Mướp đắng rất tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng phải lưu ý 4 điều sau

Tư vấnThứ Hai, 12/06/2023 08:57:00 +07:00
(VTC News) -

Mướp đắng tuy tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng phải lưu ý những điều sau để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tổng quan về mướp đắng

Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua. Vị thuốc khổ qua còn gọi là cẩm lệ chi, lại bồ đào, lương qua, lại qua, hồng dương, mướp đắng.

Tên khoa học: Momordica charantia L.

Thuộc họ: Họ bầu bí Cucurbitaceae.

Cây mướp đắng là cây dây leo bằng tua cuốn, thân có cạnh. Lá cây mọc so le, dài 5-10cm, rộng 4-8cm, phiến lá chia làm 5-7 thùy, hình trứng, mép khía răng. Mặt dưới lá màu nhạt hơn mặt trên, gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng ở nách lá, có cuống dài. Cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi, dài 8-15cm, mặt ngoài có nhiều u lồi.

Quả chưa chín màu vàng xanh, khi chín màu vàng hồng, đỏ. Hạt dẹp, dài 13-15mm, rộng 7-8mm, trông gần giống hạt bí ngô. Quanh hạt có màng đỏ bao quanh (giống như màng hạt gấc). Mướp đắng được trồng khắp nơi trên đất nước ta.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, thành phần hóa học của mướp đắng gồm: Trong quả có charantin, b-Sitosterrol-b-D- glucoside và 5,25-Stigmastadien-3b-D-glucoside, có tinh dầu rất thơm, glucosid, saponin và alcaloid momordicin.

Ngoài ra, mướp đắng còn có các vitamin B1, C, caroten, adenin, betain, các enzym tiêu protein. Hạt chứa dầu và chất đắng.

Tính vị - quy kinh: Vị đắng, lạnh; quy vào kinh tỳ vị tâm can.

Công dụng: Thanh giải thử nhiệt, minh mục, giải độc.

Mướp đắng rất tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng phải lưu ý 4 điều sau - 1

Mướp đắng tốt nhưng khi sử dụng cần chú ý một số điều để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tác dụng của mướp đắng

Báo Vietnamnet dẫn lời Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, về phương diện đông y, mướp đắng vị đắng, tính mát, công dụng giải nhiệt, tiêu đờm, bổ thận, giải độc, lợi niệu và nhuận tỳ.

Về phương diện khoa học, mướp đắng chứa nhiều axit amino - loại axit chứa nhiều vị đắng. Loại axit này tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư. Do vậy đây là món ăn rất tốt với những bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, loại quả này còn chứa nhiều tiền tố tạo nên vitamin A, rất tốt cho mắt và cải thiện thị giác.

Cũng theo Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mướp đắng có tác dụng làm đẹp da rất tốt. Theo đó, có thể dùng mướp đắp mặt nạ hoặc uống nước ép mướp đắng, giúp da mịn màng, giảm và tiêu diệt mụn trứng cá, mụn đầu đen.

Trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, mướp đắng thường được sử dụng để ăn sống cùng ruốc, xào trứng, nhưng phổ biến nhất vẫn là nhồi thịt, sau đó luộc ăn hoặc nấu canh. Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, món mướp đắng nhồi thịt đặc biệt tốt trong mùa hè vì có tác dụng thanh nhiệt, giải tỏa phiền muộn, giúp đầu óc minh mẫn và cải thiện thị lực.

Những ngày thời tiết nắng nóng, nhiều người dễ cảm nắng, mệt mỏi, tính khí nóng nảy… ăn mướp đắng một cách điều độ sẽ có lợi cho sức khỏe, cải thiện những vấn đề trên. Lương y này cũng lưu ý, khi ăn mướp đắng nhồi thịt tốt nhất nên hấp để giữ lại được nhiều dưỡng chất. Trường hợp luộc mướp đắng nên cho ít nước, sau đó dùng nước làm canh và sử dụng hết là tốt nhất.

Ngoài ra, một tác dụng khác của mướp đắng là giúp giải độc trong gan. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong mướp đắng chứa một hợp chất tên momordica charantia - tác dụng chống lại suy giảm chức năng gan bằng cách tăng cường hoạt động chống oxy hóa của các enzym trong gan. Do vậy, việc ăn mướp đắng điều độ có thể giúp gan khỏe mạnh hơn.

Dù là loại quả tốt cho sức khỏe, nhưng bản chất mướp đắng có nhiều dược tính vì thế không nên sử dụng quá nhiều. Người dân nên dùng 2-3 lần/tuần. Ngoài ra, một số trường hợp cũng không nên ăn mướp đắng. Những người không nên ăn:

Những điều cần lưu ý khi sử dụng mướp đắng

Bài viết trên website của Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn của BSCKI. Dương Ngọc Vân nêu, sử dụng quá nhiều khổ qua có thể khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, tiêu chảy. Bên cạnh đó, việc lạm dụng loại thực phẩm này tiềm ẩn rủi ro dẫn đến tình trạng tụt đường huyết đột ngột, gây nhức đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, có thể bị choáng và ngất.

Đi kèm với đó, để đảm bảo cho hiệu quả nhận được và tránh phải đối diện với các tác dụng phụ không mong muốn của mướp đắng, bạn có thể ghi nhớ một vài lưu ý như sau:

Tiêu thụ với một lượng vừa phải, không nên lạm dụng.

Không kết hợp sử dụng khổ qua với tôm hoặc ăn cùng lúc với sườn heo chiên hay măng cụt.

Tránh uống trà xanh sau khi ăn khổ qua vì có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày. Thay vào đó, nên đợi một vài tiếng sau khi ăn xong rồi mới uống.

Không nên ăn khổ qua khi bụng đói.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn