NASA chuẩn bị Sứ mệnh thăm dò Mặt trăng Europa của sao Mộc

Khám pháThứ Năm, 22/02/2024 06:28:48 +07:00
(VTC News) -

Chỉ còn chưa đầy 9 tháng đếm ngược, Chương trình sứ mệnh Europa Clipper của NASA sẽ vượt qua một cột mốc quan trọng mới.

Europa, mặt trăng vệ tinh lớn thứ tư của sao Mộc. Thiên thể này được coi là quyến rũ và độc đáo trong số các mặt trăng vệ tinh của Mộc tinh, do có thể có đại dương nước mặn rộng lớn nằm bên dưới bề mặt băng giá của nó. 

Thậm chí, các quan sát khoa học cho thấy, đại dương của Europa có thể chứa lượng nước nhiều hơn gấp đôi so với các đại dương trên Trái đất. Vì những đặc điểm thú vị này, nó đã được cộng đồng khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng trong suốt nhiều thập kỷ qua. Giờ đây, cũng không ngoại lệ, sứ mệnh Europa Clipper của NASA tiếp theo cũng nhắm tới mặt trăng này để khám phá tiềm năng nuôi dưỡng sự sống của chính nó. 

Europa, mặt trăng vệ tinh lớn thứ tư của Sao Mộc, đã được cộng đồng khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng trong suốt nhiều thập kỷ qua. (Ảnh: Blaine Wainwright)

Europa, mặt trăng vệ tinh lớn thứ tư của Sao Mộc, đã được cộng đồng khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng trong suốt nhiều thập kỷ qua. (Ảnh: Blaine Wainwright)

Chương trình Sứ mệnh thăm dò tên là Europa Clipper của NASA dự kiến ​​khởi động vào tháng 10 năm nay, nhằm mục đích nghiên cứu trên bề mặt và dưới bề mặt của mặt trăng Europa, để xác định xem nó có các điều kiện phù hợp cho sự sống không, Europa có thực sự chứa một đại dương bên dưới lớp băng hay không, đại dương đó sâu đến mức nào, liệu thành phần hóa học của đại dương đó có thân thiện với vi khuẩn hay các dạng sống khác hay không?

Được thiết lập để phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida vào tháng 10, tàu vũ trụ Europa Clipper sẽ hướng tới mặt trăng Europa. Thực tế, tàu Europa Clipper sẽ không hạ cánh trên đó. Nói đúng hơn, sau khi đến hệ thống sao Mộc vào năm 2030, tàu vũ trụ sẽ quay quanh sao Mộc trong 4 năm, thực hiện 49 chuyến bay ngang qua mặt trăng Europa, và sử dụng các công cụ khoa học mạnh mẽ để nghiên cứu tiềm năng ở được của thiên thể này.

Các công cụ khoa học này bao gồm Hệ thống hình ảnh Europa (EIS), Hệ thống hình ảnh phát xạ nhiệt Europa (E-THEMIS), Máy quang phổ tia cực tím Europa (Europa-UVS), Máy quang phổ hình ảnh bản đồ Europa (MISE), Máy Từ kế Europa Clipper (ECM), Thiết bị đo âm thanh từ trường bằng plasma (PIMS), Radar đánh giá và đo âm thanh Europa, Máy quang phổ MAss để thăm dò hành tinh/Europa (MASPEX), Máy phân tích bụi bề mặt (SUDA),...

Bob Pappalardo, một nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, cho biết: “Các công cụ khoa học này sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để trả lời những câu hỏi cấp bách nhất về Europa. Chúng tôi nghĩ rằng có một đại dương ở đó, nó có ở khắp mọi nơi trên Europa. Về cơ bản mọi nơi trên Trái đất có nước đều có sự sống. Vậy liệu có sự sống nào đang tồn tại trên Europa không?". 

Cũng theo Bob Pappalardo, bất chấp những thách thức, lợi ích tiềm năng của việc khám phá sự sống trên Europa là rất lớn. Việc tìm ra các dạng sống của vi sinh vật sẽ cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ, và vị trí của hành tinh chúng ta trong Hệ Mặt trời, mở ra những con đường mới cho việc thám hiểm, khám phá không gian trong vũ trụ bao la.

HUỲNH DŨNG(Nguồn: Interestingengineering/Scitechdaily)
Bình luận
vtcnews.vn