Năm 2011 sẽ bùng nổ dịch vụ giải trí số

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 03/02/2011 10:01:00 +07:00

Dịch vụ nội dung số, dịch vụ CNTT sẽ là hướng phát triển nhanh nhất và mạnh nhất.

Thị trường di động "núi sông bờ cõi đã chia", 3G sẽ tăng mạnh, thương mại điện tử sẽ xuất hiện những đại gia nước ngoài... là những dự báo của các doanh nhân về bức tranh CNTT-TT Việt Nam năm 2011. 

Nhân dịp năm mới, doanh nhân cùng chia sẻ ngắn về bức tranh CNTT-TT Việt Nam trong năm 2011

Thị trường di động: “Núi sông bờ cõi đã chia”

Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thông tin di động VMS - MobiFone

 
Theo tôi, vị thế của các mạng di động tại Việt Nam đã được xác định nên năm 2011 vẫn mang tính chất duy trì. Hiện các mạng đã ổn định về thương hiệu, tổ chức, ổn định về lượng khách hàng. Giá cước cũng đã tiệm cận với giá thành nên đòi hỏi các mạng, các công ty phải quản trị rất tốt và bắt đầu phải quan tâm đến tính hiệu quả. Sẽ có những mạng rất khó khăn vì thị trường di động Việt Nam là thị trường cạnh tranh rất mạnh. Trong cạnh tranh thì giá thành, quản trị tốt chi phí đóng vai trò rất lớn đến hiệu quả kinh doanh cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp. Trước tình hình như thế các mạng phải nâng cao chất lượng quản trị, quan tâm đến hiệu quả. Những mạng nào tốt duy trì được tiếp tục vươn lên phát triển và đi tìm những ngách mới của thị trường.

Năm 2011 sẽ còn một số mạng di động tiếp tục gặp khó khăn nhưng họ vẫn tồn tại vì hy vọng có những giải pháp, hỗ trợ của công ty mẹ. Một mạng di động muốn đứng lâu dài phải đứng bằng chính chân của mình,   sống bằng sự cung ứng của công ty mẹ thì chỉ trong ngắn hạn nếu không vượt qua được thì sẽ nguy hiểm.

Theo kinh nghiệm quản trị dự án, người ta cho phép 3 năm hoặc 4 năm là tối đa, nên đến 2012 và 2013 sẽ có rất nhiều dự án đến thời điểm cần phải xem xét lại. Năm 2011 sẽ chưa xảy ra việc phá sản hay sáp nhập mà phải tới đầu 2012 và 2013 sẽ là thời khắc nói đến câu chuyện này.

Cuộc chiến giảm cước liệu có tiếp diễn trong năm 2011? Tôi cho rằng cước di động đã tiệm cận giá thành. Doanh nghiệp phải tính toán làm sao để thu hồi vốn và có hiệu quả. Nếu cứ tiếp tục lao vào cuộc chiến giá mà không quan tâm đến hiệu quả, chất lượng thì cũng là một vấn đề đáng lo. Vì vậy, năm 2011 sẽ khó giảm cước sâu nữa. Đối với mạng di động ảo, loại hình này ra đời đúng vào lúc khó khăn của thị trường. Trong khi đó, nền tảng pháp lý, văn hoá, phong cách làm việc ở Việt Nam chưa quen với cách hợp tác đó. Tôi nghĩ cần phải một thời gian nữa chứ năm 2011 sẽ chưa có sự kiện gì lớn.

Sẽ bùng nổ các dịch vụ giải trí

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông không dây VTC

 
Trong năm 2011, lĩnh vực giải trí trên Internet sẽ phục hồi ở một mức độ nhất định và sẽ đi vào quy củ hơn.

Nếu trong năm 2010, 98 – 99% nội dung là nhập ngoại thì trong năm 2011 sẽ xuất hiện xu thế bùng nổ của các dịch vụ giải trí có nguồn gốc từ trong nước. Mảng thông tin phục vụ cho dân sinh sẽ được phát triển.

Tương tự như thế, năm 2011 sẽ là năm mà các công ty làm về thương mại điện tử triển khai trên quy mô lớn. Theo tôi đánh giá, năm 2011 sẽ là năm đầu tư. Trong năm 2011, 3 ngành phần cứng, phần mềm và nội dung số thì khả năng vẫn như 5 năm vừa rồi.

Câu chuyện dịch vụ nội dung số, dịch vụ CNTT sẽ là hướng phát triển nhanh nhất và mạnh nhất.

Thương mại điện tử sẽ xuất hiện những gã khổng lồ

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật Giá (vatgia.com)

 
Năm 2010, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong nước đã phát triển mạnh mẽ, tất cả các website đều tăng ấn tượng, ngược lại với xu thế của các trang thông tin trực tuyến. Một số báo đã giảm lượng truy cập do bão hoà thông tin. Chính phủ đã có nhiều quan tâm hơn tới các doanh nghiệp TMĐT, thông qua các diễn đàn, hội thảo, để xúc tiến phổ cập TMĐT đến người dân. Thanh toán trực tuyến đã có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh, tuy nhiên chưa có những bước chuyển biến mạnh, người tiêu dùng vẫn còn dè dặt, chưa làm quen với hình thức này.

Trong năm qua, nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm và doanh nghiệp như Nguyễn Kim, Trần Anh... đã giảm giá cho khách mua đặt hàng và thanh toán online. Đây là xu thế tất yếu. Vì các công ty lớn như Nguyễn Kim, Trần Anh đã bắt đầu nhận ra tiềm năng của thị trường online, họ muốn đầu tư để phân phối cho những khách hàng online, tuy nhiên để bán được hàng họ phải giảm giá sản phẩm cạnh tranh với các doanh nghiệp khác chỉ chuyên bán online. Xu hướng này ngày càng rõ nét và phân thị trường thành 2 cực. Bán online giá rẻ cho những người biết dùng web, thích mua sắm online không cần quá nhiều dịch vụ. Bán offline giá đắt cho những người không biết dùng web hoặc chưa có thói quen, ngại mua online, nhưng ở những nơi giao thông thuận tiện, hàng hoá đa dạng, dịch vụ tư vấn tốt.

Trong năm 2011, sự xuất hiện thêm một số các công ty TMĐT khổng lồ từ nước ngoài tại thị trường Việt Nam sẽ tạo ra sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam. Thị trường này sẽ xuất hiện những dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn vào các công ty TMĐT dẫn đầu tại Việt Nam để mở rộng quy mô và tốc độ phát triển. Ngoài mô hình sàn giao dịch, mô hình phân phối trực tiếp như Amazon có khả năng sẽ phát triển mạnh hơn. Thêm nữa, thị trường này sẽ xuất hiện nhiều ứng dụng về TMĐT trên mạng xã hội Facebook.

Năm 2011 sẽ tăng thuê bao 3G

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel

 
Tôi cho rằng năm 2011 sẽ nói nhiều đến việc tăng trưởng thuê bao 3G, gồm có điện thoại 3G, laptop 3G, PC 3G. 2G chỉ còn ở thị trường ngách và doanh thu thấp. Việt Nam đang có hạ tầng 3G lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và đây là cơ hội để Việt Nam bứt phá vượt lên trên các nước ASEAN vào năm 2015. Di động băng rộng sẽ làm cho đất nước nhanh trở thành xã hội thông tin, nhanh hơn đến nền kinh tế tri thức. Giá cước 3G của Việt Nam hiện đã rẻ, nhưng khả năng sắp tới Viettel sẽ giảm cước cuộc gọi 3G xuống thậm chí thấp hơn cả gọi mạng 2G để phổ cập dịch vụ này. Vấn đề khó nhất hiện nay là làm thế nào để người dân sở hữu điện thoại 3G khi giá thành vẫn cao và chúng ta phải sản xuất điện thoại 3G giá rẻ khoảng 80 USD.

Hiện khách hàng của Viettel vẫn còn khoảng 30 triệu người chưa có máy 3G. Đây là thị trường rất lớn, vậy tại sao ta không đặt vấn đề sản xuất 30 triệu cái máy đó? Cuối năm 2011, Viettel sẽ sản xuất điện thoại này. 

Đối với thị trường Việt Nam, câu chuyện sáp nhập hay không tương đối khó dự đoán vì có những doanh nghiệp chỉ kinh doanh viễn thông, họ bỏ tiền vào và lỗ liên tục thì họ phải thoát ra. Nếu như họ chưa đổ vào nhiều lắm, họ lỗ nhưng vẫn có nguồn khác thì họ vẫn tồn tại, như vậy, việc này còn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, việc có sáp nhập hay không có lẽ không ảnh hưởng đến ngành viễn thông này lắm. Năm 2011 vẫn có thể xảy ra câu chuyện giảm cước nhưng cước của mình cộng với khuyến mãi đã ở mức rất thấp. Nếu các mạng tiếp tục giảm cước thì sẽ phải khuyến mãi ít đi vì hiện tại giá cước đã tiến về mức sàn.

