Mỗi người Việt gánh hơn 1.000 USD nợ công: Không còn là chuyện đáng để 'giật mình'

Kinh tếThứ Ba, 13/10/2015 11:28:00 +07:00

Nợ công Việt Nam: 1000 USD/người nợ công không còn gì để phải giật mình, chuyên gia kinh tế cho biết.

(VTC News) - Trước thông tin mỗi người Việt Nam gánh hơn 1.000 USD nợ công, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, đây không còn là chuyện đáng để "giật mình".

Với chỉ số nợ công được "đo" trên đồng hộ nợ công khai trên trang The Economist, tính đến ngày 11/10 cho thấy, nợ công Việt Nam đang ở mức xấp xỉ 92,641 tỷ USD, đã tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 46% GDP.

Như vậy, với dân số trên 91,8 triệu dân, tính trung bình nợ công theo đầu người Việt thì mỗi người hiện gánh hơn 1.016 USD.

Chuyên gia Võ Trí Thành cho biết: "Đã có rất nhiều nơi nghiên cứu và chỉ ra con số nợ công của Việt Nam rồi. Có nơi đánh giá là 54,9% GDP, có nơi là 60% GDP, thậm chí 62%, 66,4% GDP. Vì vậy mà theo tôi, chuyện nợ công chiếm bao nhiêu % GDP hay mỗi người chịu bao nhiêu tiền không còn là chuyện đáng để "giật mình" nữa, mà quan trọng là chúng ta có khả năng trả nợ hay không".
Theo trang The Economist, nợ công của Việt Nam đang ở mức xấp xỉ 92,641 tỷ USD, trung bình mỗi người đang gánh 1.016 USD
Nếu tính theo % GDP, tỷ lệ nợ công Việt Nam mà The Economist công bố là chiếm 46%, thì con số này đang thấp hơn khá nhiều so với số liệu do Bộ Tài chính công bố gần nhất là 59,6%. Cho nên, chuyện đáng "giật mình" phải là về cách mà chúng ta tính toán về rủi ro của nợ công, cũng như cách quản lý và cân đối tài khóa.

Ông Thành nhấn mạnh: "Việc đi vay không phải là xấu, nhưng vấn đề là Việt Nam không lường trước được những rủi ro của nợ công, trong đó có tính hiệu quả của đầu tư công."

Ông Thành phân tích, trong giai đoạn tới với lộ trình hội nhập sâu rộng trên trường thế giới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn về nguồn vốn khi nhu cầu đầu tư để phát triển ngày một gia tăng mạnh mẽ. Từ đó khả năng đi vay nợ càng lớn, mà đã vay là phải trả.

Vị chuyên gia cũng nhận định, hiện nay chúng ta còn gặp khó khăn và áp lực trong việc chi ngân sách thường xuyên do việc nguồn thu không còn dồi dào như trước, giá cả đã bị đội lên, nhưng lại rất khó có thể cắt giảm vì nó không chỉ liên quan tới vấn đề kinh tế, mà còn liên quan tới các vấn đề về chính trị, xã hội.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính công bố tháng 5 vừa qua cho thấy, mức bội chi ngân sách tiếp tục tăng từ mức dự kiến 224.000 tỷ đồng trong năm 2014 lên 226.000 tỷ đồng năm 2015.

Cụ thể, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2014 ước đạt 968,5 nghìn tỷ đồng. Song điều đáng chú ý là trong khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm dần từ 25,5% năm 2010 xuống còn 22,0% năm 2011 và ước tính 17% năm 2014 nhờ nỗ lực cắt giảm chi tiêu công, thì tỷ trọng chi thường xuyên lại tăng nhanh, từ mức 64,9% và 67,2% trong năm 2010 và 2011 lên mức 71,3% năm 2014.

Mặt khác, các nguồn vốn cho vay ưu đãi ODA sẽ bắt đầu giảm dần bởi vì khi chúng ta ngày một phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ cho ta vay ít đi, ưu đãi thấp hơn, buộc ta sẽ phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn.

Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay. Theo tính toán, vốn ODA cho Việt Nam năm 2015 có thể giảm chỉ còn một nửa so với năm 2013.

Sau khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, các nhà tài trợ song phương cũng đã có những thay đổi trong chính sách viện trợ đối với Việt Nam theo hướng giảm dần hoặc chấm dứt viện trợ cho Việt Nam như Thụy Điển, Anh, Bỉ,...  Ngay Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn cũng đã cắt giảm viện trợ không hoàn lại trong những năm gần đây.
Chuyên gia Võ Trí Thành:
Chuyên gia Võ Trí Thành: chuyện nợ công chiếm bao nhiêu % GDP hay mỗi người chịu bao nhiêu tiền không còn là chuyện đáng để "giật mình" nữa, mà quan trọng là chúng ta có khả năng trả nợ hay không
Chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh: "Tổng thể các rủi ro này đều rất phức tạp và có mức độ lan tỏa lẫn nhau, nhưng rủi ro chủ yếu nằm ở việc chúng ta chưa phân bổ nguồn lực hiệu quả".

Ông Thành cho biết, nguyên nhân này đã được ông nói đi nói lại quá nhiều lần trên phương tiện báo chí. Đầu tư công thực chất không nhất thiết phải gây lãi, bỏ 2 đồng, thu lại 3 đồng, nhưng quan trọng là sức lan tỏa của dự án đầu tư công đó như thế nào, hiệu quả ra sao.

Hay trước khi đổ tiền đầu tư cũng cần phải tính toán tới khả năng thu lại để đổ vào ngân sách, dự án nào đáng để làm thì mới làm, khi đó mới có thể sử dụng hiệu quả đồng nợ công như mục đích đề ra, giảm bớt thâm hụt đầu tư công xuống.

Chuyên gia Võ Trí Thành cũng nhìn nhận, việc đầu tư công không hiệu quả sẽ dẫn tới tâm lý e ngại của nhóm đầu tư tư nhân, trong khi đây lại là một nguồn nội lực rất lớn, rất cần thiết mà chưa được phát huy. Trong tình hình Việt Nam không còn nhận được ODA dồi dào như trước thì cần phải huy động được nguồn vốn mới từ các tổ chức đầu tư trong nước, cũng như từ các đối tác đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế trong giai đoạn sắp tới.

Theo báo cáo công bố vào ngày 5/10 vừa qua của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam, thâm hụt ngân sách tiếp tục tạo áp lực cho chính sách tài khóa, với mức dự kiến 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015 (tính cả trả nợ gốc). Điều này thể hiện hiệu quả ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi cho đầu tư cơ bản tăng.

Tổng nợ công Việt Nam và nợ do Chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). Tuy con số này được đánh giá là vẫn nằm trong "giới hạn bền vững" nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu “ăn” vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách.

Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, WB cũng đã báo động về nợ công của Việt Nam có khả năng đã vượt quá 110 tỷ USD, cùng tình trạng mất cân đối tài khóa vẫn tiếp tục kéo dài.

Một đơn vị nghiên cứu của Việt Nam cũng đã từng công bố mức nợ công chiếm 66,4% GDP, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, con số này là kết quả của cách tính không đúng, không đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.

Khẳng định số liệu của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Mai cho biết, các khoản được tính vào nợ công gồm có: nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ địa phương, còn việc tính thêm các khoản như chi phí dự phòng nợ bất khả kháng 5% vào nợ công là không đúng quy định hiện hành.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn