Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa đại dương

Đời sốngThứ Sáu, 10/12/2021 19:45:00 +07:00
(VTC News) -

Ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương là một vấn đề cấp bách hiện nay, theo đó, tại Việt Nam có hơn 900 loại sinh vật biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác nhựa.

Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km và vùng lãnh hải dài hơn 12 hải lý, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm đa dạng sinh học của các vùng biển nhiệt đới, sở hữu nguồn thủy sản phong phú, và các hệ sinh thái biển đa dạng; cũng như rừng ngập mặn, rạn sạn hô và thảm cỏ biển.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái tài nguyên và ô nhiễm đại dương nghiêm trọng đã và đang diễn ra, mặc dù Việt Nam mới chỉ khai thác một phần tiềm năng kinh tế biển. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm đại dương là ô nhiễm rác thải nhựa.

Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa đại dương - 1

Toàn cảnh hội nghị.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam đã thải trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ trong năm 2018. Nhựa chiếm đến 64% tỉ lệ vật liệu dùng dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.

Đặc biệt, trong khi đó chỉ có khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom, tái chế; còn lại đang được chuyển vào các bãi rác lộ thiên và thải trực tiếp ra môi trường...

Ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, việc bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên phải thông qua kiểm soát, nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên, đặc biệt là đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học.

Ngoài ra, cần phải nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực, thông qua thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm ngay từ đầu của quá trình sản xuất.

Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa đại dương - 2

Ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi.

Cũng theo ông Thi, mục tiêu của EPR là tác động làm thay đổi thói quen của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong sử dụng nguyên liệu và thiết kế sản phẩm để có thể giảm dần và tối ưu hóa chi phí thu gom cũng như tái chế sản phẩm, bao bì sau sử dụng.

Như vậy, nhà sản xuất phải sản xuất hàng hóa, bao bì và sử dụng bao bì sao cho giảm thiểu việc tạo ra chất thải, bảo đảm việc dễ dàng trong thu gom và xử lý hoặc thay thế.

Theo đó, việc xây dựng dự thảo các quy định về EPR đã được Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ rất sớm với sự tham gia tích cực của các nhà sản xuất, nhập khẩu và nhà tái chế cùng có sự đồng hành của các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế. Do vậy, dự thảo Nghị định đã đạt được sự đồng thuận tương đối cao từ phía nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.

Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa đại dương - 3

Bà Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường.

Tại buổi tập huấn, bà Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã chia sẻ về công tác báo chí, truyền thông trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn thể hiện động viên, khuyến khích sự sáng tạo, đóng góp của doanh nghiệp đối với việc giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo đó, thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về các nội dung này, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí nắm bắt được kiến thức cơ bản nhất về vấn đề, nắm thêm các thông tin về thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam và thế giới, tác động của rác thải nhựa với môi trường – động vật – con người trong từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, họ chia sẻ, nắm bắt các kỹ năng nghiệp vụ như kiểm chứng thông tin, cách thức đưa tin, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả truyền thông trong quản lý rác thải nhựa.

Trong công tác truyền thông, yếu tố quan trọng nhất là thông tin. Để truyền thông đạt hiệu quả cao, thông tin phải đảm bảo tính cập nhật, chính xác và hấp dẫn. Thông tin được khai thác từ các hội nghị, hội thảo chuyên ngành về quản lý sản xuất, sử dụng, xử lý rác thải nhựa và từ thực tế trải nghiệm của các phóng viên, biên tập viên.

Đặc biệt, báo chí cần tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi sai phạm, đảm bảo sự kịp thời, khách quan, trung thực; nêu những cái xấu, tiêu cực, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức, tầm nhìn trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên; đặc biệt nâng cao, lan toả những hình ảnh đẹp về việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Văn Giang
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp