Năm 2030 F-22 sẽ “nhường ngôi” cho máy bay thế hệ 6?

Khám pháThứ Tư, 10/11/2010 06:05:00 +07:00

(VTC News) – Mỹ dự kiến, năm 2030 sẽ là thời khắc chuyển giao giữa máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 (F-22) và dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6.

(VTC News) – Mỹ dự kiến, năm 2030 sẽ là thời khắc chuyển giao giữa máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 và dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 mà nước này đang phát triển.

 

Mặc dù hiện nay trên thế giới mới chỉ có duy nhất Mỹ đang sở hữu và trang bị máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 (F-35, F-22) song không thỏa mãn với thành quả đạt được của mình, Mỹ vẫn đang tích cực đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 để đến năm 2030 có thể thế chỗ “ngôi vị” của tiêm kích thế hệ 5 hiện nay.

 

Các dự án liên quan đến dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ được bảo mật rất nghiêm ngặt. Chỉ biết rằng, hiện Tập đoàn Boeing của Mỹ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm  loại máy bay chiến đấu tương lai – máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 trong khuôn khổ chương trình F/A-XX của Hải quân Mỹ.

 

Theo dự kiến ban đầu, dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 F/A-XX hai động cơ, hai chỗ ngồi và thiết kế theo cơ cấu truyền thống sẽ được sử dụng để thay thế cho dòng máy bay F/A 18E và P Super Hornet sau năm 2025.

 

Năm 2030 sẽ là năm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ "lên ngôi". 

Để giảm khả năng nhận biết và phát hiện về sự hiện diện của nó trước các phương tiện radar hiện đại của đối phương, chỗ nối ghép giữa cánh và thân máy bay sẽ được ăn khớp với nhau đến mức tuyệt đối và gần như không phát hiện ra khe hở, đồng thời máy bay loại này cũng sẽ không thiết kế phần đuôi nằm ngang như thông thường (cơ chế không đuôi).

 

Hiện nay, quy chế chính thức giành cho chương trình F/A-XX vẫn chưa được thông qua bởi vì Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ vẫn chưa chỉ rõ những yêu cầu và đòi hỏi cuối cùng đối với dòng máy bay tiêm kích hiện đại này.

 

Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 trong tương lai cần phải có cả khả năng tấn công lẫn phòng thủ để bảo đảm an toàn, hiệu quả cho mỗi lần hoạt động.

 

Máy bay loại này phải có khả năng thực hiện đồng thời nhiều chức năng khác nhau như: chức năng phòng không, phòng thủ tên lửa, chức năng hỗ trợ (yểm trợ) trực tiếp từ trên không, chức năng đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu trên không cũng như chức năng do thám, trinh sát và chức năng tác chiến điện tử trên không,…

 

Để đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi này, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ cần phải được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến trên khoang, hệ thống phòng không phức hợp, thiết bị radar quan sát hiện đại có khả năng phát hiện mục tiêu ở cơ chế làm việc thụ động của các thiết bị cảm biến, tổ hợp hệ thống tự phòng, vũ khí năng lượng có định hướng và khả năng “siêu tấn công”, đồng thời máy bay phải có khả năng tác chiến được ngay cả trong điều kiện có sự hoạt động mạnh của các phương tiện phòng không đối phương…

 

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Topwar)

 

 

Bình luận
vtcnews.vn