Mỹ và NATO phản ứng gay gắt khi S-400 nằm giữa lòng châu Âu

Quân sựThứ Năm, 29/06/2023 13:20:00 +07:00
(VTC News) -

Sự xuất hiện của hệ thống S-400 tại Serbia thực sự là mối đe dọa đối với NATO, khi phạm vi bao phủ của tên lửa phủ kín vùng Đông Nam Châu Âu.

Serbia bắt đầu hiện đại hóa hệ thống phòng không của mình vào cuối những năm 2010, bằng việc mua các máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga và Belarus. Tiếp sau đó là hệ thống Pantsir-S của Nga, các phương tiện chiến đấu phòng không tầm ngắn được chuyển giao cho Serbia vào năm 2020.

Các máy bay MiG của Serbia đã được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn MiG-29SE, cùng với số máy bay được Nam Tư mua từ Liên Xô vào những năm 1980 đã nâng tổng số máy bay MiG-29 của nước này lên 14 chiếc. 

Serbia cũng từng xem xét mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga, đỉnh điểm là việc Nga triển khai S-400 vào tháng 10/2019 cho cuộc tập trận trên lãnh thổ Serbia. S-400 hiện là hệ thống phòng không chủ lực của Nga và Belarus, với hơn 60 tiểu đoàn trong lực lượng không quân Nga được biên chế S-400. 

MiG-29 của Không quân Serbia.

MiG-29 của Không quân Serbia.

S-400 tại Serbia

Trong cuộc tập trận bắn đạn thật “Lá chắn Slav” năm 2019, những tổ hợp S-400 được triển khai tại căn cứ Batajnica bên ngoài thủ đô Belgrade của Serbia. Bộ Quốc phòng Serbia cho biết rằng các cuộc tập trận phòng không như vậy sẽ được tổ chức thường xuyên, với các cuộc tập trận tập trung vào việc tăng cường khả năng tương tác của các khí tài chiến tranh trên không của Nga và Serbia. 

Việc triển khai diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Belgrade vào tháng 1 năm đó. Trong cuộc tập trận, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã kiểm tra các hệ thống S-400 và bày tỏ ý định của nước ông về việc mua các hệ thống này nếu có nguồn tài trợ.

S-400 được coi là lựa chọn tối ưu cho nhu cầu phòng thủ của Serbia, do tên lửa có hiệu suất chiến đấu cao, khả năng cơ động linh hoạt và chi phí vận hành thấp. S-400 sử dụng nhiều radar hoạt động trong các dải sóng bổ sung để cung cấp mức độ nhận thức tình huống rất cao, bao gồm cả việc chống lại các mục tiêu tàng hình như F-22 và máy bay ném bom B-2. 

Hệ thống S-400 được trang bị nhiều loại tên lửa đất đối không có tầm bắn lớn như tên lửa 40N6 với tầm bắn 400 km, gấp đôi so với các khí tài phòng không tương đương của phương Tây. Do đó, các hệ thống này sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với nhu cầu phòng thủ của Serbia.

Ngân sách quốc phòng của Serbia chỉ khoảng 1,1 tỷ USD nên việc mua S-400 là khá khó khăn, bởi giá của mỗi hệ thống là khoảng 500 triệu USD, điều này sẽ tiêu tốn toàn bộ ngân sách mua sắm của quốc gia. Do đó, chính quyền Serbia đã thông báo vào cuối những năm 2010 là đang cân nhắc mua một trung đoàn S-400 theo một thỏa thuận tín dụng dài hạn với Nga. 

Hệ thống tên lửa và radar từ hệ thống S-400 của Nga ở Syria.

Hệ thống tên lửa và radar từ hệ thống S-400 của Nga ở Syria.

Serbia phải từ bỏ S-400

Vấn đề chi phí có thể được giải quyết, nhưng áp lực từ Liên minh châu Âu thúc đẩy ý định gia nhập khối của Belgrade và việc Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, đã ngăn cản Serbia mua S-400. 

Ngay sau khi Tổng thống Vucic tuyên bố ý định mua S-400, đại diện đặc biệt của Mỹ về Tây Balkan Matthew Palmer đã cảnh báo rằng phản ứng từ Washington sẽ là các biện pháp trừng phạt.

Từ năm 2017, Mỹ đã đe dọa trừng phạt tất cả các khách hàng mua phần cứng quân sự của Nga thông qua “Đạo luật chống lại kẻ Thù của Nước Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA). Ngay sau đó, Tổng thống Vucic đã tuyên bố vào ngày 6/11/2019 rằng chính phủ của ông không có ý định mua các hệ thống này.

Mục đích chính của CAATSA là hạn chế doanh thu của lĩnh vực quốc phòng Nga và mở rộng thị phần cho các nhà sản xuất quốc phòng phương Tây. Bên cạnh đó, vẫn có những lý do chiến lược quan trọng buộc Mỹ phải ngăn cản Serbia mua các thiết bị phòng không do Nga cung cấp.

Phạm vi phát hiện tối đa của trung đoàn S-400 được triển khai gần Belgrade.

Phạm vi phát hiện tối đa của trung đoàn S-400 được triển khai gần Belgrade.

Không giống như Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mua S-400, khả năng tương tác của Serbia với các lực lượng Nga là cao hơn nhiều, S-400 ở Serbia sẽ cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu và tăng cường nhận thức tình huống cho không quân Nga trên toàn khu vực Đông Nam Châu Âu.

Trong khi xác nhận rằng Serbia sẽ không mua S-400, Tổng thống Vucic đã giải thích chi tiết về lợi ích của hệ thống và ông gọi nó là “một vũ khí ấn tượng”: “Bạn biết đấy, khi bạn có vũ khí như vậy, sẽ không ai tấn công bạn. Cả Mỹ và bất kỳ phi công nào khác đều không bay ở những nơi S-400 đang hoạt động. Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng phòng không bằng các hệ thống Pantsir và những thứ khác không có trong danh sách trừng phạt”. 

Binh sĩ Serbia với hệ thống HQ-22 do Trung Quốc cung cấp

Binh sĩ Serbia với hệ thống HQ-22 do Trung Quốc cung cấp

Lựa chọn thay thế cho S-400

Serbia tiếp tục đối mặt với áp lực đáng kể từ phương Tây ngăn cản việc mua các thiết bị phòng không từ các quốc gia không thuộc NATO hoặc NATO liên kết. Nhưng cuối cùng bất chấp sự chỉ trích đáng kể của Mỹ và châu Âu, Serbia đã mua hệ thống HQ-22 từ Trung Quốc vào cuối năm 2020, chúng được vận tải hạng nặng Y-20 của Trung Quốc chuyển giao vào tháng 4/2022.

HQ-22 của Trung Quốc không thể so sánh với khả năng của S-400, HQ-22 chỉ là một hệ thống phòng không có tầm bắn ngắn hơn, chú trọng nhiều hơn vào tính cơ động, nhưng nó vẫn là một vũ khí mạnh mẽ với các thiết bị điện tử và cảm biến tinh vi không thua kém S-400. 

Mặc dù HQ-22 không mang lại cho không quân Serbia mức độ nhận thức tình huống chống lại máy bay tàng hình, tên lửa siêu thanh, hoặc khả năng giao chiến với máy bay bên ngoài không phận Serbia như S-400, nhưng hệ thống này vẫn là bổ sung quan trọng và có giá trị nhất cho hệ thống phòng không của nước này. 

Lê Hưng(Nguồn: Military Watch)
Bình luận
vtcnews.vn