Mỹ - Trung: Cuộc hôn nhân luôn có cãi vã

Thế giớiChủ Nhật, 28/11/2010 09:00:00 +07:00

(VTC News) - TQ xuất siêu sang Mỹ trong thời gian dài, Mỹ thì ngược lại, nhập siêu từ TQ. Vấn đề mang tính căn bản này sẽ gây ra rất nhiều sự việc tồi tệ.

(VTC News) - Quan hệ Trung-Mỹ luôn phức tạp và có nhiều thăng, trầm trong lịch sử, và hiện nay được xác định là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Chủ tịch Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc Daniel Slane đã đề cập nhiều đến những đặc điểm và xu hướng của mối quan hệ “hôn nhân luôn có cãi vã” này.

Trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc, khi được hỏi về đặc điểm và thách thức của quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ, ông Daniel Slane – Chủ tịch Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc cho rằng, vấn đề căn bản của quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước Trung-Mỹ là mất cân bằng về mậu dịch.


Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ trong thời gian dài, Mỹ thì ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc. Vấn đề mang tính căn bản này sẽ gây ra rất nhiều sự việc tồi tệ.

Quan hệ kinh tế thương mại giữa TrungMỹ thực sự tồn tại rất nhiều tranh chấp và chia rẽ. Một số người Mỹ có tâm lý đề phòng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Vì vậy, trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vừa qua, mặc dù vấn đề trung tâm được các chính khách quan tâm là chính quyền Mỹ và các đối thủ của họ, chứ không phải Trung Quốc, tuy nhiên đã có một số nghị sĩ đã đánh “con bài” Trung Quốc. Trên thực tế, điều này không phản ánh xu thế chủ đạo của quan hệ Trung-Mỹ và đại đa số người Mỹ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề Trung Quốc.

Xung quanh tình hình kinh tế Mỹ cũng như ảnh hưởng của Quốc hội mới hiện nay, Daniel Slane cho rằng, kinh tế Mỹ đang trở nên tồi tệ hơn. Hiện nay kinh tế Mỹ không thể tạo ra việc làm, 30 triệu người Mỹ đang đi tìm việc.

Điều này sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị (Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, tổng số người thất nghiệp hiện nay của nước này vào khoảng 14,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp là 9,6%.

Còn số liệu ở trên là bao gồm cả những người không có việc làm đầy đủ). Trong tình hình đó, rất nhiều nhân sĩ chính trị cấp tiến đã được bầu vào Quốc hội, họ là những người có chủ trương đề ra chính sách cấp tiến.

Ví dụ, trong tháng 12 tới có khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép lên Dự luật liên quan đến tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Điều này có thể tạo ra thách thức mới cho quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ.

Khi được hỏi về quan điểm có những người Mỹ đổ tội cho Trung Quốc đã cướp đi việc làm của người Mỹ, việc gây ép để Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ, hay vấn đề Mỹ cần mở rộng xuất khẩu để giúp chấn hưng ngành chế tạo Mỹ, Daniel Slane khẳng định, nguyên nhân thực sự dẫn đến tình hình người Mỹ mất đi cơ hội việc làm là do Mỹ thiếu chính sách kinh tế có sức cạnh tranh quốc tế, các chính sách như thu thuế và lao động là quá khắt khe, thiếu sức hấp dẫn đối với chủ sử dụng lao động.

Thuế thu nhập bình quân đối với các doanh nghiệp Mỹ là gần 35%, cao hơn phần lớn các nước phát triển ở châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc lại có chính sách ngược lại, họ có thể thực hiện chính sách miễn thuế cho các doanh nghiệp trong vòng 5 năm.


Giá thành lao động ở Mỹ quá cao cũng là một nguyên nhân buộc các doanh nghiệp nước này phải chuyển sang đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, đến nay Mỹ vẫn chưa có chính sách đối với thuế giá trị gia tăng và giảm thuế xuất khẩu.

Việc chỉ trích Trung Quốc hoàn toàn không thể đem lại việc làm cho người Mỹ. Mỹ cần phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thu thuế giá trị gia tăng mới có thể giải quyết được vấn đề việc làm.

Quyền quyết định về chính sách thuế thuộc về Quốc hội Mỹ, vì vậy cải cách chính sách thuế không thể tách rời nhận thức chung về chính trị. Nhưng hiện nay nhận thức chung về chính trị chưa có ở Mỹ.   

Về việc làm thế nào để thay đổi hình tượng doanh nghiệp Trung Quốc ở Mỹ, theo Daniel Slane, như trên đã đề cập, vấn đề căn bản trong quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ là sự mất cân bằng về mậu dịch. Muốn giải quyết vấn đề này, vừa phải có chính sách ngắn hạn, vừa phải nỗ lực lâu dài.

Đối với Trung Quốc, trong ngắn hạn các doanh nghiệp nước này cần tăng cường đầu tư xây dựng nhà máy ở Mỹ, thuê lao động người địa phương, giống như các doanh nghiệp Nhật Bản đã làm.

Ngoài ra, Trung Quốc cần tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, để các doanh nghiệp Mỹ tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn ở Trung Quốc. Về lâu dài, Trung Quốc cần từng bước khắc phục vấn đề kiểm soát tỷ giá, nâng giá đồng nhân dân tệ lên so với đồng đô la.

Điều này sẽ làm giảm tỷ lệ dự trữ của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội, bỏ vốn nhiều hơn cho dân cư nông thôn, để họ có thể tiêu thụ nhiều hơn nữa. Quá phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài là rất nguy hiểm. Người Mỹ rất nhạy cảm với vấn đề này.

Daniel Slane cho hay, Mỹ rất quan tâm đến Quy hoạch “5 năm lần thứ 12” của Trung Quốc, ông tin tưởng trong quy hoạch này, sẽ thấy được sự nỗ lực của Trung Quốc trong chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình xuất khẩu sang thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Về xu thế của quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai, Daniel Slane cho rằng, quan hệ Trung-Mỹ từ lâu đã được kết nối chặt chẽ. Trên rất nhiều lĩnh vực, Trung Quốc và Mỹ đều có thể xây dựng lòng tin, chẳng hạn như Trung Quốc và Mỹ có thể mở rộng không gian hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng mặt trời và bảo vệ môi trường.

Dù sao thì hai nước Trung Quốc và Mỹ đều cần đến nhau. Điều này giống như kết hôn, sẽ luôn có những cuộc cãi vã, xung đột và khác biệt, nhưng luôn luôn có thể tìm được những giải pháp.

Kháng Hưng(Tổng hợp từ Tân Hoa Xã)


Bình luận
vtcnews.vn