Minh Hương và cuộc sống gia đình

Tổng hợpChủ Nhật, 10/10/2010 08:00:00 +07:00

Là một diễn viên, một biên tập viên, một MC nhưng khi trở về với đời thường, Minh Hương cũng là một người vợ, một người mẹ như rất nhiều người phụ nữ khác.

Là một diễn viên, một biên tập viên, một MC nhưng khi trở về với đời thường, Minh Hương cũng là một người vợ, một người mẹ như rất nhiều người phụ nữ khác. Cô cũng phải chăm sóc gia đình, con cái và cũng phải trải qua tất cả những hỉ nộ ái ố của cuộc sống gia đình.

 

 

Trộm vía, bé Sam Anh của Minh Hương dạo này biết làm những gì rồi?

Sam Anh được 17 tháng, nói bập bẹ được mấy từ nhưng cái gì cũng biết chỉ có điều chưa diễn đạt được thôi. Con có thể phân biệt được đồ nào của bố, đồ nào của mẹ. Khi mẹ yêu cầu, con có thể tự đi cất quần áo đúng chỗ của mình. Những hành động rất nhỏ thôi nhưng mình có cảm giác Sam Anh rất hiểu biết.

Bé là con đầu lòng nên lúc nào mình cũng thấy thích thú khi mỗi ngày con lại biết thêm một thứ.

 Chẳng phải mình Hương đâu, bà mẹ nào cũng thế thì phải?

Có lẽ vậy. Ngày xưa mình nhìn thấy các bà các mẹ dùng miệng hút mút cho con, thấy sợ...bẩn lắm nhưng bây giờ, có con rồi, mình lại thấy nó rất bình thường. Lúc con ốm, con ngạt mũi, mình có thể làm mọi thứ để nó cảm thấy dễ chịu.

Rồi trước đây cứ nghĩ đến lúc con ốm, con đau, mọc răng sốt... ngại vì cảm thấy rất nhiều thứ phải lo. Ấy thế mà bây giờ, khi việc đến tay rồi mọi thứ vẫn đâu vào đấy.

Đúng là trẻ con hay ốm đau thật nên cần một bác sỹ “ruột” để hễ cần là có thể đưa con đến khám ngay.

Nhà Hương có cái may mắn là cả mẹ và em rể đều là bác sỹ, nên quen biết trong ngành cũng nhiều. Hương có một bác sỹ rất tốt ở viện nhi. Hễ có việc gì là lại gọi nhờ ông tư vấn qua điện thoại, chứ Hương chưa bao giờ đưa con đi khám cả.

Nhớ có một lần, không rõ vì lý do gì mà Sam Anh sốt mấy ngày liền. Lo quá Hương mới gọi cho bác sỹ nhờ tư vấn. Sau khi ông ấy thăm hỏi các triệu chứng thì dặn không cho uống thuốc gì hết, kệ tự nó khỏi. Và con tự khỏi thật. Mình rút ra một kinh nghiệm là không phải con cứ hơi sốt, hơi ốm một tí là bắt con uống thuốc. Vì trong cơ thể con người có khả năng tự sinh ra một số chất đề kháng. Nếu lạm dụng thuốc quá thì khả năng ấy sẽ bị hạn chế. Sam Anh của mình, trộm vía rất ít khi ốm vặt.

 Nhưng mẹ nào thấy con ốm mà chẳng sốt ruột. Chắc vì có người nhà làm bác sỹ nên Hương mới tự tin thế?

Cũng một phần. Nhưng theo kinh nghiệm của mình, chỉ khi nào nặng lắm thì mới cho dùng thuốc còn không mình chịu khó chăm sóc và giữ gìn cho con trong vài ngày thì cháu sẽ tự khỏi.

 Bé Sam Anh ăn uống có ngoan không?

Bây giờ, con ăn cháo và có thể ăn cơm được rồi nhưng cơm thì chỉ ăn ít thôi vì dạ dày con còn yếu. Hàng ngày, Hương đi chợ mua xương về hầm lấy nước nấu cháo cho con, nhưng bữa nào cũng dùng nước xương nấu cháo chưa hẳn đã tốt nên có bữa chỉ nấu cháo trắng thôi. Thực đơn của con được đổi món liên tục: Nào thịt, cá, tôm, cua, tim, cật... xào lên rồi băm nhỏ, rắc lên cháo. Mỗi sáng, Hương đều tự tay chuẩn bị cháo cho con.

Một ngày con ăn 4 bữa cháo: 8 giờ, 11 giờ, 3 giờ chiều và 7 giờ tối ăn một bát nữa. Sam Anh cũng rất thích uống sữa, mỗi lần uống được 200ml. Buổi tối con phải tu một bình sữa xong mới chịu ngủ. Món khoái khẩu của Sam Anh là nước cam.

 

 4 bữa cháo trong ngày và rất nhiều bữa sữa. Với lịch làm việc từ sáng tới tối như vậy, chắc Hương phải có một người tin tưởng ở nhà để lo bữa ăn, bữa uống cho con?

Vì mẹ bận nên Sam Anh được gửi trông trẻ từ hồi 3 tháng rưỡi cơ. Hương may mắn có một bà hàng xóm rất cẩn thận. Ngoài Sam Anh, bà còn nhận trông một cháu nữa.

Người ta bảo, chỉ cần nhìn vào cái nhà, góc bếp là có thể biết tính cách chủ nhà thế nào. Nhà bà ấy sạch sẽ như ly như lau, bà chăm sóc con mình cũng cực kỳ cẩn thận, mỗi khi từ nhà bà về với mẹ, Sam Anh lúc nào trông cũng “ngon lành”. Mình cảm thấy hoàn toàn yên tâm.

 Có câu, bận như con mọn nhưng nhìn Hương có vẻ rất thoải mái. Có phương pháp gì không vậy?

Đúng ra là Hương chẳng có phương pháp gì. Hương để con phát triển một cách tự nhiên. Hương cũng nghiên cứu, cũng đọc, cũng tìm hiểu nhưng kinh nghiệm từ các chị của mình truyền lại là: “đừng giữ con quá. Giữ quá có khi khổ cả mẹ cả con”. Nhà hàng xóm mình có thằng bé con 3 tuổi, leo cầu thang là đi dép, ra đến cửa là bịt khẩu trang, hơi sụt sịt một tí là gọi bác sỹ đến khám.

Hương nghĩ đơn giản thế này thôi, tại sao những đứa trẻ ở quê, dãi nắng dầm mưa mãi mà có mấy khi ốm đâu. Những đứa trẻ thành phố cứ hễ ra nắng một tí là sụt sịt, hắt hơi. Nếu mình giữ con kĩ quá thì khi gặp phải môi trường mới lạ là nó ốm ngay.

Sam Anh nhà mình không đến nỗi dãi nắng, dầm mưa nhưng Hương cố gắng để con được tiếp xúc với môi trường tự nhiên.

 Người ta nói, trẻ từ 0 đến 4 tuổi tự coi mình là cái rốn của vũ trụ và cả thế giới chỉ xoay quanh nó. Nếu cứ để con phát triển tự nhiên thì sau này sẽ rất khó bảo.

Giáo dục con lại là chuyện khác. Về chuyện này, Hương rất nghiêm khắc. Sam Anh bây giờ khi đưa cho bố, cho mẹ, cho bà cái gì là biết phải đưa bằng hai tay. Biết khoanh tay “ạ”, trước khi nhận lấy từ người lớn. Mình nghĩ cần thiết phải giáo dục con từ nhỏ, từ cái bé nhất. Khi con làm sai, mẹ nói mà con không nghe thì phải đánh vào tay, tất nhiên là nhẹ thôi để con biết lần sau không được làm như thế nữa.

Trẻ con hành động bột phát chứ không phải vì ý thức. Đánh con thì tội con lắm.

Mỗi lần mình nghiêm khắc với con, mọi người lại bảo “nó biết gì mà mắng nó” nhưng mình nghĩ con có thể hiểu mọi thứ, chỉ có điều chưa biết cách diễn đạt mà thôi.

Ví dụ, Hương dạy con chơi xong phải biết cất đồ chơi vào đúng chỗ. Có lần nói xong thì Sam Anh làm theo luôn nhưng cũng có những lần nói thế nào cũng nhất quyết không chịu nghe. Những lúc ấy, có bị mắng khóc Sam Anh cũng nhất quyết không chịu cất đồ. Vì thế thi thoảng Hương cũng phải nhường con, dùng chiêu “cho con đi chơi, đồ của con,mẹ vẫn để đây. Khi nào con đi chơi về thì phải dọn đồ cho mẹ”. Sam Anh nghe lời mẹ đi chơi được 5 phút rồi chạy về cất đồ.

Đấy, đừng nói trẻ không biết gì, mình không nên đánh giá thấp chúng.

 Theo kinh nghiệm của mình, mỗi khi mẹ đánh con sẽ có cả một “hội đồng” phản đối?

Bố Tuấn Anh không ủng hộ việc đánh con nhưng mình không thể không nghiêm khắc với con được. Tùy nhận thức con đến đâu mà mình có cách dạy con đến đấy.

Ông bà cũng rất chiều cháu. Có lần bà bảo bố mẹ bận thì để bà nuôi con nhưng theo mình, khi trẻ còn nhỏ chúng rất cần mẹ bên cạnh để rèn rũa. Nhà mình thống nhất thế này, còn bé thì mẹ dạy, khi nào đi học bố sẽ cho vào “khuôn khổ”.

Dường như, nuôi con cha mẹ không bao giờ hết lo lắng, bé thì lo ăn, lo uống. Lớn thì lo học hành. Cha mẹ nào cũng muốn con được dạy dỗ trong những điều kiện tốt nhất để thành tài.

 Mình có quen mấy chị rất đau đầu trong việc chạy cho con vào trường điểm. Mình tự hỏi, tại sao phải thế nhỉ?

Mình thấy ở quê rất nhiều trẻ em không có điều kiện mà vẫn học giỏi không thua kém các bạn ở thành phố. Mình cho rằng, nếu có bản lĩnh, có khả năng thì môi trường nào con cũng có thể chứng minh được mình. Thực tế không phải đứa trẻ nào ở trường điểm cũng học giỏi cả. Quan trọng là cách cô giáo, bố mẹ dạy con, ý thức tự giác của con đến đâu.

Tất nhiên Hương sẽ cố gắng cho con vào trường nào tốt nhất có thể. Giáo dục ở nhà trường là một phần, giáo dục ở nhà cũng rất quan trọng.

 Nghiêm khắc với con, Hương có nghiêm khắc với chồng không? Nghe nói ông xã kém Hương 2 tuổi?

Chưa bao giờ Hương nghĩ mình hơn chồng những 2 tuổi. Bởi ông xã mình là người chín chắn, trầm tính, điềm đạm.

Hương nghĩ trong gia đình, dù tuổi tác thế nào thì chồng vẫn cứ là chồng, vợ vẫn phải là vợ. Hương thích người đàn ông đúng nghĩa, có chính kiến, quyết đoán. Tuấn Anh là người như thế.

Có một câu nói của chồng thế này “cho dù anh chỉ là xe ôm, cửu vạn ngoài chợ. Em có là diễn viên nổi tiếng thì khi về nhà anh vẫn cứ là chồng, em vẫn cứ là vợ”. Nhiều khi mình ức chế với lối suy nghĩ có phần gia trưởng ấy nhưng, theo mình nghĩ trong hôn nhân, vợ chồng có ấm êm hay không là nhờ cả hai chữ “biết điều”.

 Có hai chữ vàng này hẳn hai vợ chồng rất ít xung đột?

Tranh luận thì có nhưng xung đột thì chưa đến nỗi. Giữa bọn mình hầu như không thể xảy ra cãi vã. Vì cãi vã chỉ xảy ra với hai người cùng nói nhiều, còn nhà mình, chỉ có mình lắm lời, chồng thì cạy răng không nói nên không thể có chuyện đó được (cười).

 Thế còn những hành động lãng mạn thì sao?

Lãng mạn thì không. Bây giờ cơm áo gạo tiền, còn nhiều thứ phải lo lắm. Bọn mình vẫn hay trêu nhau, sau này khi nào giàu rồi thì lãng mạn sau (cười).

 Nhưng phải có gì đó để “giữ lửa” chứ?

Hai vợ chồng tuyệt đối tin tưởng và tôn trọng sự riêng tư của nhau. Chồng mình tuy không thể hiện tình cảm ra mặt nhưng cũng rất tình cảm. Thời gian mình đi xa dự liên hoan phim, Tuấn Anh không bao giờ phản nàn thậm chí rất ủng hộ, đưa đi mua đồ, đưa tiền cho vợ tiêu xài. Ủng hộ từ A- Z luôn.

 Giữ lửa rồi thì ai giữ tiền?

Lửa thì cùng giữ còn tiền thì đứa nào đứa đấy giữ (cười lớn)

 Cảm ơn Hương và xin chúc cho gia đình Hương luôn hạnh phúc!

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn