Các quốc gia ủng hộ sớm kết nạp Ukraine vào NATO cho rằng, quyết định này không nên phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của xung đột Nga - Ukraine, bởi điều này đồng nghĩa với việc cho Nga thời gian để toan tính, kéo dài chiến sự để ngăn viễn cảnh Kiev gia nhập liên minh quân sự.

Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky cũng đề xuất vạch ra con đường gia nhập phù hợp cho Ukraine. Giới chức các nước vùng Baltic thậm chí còn cho rằng NATO nên gửi lời mời gia nhập chính thức cho Ukraine ngay trong tháng 7. Phương án còn lại được nhóm Baltic đề xuất là khởi động một tiến trình nội bộ, nhằm xác định khung thời gian và điều kiện gia nhập rõ ràng cho Ukraine.

Tuuuli Duneton, quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Estonia, nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva cần gửi đến Ukraine thông điệp cụ thể. "Sau những gì mà nước này hứng chịu trong cuộc xung đột, Kiev xứng đáng có một vị trí trong NATO", ông nói.

Tuy nhiên, Mỹ cùng nhóm thành viên Tây Âu giờ đây không mấy hào hứng với phương án mở đường cho Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO. Chính quyền Mỹ cho rằng NATO vào thời điểm này cần ưu tiên viện trợ cho Ukraine chiếm ưu thế trên chiến trường và tập trung cho đợt phản công quy mô lớn.

Một số nước NATO lo ngại quyết định kết nạp Ukraine khi xung đột chưa kết thúc sẽ đẩy liên minh quân sự này vào tình cảnh đối đầu trực tiếp với Nga. 

Giới chức NATO cho rằng, có lẽ, mục tiêu từ nay đến thượng đỉnh Vilnius là thúc đẩy thỏa thuận thể hiện đoàn kết và hỗ trợ cụ thể cho Ukraine, đồng thời duy trì chính sách mở cửa với thành viên mới và cho thấy nguyện vọng gia nhập của Ukraine có tiến triển. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định NATO ủng hộ nguyện vọng gia nhập của Ukraine, song chưa nêu ra thời điểm, cũng như phương thức.

Trong chuyến thăm Kiev hồi tháng 4, ông Stoltenberg lặp lại lời kêu gọi các thành viên liên minh tập trung vào hỗ trợ Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga trên chiến trường. "Nếu Ukraine không giữ được chủ quyền và độc lập, mọi cuộc thảo luận về tư cách thành viên của Kiev đều vô nghĩa", ông nói.

Kể từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2/2022 đến nay, NATO vẫn chưa có động thái hỗ trợ nào cho Ukraine với danh nghĩa toàn thể liên minh, thay vào đó là từng nước hoặc nhóm nước thành viên đưa ra những gói viện trợ riêng lẻ.

Trưởng phái đoàn đại diện của Ukraine tại NATO Nataliia Galibarenko cảnh báo "nếu không có Ukraine, bảo vệ sườn đông NATO sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi". Theo vị này, giống như tác động của Phần Lan và Thụy Điển đối với sườn bắc của NATO khi hai nước này gia nhập liên minh, Kiev cũng sẽ giúp NATO đảm bảo an ninh ở Đông Âu và biển Đen.

NATO loay hoay tìm giải pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine - 3

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài, chưa có hồi kết.

Cảnh báo từ Nga

Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố, ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi đà hướng đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Nga, buộc nước này phải phát động chiến dịch ở Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cuối tháng 5 nhắc lại các điều kiện chấm dứt xung đột, một trong số đó là Ukraine "phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết" "từ chối gia nhập NATO, EU". 

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng chỉ trích mạnh mẽ đề xuất đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột mà Kiev đề ra, đồng thời cảnh báo việc thực hiện những cam kết đó có thể dẫn đến "sự khởi đầu của Thế chiến III". 

Ông Medvedev cho biết đề xuất này về cơ bản tương tự như việc mở rộng sự bảo vệ quân sự của NATO cho Ukraine. Ông cảnh báo nếu các thành viên NATO không dừng việc cung cấp vũ khí cho Kiev, xung đột hiện nay có thể phát triển sang một cấp độ khác, trở nên khó đoán định hơn và sẽ liên quan đến nhiều quốc gia hơn.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga thừa nhận, tất cả các quốc gia liên quan, trong đó có Nga, cũng sẽ đối mặt với rắc rối.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn