Mỹ lo ngại khi Trung Quốc sắp ra mắt tàu ngầm hạt nhân 'đẳng cấp thế giới'

Quân sựThứ Bảy, 26/08/2023 08:07:00 +07:00
(VTC News) -

Hải quân Trung Quốc đang trên đà sản xuất tàu ngầm hạt nhân “đẳng cấp thế giới”, điều này khiến Mỹ dè chừng.

Ai cũng biết rằng Hải quân Trung Quốc có ưu thế về số lượng so với hải quân của các nước khác. Tuy nhiên, một báo cáo được công bố gần đây cho biết, sau 5 thập kỷ kể từ khi giới thiệu chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) đầu tiên, Hải quân – Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA-N) đang trên đà sản xuất tàu ngầm hạt nhân “đẳng cấp thế giới”. Chiếc tàu ngầm mới có động cơ mạnh hơn, giảm tiếng ồn, cảm biến và vũ khí được trang bị tương đương với tàu ngầm lớp Akula-I của Nga. 

Tàng hình âm thanh là một trong những thuộc tính nổi bật của tàu ngầm hiện đại. Độ yên tĩnh trong thiết kế của tàu ngầm hiếm khi được tiết lộ, nhưng có nhiều nguồn tin cho biết rằng tàu ngầm Trung Quốc đang ngày càng trở nên tàng hình hơn.

Báo cáo do Trường Đại học Hải chiến Mỹ công bố cảnh báo rằng, bước nhảy vọt khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc sẽ có “tác động sâu sắc” đối với an ninh dưới biển của Mỹ.

Type 091 của Trung Quốc.

Type 091 của Trung Quốc.

Nỗ lực phát triển tàu ngầm của Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu chương trình tàu ngầm hạt nhân vào tháng 7/1958 khi lãnh tụ Mao Trạch Đông và Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) nhất trí triển khai “Dự án 09”. Khi đó, Trung Quốc không đủ năng lực công nghiệp cần thiết, họ đã kiên trì tìm kiếm sự giúp đỡ từ Liên Xô, nhưng đã bị từ chối, sau đó Mao Trạch Đông đã ra sắc lệnh rằng Trung Quốc sẽ tự túc trong việc phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Sau nhiều năm phát triển, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên Type 091 (lớp Hán), được đưa vào hoạt động ngày 1/8/1974. Vào giữa những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã có điều kiện mua tàu ngầm Nga.

Quá trình “đổi mới” mất một thời gian khi các kỹ sư Trung Quốc học cách sao chép và sau đó cải tiến các công nghệ mà họ đã mua từ Nga. Trong quá trình cải tiến này, các kỹ sư Trung Quốc nhận ra rằng các thân tàu ngầm Type 093 và 094 được chế tạo trước đó quá nhỏ để có thể tận dụng tối đa công nghệ đã được phát triển.

Type 091 SSN là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ đầu tiên của hải quân Trung Quốc. Các tàu ngầm thế hệ thứ hai trong hạm đội PLA-N là Type 093A lớp Shang-II. Những chiếc tàu 7.000 tấn này chiếm phần lớn hạm đội của Hải quân Trung Quốc, nó có kích thước gần bằng tàu ngầm lớp Astute của Hải quân Hoàng gia Anh.

Các tàu ngầm lớp Shang do Công ty Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Bột Hải ở Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh. Tổng cộng có 6 tàu ngầm lớp Shang, bao gồm SSN lớp Shang I (Type 093), SSN lớp Shang II (Type 093A) và SSN lớp Shang III (Type 093B), đang phục vụ cho PLAN. Tàu ngầm Type 093A và Type 093B là phiên bản cải tiến của tàu ngầm Type 093.

Người ta suy đoán rằng Trung Quốc có thể đang chế tạo một biến thể với hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) cho tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Trước khi thế hệ tàu ngầm thứ ba Type-95 đi vào hoạt động.

Vào đầu năm 2023, các hình ảnh vệ tinh tiết lộ rằng Trung Quốc đã hạ thủy chiếc tàu SSN Type 093 thứ 8 trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến ngày 18/1/2023. Khả năng tấn công mặt đất được bổ sung giúp tàu có thể tấn công các mục tiêu trên bộ, giống như các tàu ngầm Nga đã làm ở Ukraine.

Tàu ngầm lớp Akula-I của Nga.

Tàu ngầm lớp Akula-I của Nga.

Gần 50 năm sau khi Trung Quốc đưa vào biên chế Type 091, nước này đã thiết kế và phát triển Type 095 (Tàu ngầm tấn công lớp Tang) có khả năng tương đương với tàu ngầm lớp Akula I cải tiến của Nga.

“Tàu Type 095 có thể sẽ được trang bị một động cơ đẩy phản lực bơm, một bè ngang nổi tự do, một hệ thống động cơ mới và 12-18 ống phóng thẳng đứng có thể chứa tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất”, báo cáo cho biết.

“Type 096 (phiên bản tàu ngầm tên lửa đạn đạo) cũng sẽ có những cải tiến đáng kể so với những lớp trước và có thể so sánh với tàu ngầm lớp Dolgorukiy của Nga về khả năng động cơ đẩy, cảm biến và vũ khí, đồng thời có khả năng giảm tiếng ồn như Akula I”, báo cáo lưu ý. 

“Nếu Trung Quốc thực hiện thành công bước nhảy vọt về công nghệ từ nền tảng Type 093A sang nền tảng giống Akula I cải tiến, thì tác động đối với Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ rất sâu sắc”, báo cáo cảnh báo.

Thiết kế tàu ngầm yên tĩnh hơn và tàng hình hơn

Sự yên tĩnh của một chiếc tàu ngầm mang lại khả năng tàng hình cho nó. Một trong những lý do chính khiến tàu ngầm ồn hơn là các cánh chân vịt gây ra hiện tượng dưới nước gọi là xâm thực, trong đó bong bóng hình thành dọc theo các cạnh cánh quạt và gây ra tiếng ồn dưới nước.

Một yếu tố khác góp phần vào tiếng ồn của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là máy bơm chất làm mát của lõi lò phản ứng.

Cho đến nay, tất cả các tàu ngầm Trung Quốc đều sử dụng chân vịt làm động cơ đẩy, trong khi các tàu ngầm của Mỹ và NATO được trang bị động cơ đẩy phản lực bơm. Các tàu ngầm sử dụng động cơ phản lực bơm có thể tránh được thiết bị nghe của kẻ thù.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân chiến lược Type 094A.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân chiến lược Type 094A.

Văn phòng Tình báo Hải quân của Mỹ cho rằng tàu ngầm lớp Shang của Trung Quốc ồn ào hơn so với tàu ngầm lớp Victor III của Liên Xô được phát triển vào cuối những năm 1960 và kém hơn các tàu ngầm Mỹ ít nhất hai thế hệ về khả năng tàng hình.

Hai phiên bản tàu ngầm hạt nhân Type 093 đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế dựa trên công nghệ giảm tiếng ồn của Nga, cụ thể là lớp phủ chống dội âm bên ngoài và giá treo cách ly âm thanh khí nén.

Vào ngày 12/1/2018, một tàu ngầm Type 093A đã nổi lên trong vùng tiếp giáp lãnh hải ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp. Một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và máy bay tuần tra hàng hải P-3C đã theo dõi tàu ngầm Trung Quốc từ giữa buổi sáng ngày 10/1.

Ước tính tốc độ của tàu ngầm là khoảng 5-7 hải lý/giờ, điều đó có nghĩa là âm thanh mà chiếc tàu ngầm tạo ra là không nhỏ. Nếu báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản là chính xác, thì tàu ngầm Type 093A phiên bản 2 không khó theo dõi bằng các hệ thống thụ động.

Các nhà quan sát Hải quân Trung Quốc cho rằng Type 93B mới được trang bị công nghệ tàng hình. Động cơ đẩy phản lực dạng bơm sẽ là một bản nâng cấp đáng kể cho tàu Shang mà không cần đầu tư vào thân tàu mới.

Theo báo cáo của Trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, các tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba của PLA-N có thể có “hệ thống động cơ lai” giúp con tàu tăng tốc độ mà vẫn giữ được độ yên tĩnh. Đây được cho là thiết kế tương tự như tàu ngầm lớp Borey của Nga đang sử dụng.

Tấn công tầm xa

Khả năng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất từ tàu ngầm với tầm bắn 1.500 km, là một trong những yêu cầu trong cải tiến tàu ngầm của Trung Quốc. Bởi hiện nay các tàu ngầm của Trung Quốc vẫn sử dụng ống phóng ngư lôi để bắn tên lửa hành trình.

Trong khi đó, hầu hết các tàu ngầm hiện đại của Mỹ như lớp Virginia, đã chuyển tên lửa hành trình sang các hầm phóng thẳng đứng riêng biệt, giúp tiết kiệm ống phóng ngư lôi để bắn ngư lôi.

Các tàu ngầm lớp Shang thiếu hầm chứa tên lửa phóng thẳng đứng. Type 93B cũng được cho là không có khả năng này. Tuy nhiên, các tàu ngầm thế hệ thứ ba dự kiến ​​sẽ mang tên lửa hành trình tấn công đất liền để tấn công vào trung tâm lãnh thổ của kẻ thù.

Mỹ và Nga đã sử dụng tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm để tấn công các mục tiêu ở Sudan, Nam Tư, Afghanistan, Yemen, Libya, Iran, Syria và Ukraine. Trong tương lai, Trung Quốc có thể sử dụng tàu ngầm của mình để tấn công các mục tiêu ở Đài Loan, Nhật Bản và thậm chí cả Mỹ.

Lê Hưng(Nguồn: EurAsian Times)
Bình luận
vtcnews.vn