Năm 2011 không có cơ hội cho sản xuất phần cứng

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM

 
Năm 2011 Việt Nam có cơ hội để trở thành quốc gia đóng góp quan trọng vào cung cấp các dịch vụ CNTT khu vực. Chúng ta là nước có tiềm lực nguồn nhân lực, có vị thế trung tâm ở khu vực châu Á và Đông Nam Á… nên có lợi thế làm tốt việc cung cấp các dịch vụ CNTT.

Năm 2011, Việt Nam vẫn không có cơ hội sản xuất phần cứng vì chúng ta chỉ trở thành công xưởng cho các tập đoàn nước ngoài mà thôi. Chi phí đầu tư để phát triển sản phẩm phần cứng phải lớn và mất nhiều thời gian mới làm được, vì thế phần cứng chỉ là cơ hội cho những tập đoàn, những quốc gia đã có vị thế trên thị trường quốc tế rồi.

Chúng ta kéo Intel vào, kéo Samsung vào… nhưng thực chất chúng ta vẫn là công xưởng kể cả lắp ráp chứ không thể làm thay họ được. Thế nên, nhiều người lý luận rằng phần cứng tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra doanh số xuất khẩu rất cao… nhưng liệu phần cứng có làm giàu cho đất nước mình không? Chắc chắn là không. Toàn bộ công xưởng nước ngoài đều khai báo lỗ, công nhân làm trong các doanh nghiệp đó lương 100 đến 200USD vì vậy không thể làm giàu cho đất nước được.

Dịch vụ nội dung cho di động sẽ phát triển

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT

 
Tôi nghĩ rằng năm 2011, mảng dịch vụ trên di động sẽ phát triển mạnh và đây là thị trường rất lớn. Mảng dịch vụ này sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia và phục cho cho hàng chục triệu khách hàng. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp này còn nhỏ nên nhiều người chưa chú ý đến. Tuy nhiên, mảng dịch vụ nội dung sẽ là điểm nhấn năm 2011.

Riêng mảng phần cứng thì tôi cho rằng không phải là thế mạnh của Việt Nam nên chúng ta không thể làm theo quy mô lớn. Năm 2011, FPT vẫn theo đuổi mục tiêu cung cấp điện thoại phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi đặt mục tiêu làm sao để ông xe ôm đầu ngõ cũng có thể sử dụng được điện thoại FPT.

iPhone, ở Việt Nam chỉ có khoảng 15 nghìn chiếc trên tổng số 90 triệu người dân, vì giá của nó quá đắt. Tôi cho rằng, iPhone thắng được trên tàn cầu là nhờ ứng dụng trên Apple Store. Đây là một lỗ hổng mà chúng tôi nhìn thấy và có thể làm được. FPT có 2 điểm có thể cạnh tranh được với Nokia: 1 là thương hiệu ở Việt Nam; 2 là ứng dụng cho người Việt Nam.

Hãy rút kinh nghiệm từ “bài học” của VietnamNet.

Ông Vũ Quốc Thành – Tổng Thư ký Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA)

 
Cuối năm 2010, một sự kiện gây chấn động trong nước là tờ báo điện tử VietnamNet bị hacker đánh sập. Cho dù có nhiều quan điểm được đưa ra, nhưng nguyên nhân chủ yếu được đánh giá đó là do công nghệ bảo mật của tờ báo này đã quá lạc hậu, tồn tại nhiều lỗ hổng.

Năm 2010 hầu hết các đơn vị vẫn chưa đầu tư phù hợp cho bảo mật. Như với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì một khảo sát gần đây cho thấy họ chỉ dành dưới 1% doanh thu cho vấn đề an ninh thông tin. Và qua tìm hiểu của chúng tôi, thì bước sang năm 2011 tại Việt Nam chắc chắn vẫn có nhiều tờ báo, trang web có thể bị đánh sập bất cứ lúc nào do công nghệ bảo mật quá lạc hậu.

Bên cạnh đó, khảo sát với phạm vi toàn quốc của VNISA trong năm 2010 với đối tượng điều tra là các Sở TT&TT, trung tâm thông tin các Bộ, ngành cùng hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, thì một trong các nguyên nhân chủ yếu gây mất an toàn thông tin mà các đơn vị nhận định là họ đều thiếu sự hỗ trợ kịp thời, bám sát thực tế phát triển của lãnh đạo cấp cao. Từ câu chuyện của VietnamNet, một vấn đề được đặt ra là ý thức về an ninh thông tin của người lãnh đạo CNTT, lãnh đạo của các doanh nghiệp, tổ chức cần sớm được nâng cao. Hy vọng vấn đề đầu tư hợp lý cho ATTT, nhận thức của lãnh đạo các đơn vị, tổ chức về ATTT sẽ được cải thiện trong năm 2011.

Theo ICT News

Bình luận
vtcnews.vn