Mặt trăng ‘đánh cắp’ nước từ bầu khí quyển Trái đất?

Khám pháThứ Sáu, 06/05/2022 08:01:00 +07:00
(VTC News) -

Một báo cáo khoa học mới đây chỉ ra rằng nhiều khả năng băng vĩnh cửu được tìm thấy trên Mặt trăng là đến từ Trái đất.

Trong báo cáo khoa học được đăng trên tạo chí Scientific Reports vào tháng 3, giới nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng một phần lớp băng vĩnh cửu trên Mặt trăng hình thành từ phân tử nước gồm các ion hydro và oxy tồn tại trên bầu khí quyển Trái đất.

Các phân tử này sau đó rơi xuống bề mặt của Mặt trăng do “vệ tinh” không sở hữu bầu khí quyển như Trái đất, từ đó hình thành các lớp băng vĩnh cửu. Quá trình này có thể diễn ra hàng tỷ năm khi Trái đất và Mặt trăng hình thành gần như cùng thời điểm.

Theo đó, cứ 5 ngày mỗi tháng trong chu kỳ quay quanh Trái đất, Mặt trăng đi vào quỹ đạo "đặt" Trái đất vào vùng không gian giữa nó và Mặt trời. Trong khoảng thời gian này, Mặt trăng trôi ngang qua đuôi bầu khí quyển của Trái đất. Đây là vùng mà từ quyển Trái đất bị gió Mặt trời quét qua. Một lượng lớn ion hydro và oxy trên Trái đất đã "rơi" như mưa xuống bề mặt Mặt trăng.

Mặt trăng ‘đánh cắp’ nước từ bầu khí quyển Trái đất?  - 1

Hình ảnh minh hoạ bầu khí quyển của Trái đất đang dội các ion oxy xuống Mặt Trăng trong lúc Mặt trăng đi qua đuôi từ quyển. (Ảnh: Osaka University/NASA)

"Nó giống như cơn mưa rào trên Mặt trăng với các ion nước từ Trái đất", nhà địa vật lý Gunther Kletetschka, phó giáo sư tại Đại học Alaska Fairbanks, một trong những tác giả của nghiên cứu về sự hình thành của băng vĩnh cửu trên Mặt trăng, nói.

Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, lượng nước Mặt trăng có được từ bầu khí quyển Trái đất không hề nhỏ, có thể lên đến 3.000 km 3 – nhỉnh hơn một chút so với thể tích của Hồ Victoria ở Châu Phi.

Bên cạnh đó, một số nước đáng kể khác trên Mặt trăng cũng đến từ các tiểu hành tinh và sao chổi.

Nước trên Mặt trăng (dưới dạng băng vĩnh cửu) lần đầu được phát hiện vào năm 1976 khi tàu thăm dò Luna 24 của Liên Xô gửi các mẫu băng từ biển Khủng hoảng. Mẫu vật thăm dò được lấy từ một lỗ khoang sâu 2 m, các phân tử nước tăng lên đáng kể khi càng xuống sâu.

Mặt trăng ‘đánh cắp’ nước từ bầu khí quyển Trái đất?  - 2

Các nhà khoa học tin rằng một phần nước dưới dạng băng vĩnh cửu trên Mặt Trăng là đến từ Trái Đất. (Ảnh: Sputnik)

Ở thời điểm đó các nhà khoa học phương Tây đều phớt lờ phát hiện này, dẫn đến việc cơ quan vũ trụ Mỹ NASA tuyên bố họ phát hiện ra nước trên Mặt trăng lần đầu tiên vào năm 2020, bằng cách sử dụng kính thiên văn hồng ngoại gắn bên trong máy bay Boeing 747.

Tìm cách khai thác và lưu trữ nước trên Mặt trăng rất quan trọng với bất kỳ sứ mệnh nào của con người trên vệ tinh này. Một số cơ quan không gian đã đưa ra kế hoạch xây dựng các căn cứ trên Mặt trăng trong những thập kỷ tới và bao gồm các kế hoạch khai thác nước trên Mặt trăng.

Ngoài ra, nước được cho là tồn tại trên nhiều Mặt trăng khác trong hệ mặt trời, bao gồm các Mặt trăng của sao Thổ Enceladus, Titan và Mimas; Mặt Trăng Europa của sao Mộc; Mặt trăng Miranda của sao Thiên Vương; và hành tinh lùn Pluto.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp