Man City mua sắm ầm ầm, lặng thầm cắt lỗ

Thể thaoThứ Sáu, 21/08/2015 08:20:00 +07:00

Man City ầm ầm mua sắm mà chẳng hề lo ngại tới Luật công bằng tài chính. Tại sao vậy?

(VTC News)- Man City ầm ầm mua sắm mà chẳng hề lo ngại tới Luật công bằng tài chính. Tại sao vậy?

Otamendi là bản hợp đồng thứ 5 của Man City trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Tổng số tiền họ bỏ ra cho việc mua sắm, trả lương cầu thủ là rất lớn. Vậy có phải Man City nằm ngoài vòng điều chỉnh của Luật Công bằng tài chính (FFP) mà UEFA ban hành? Thử tìm hiểu kỹ vấn đề này qua bài phỏng vấn sau đây với chuyên gia Daily Mail.
Otamendi
Otamendi là bản hợp đồng thứ 5 của Man City mùa hè này
- Làm thế nào Man City có thể chi tới 150 triệu bảng và nhiều hơn nữa để mua cầu thủ trong khi mới 1 năm trước vừa bị UEFA trừng phạt nặng nề vì vi phạm Luật Công bằng tài chính (FFP)?

Đầu tiên, đó là khoản chi tiêu ròng chứ không phải lợi nhuận bởi vì Man City còn thu được tiền từ việc bán và cho mượn cầu thủ, nên thực tế, họ không lỗ nhiều đến vậy.

Mua Raheem Sterling (49 triệu bảng), Fabian Delph (8 triệu bảng), Patrick Roberts (8 triệu bảng), Enes Unal (2 triệu bảng) and Otamendi (32 triệu bảng), Man City chi tổng cộng 99 triệu bảng. Nếu De Bruyne đến Etihad với giá 50 triệu bảng, Man City bỏ ra 149 triệu bảng để mua sắm.

Tuy nhiên, họ bán Alvaro Negredo, Matija Nastasic, Dedryck Boyata, Scott Sinclair và Karim Rekik để thu về 38,9 triệu bảng. Họ kiếm thêm 2 triệu bảng từ hợp đồng cho Inter Milan mượn Stefan Jovetic (có thể tăng lên thành 4 triệu bảng tùy điều kiện), thêm 2,9 triệu từ Roma nhờ Edin Dzeko. Nếu bán đứt hai cầu thủ này, họ sẽ có 18 triệu bảng để cân đối sổ sách. Tổng cộng, họ thu 64 triệu bảng nhờ bán cầu thủ.

Do đó, sau vụ Otamendi, Man City mới tạm lỗ 35 triệu bảng. Nếu mua thêm De Bruyne, con số đó là 85 triệu bảng.

- Đó vẫn là khoản lỗ khủng khiếp đấy chứ? 

Đúng vậy, nhưng trên sổ sách kế toán, khoản lỗ ấy được chia ra nhiều giai đoạn bởi những cầu thủ mới ký với Man City hợp đồng kéo dài 4-5 năm. Số lỗ vì thế, có thể trải ra 4-5 mùa bóng. Tức là, họ chỉ lỗ khoảng 16 đến 20 triệu bảng một mùa cho hoạt động chuyển nhượng mà thôi.
Man City sở hữu nhiều hảo thủ
 Man City sở hữu nhiều hảo thủ hàng đầu thế giới
- Một năm trước, UEFA từng phạt Man City 42 triệu bảng, bắt họ thi đấu Champions League 2014-2015 với chỉ 21 cầu thủ và đặt ra giới hạn về tiền lương, chuyển nhượng. Tại sao lại có sự khác biệt đến thế?

Đúng, nhưng UEFA cũng thòng thêm điều khoản nếu Man City cân bằng được cán cân thu chi, họ sẽ được gỡ bỏ trừng phạt. UEFA nói rằng nếu Man City chỉ lỗ 15 triệu bảng vào mùa bóng 2013-14 và 7 triệu bảng mùa 2014-2015, mọi trừng phạt từ luật Công bằng tài chính sẽ được gạt qua một bên.

- Vậy Man City đã cắt lỗ như thế nào?

Thực tế, mùa trước, Man City lỗ 23 triệu bảng song với những điều lệ sửa đổi mới, họ đưa số lỗ về mức cho phép trong khoảng 15 triệu bảng. Năm 2014-2015, con số sẽ được công bố sớm thôi nhưng tôi nghĩ Man City đủ khôn khéo để đưa khoản lỗ trên sổ sách về mức 7 triệu bảng theo đúng yêu cầu từ UEFA.

- UEFA đang nhẹ tay với Man City?

UEFA sẽ khó lòng đưa ra những biện pháp trừng phạt kiểu cũ với Man City khi chính họ đang nới lỏng FFP. Họ muốn tránh những cuộc đấu pháp lý với các đội bóng.
Sterling là cầu thủ Anh đắt giá nhất giải Ngoại hạng
 Sterling là cầu thủ Anh đắt giá nhất giải Ngoại hạng
- Tức là, luật công bằng tài chính đang dần mất tác dụng?

Không, thực tế FFP vẫn có hiệu lực. Các CLB chỉ có thể tiêu khoản tiền trong khả năng họ kiếm ra. Chỉ là với những CLB lớn, họ sẽ "được phép" chi tiêu nhiều hơn nhờ những ông chủ giàu có, chịu chơi như Man City thời Sheik Mansour chẳng hạn

- Đâu là giới hạn lỗ của Man City ở thời điểm hiện tại?


Theo lý thuyết, Man City cũng giống như tất cả các CLB khác bị điều chỉnh bởi điều luật của FFP. CLB có thể lỗ tối đa 7,5 triệu bảng một mùa nếu như họ có tiềm lực tài chính đủ mạnh

- Thế nên, Man City sẽ phải chi tiêu khôn ngoan?

Đúng vậy. Nhưng Man City sẽ có nhiều tiền hơn mỗi mùa bóng, từ Champions League chẳng hạn. Tất nhiên, tiêu pha theo cách vung tiền quá trán giờ không được nữa rồi. 
Theo luật Công bằng tài chính cũ, CLB sẽ không được chi quá mức lợi nhuận. Tức là nếu làm ra khoản lãi 50 triệu bảng, Man City cũng chỉ được phép chi tiêu trong mức 50 triệu bảng.

Tuy nhiên nó khiến nhiều CLB không hài lòng bởi họ sẽ không thể tăng chi tiêu để tiếp tục phát triển, bất chấp việc làm ăn có lãi mùa trước bởi tiền lãi đôi khi chỉ 5-10 triệu bảng.

Do đó, đến tháng 7/2015, UEFA đã nới rộng FFP. Theo đó, trong trường hợp CLB muốn đầu tư lớn, vượt quá khoản lợi nhuận mùa trước, họ chỉ cần trình ra kế hoạch chi tiết, hợp lý.

Đây là điều khoản mà Man City dễ dàng tận dụng, bên cạnh việc chi tiêu khôn ngoan hơn sau giai đoạn dài ầm ầm chiêu binh khiển tướng.

Phạm Thành

Bình luận
vtcnews.vn