Mặt trăng vệ tinh của Sao Thổ có đại dương ẩn giấu bên dưới

Khám pháThứ Bảy, 10/02/2024 17:15:00 +07:00
(VTC News) -

Đại dương bên trong Mimas có thể chiếm hơn một nửa tổng thể tích của nó, nhưng chỉ bằng 1,2-1,4% tổng số đại dương trên Trái đất.

Mặt trăng vệ tinh Mimas của sao Thổ có thể trông giống như “ngôi sao chết” trong “Chiến tranh giữa các vì sao”, nhưng bí mật khiến nó thậm chí còn hấp dẫn hơn nữa, đó là các nhà khoa học cho rằng có một đại dương nước lỏng rộng lớn bên dưới bề mặt băng giá.

Sử dụng dữ liệu từ tàu vũ trụ Cassini của NASA, vốn quay quanh Sao Thổ và các mặt trăng vệ tinh của nó trong 13 năm, các nhà thiên văn học xác nhận, Mimas có một đại dương bên dưới lớp băng dày 20-30 km.

Họ cũng ước tính rằng, đại dương này còn khá trẻ, hình thành từ 5 đến 25 triệu năm trước. Khám phá này khiến Mimas trở thành mục tiêu hấp dẫn cho việc tìm kiếm sự sống tiềm năng ngoài không gian trong tương lai, và nó cũng có thể cung cấp manh mối về nguồn gốc sự sống trong Hệ Mặt trời. 

Các nhà thiên văn học xác nhận, Mimas có một đại dương bên dưới lớp băng dày 20-30 km. (Ảnh: NASA/Robert Lea)

Các nhà thiên văn học xác nhận, Mimas có một đại dương bên dưới lớp băng dày 20-30 km. (Ảnh: NASA/Robert Lea)

Thực ra, Mimas không phải là mặt trăng vệ tinh duy nhất trong Hệ Mặt trời có đại dương dưới bề mặt. Bốn mặt trăng vệ tinh khác – Enceladus và Titan của Sao Thổ, Europa và Ganymede của Sao Mộc – cũng cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về việc có đại dương bên dưới bề mặt của chúng.

Một số mặt trăng khác, chẳng hạn như Callisto của Sao Mộc, cũng có thể xuất hiện đại dương ẩn giấu. Tuy nhiên, Mimas là mặt trăng vệ tinh nhỏ nhất trong số các cái tên kể trên, với đường kính trung bình chỉ khoảng 400 km. 

Nói về việc làm thế nào mà Mimas có được đại dương, các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là do nguồn nhiệt mạnh bên trong Mặt trăng vệ tinh đã làm tan chảy một số băng và tạo ra các lớp chất lỏng nhất định. Nguồn nhiệt này có thể liên quan đến lực hấp dẫn và thủy triều của Sao Thổ trên Mimas.

Mimas đi theo quỹ đạo hình elip quanh Sao Thổ ở khoảng cách trung bình khoảng 186.000 km. Lực hấp dẫn thay đổi khi nó di chuyển đến gần hoặc ra xa sao Thổ, khiến Mặt trăng hơi biến dạng. Sự biến dạng này tạo ra nhiệt, có thể đủ để duy trì cả một đại dương.

Đại dương bên trong Mimas có thể chiếm hơn một nửa tổng thể tích của nó, nhưng chỉ bằng 1,2-1,4% tổng số đại dương trên Trái đất. Đại dương tiếp xúc với lõi đá của Mimas, nơi có thể tạo ra các phản ứng hóa học phức tạp cần thiết cho sự sống.

HUỲNH DŨNG(Nguồn: Interestingengineering)
Bình luận
vtcnews.vn