Lưới lửa cao xạ Điện Biên khiến máy bay Pháp khiếp sợ ra sao?

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 07/05/2014 07:11:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, bộ đội Điện Biên đã làm gần 400 máy bay Pháp khiếp sợ. Họ đã làm gì?

(VTC News) - Chỉ một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, bộ đội Điện Biên đã làm gần 400 máy bay Pháp khiếp sợ. Họ đã làm gì?

Làm chủ vùng trời Điện Biên

Việc sống còn của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ phụ thuộc phần nhiều vào không quân, khi lực lượng này bị vô hiệu hóa thì con đường dẫn đến diệt vong khó tránh khỏi.

Xét về tương quan lực lượng của hai bên trong cuộc đối đầu trên bầu trời Điện Biên Phủ, có thể thấy không quân Pháp chiếm ưu thế hoàn toàn. Quân Pháp huy động tới 80% trong tổng số gần 400 máy bay ở Đông Dương bao gồm các loại trinh sát, ném bom, cường kích… và được Mỹ viện trợ một số lượng lớn máy bay vận tải hiện đại để thiết lập cầu hàng không từ Hà Nội, Hải Phòng chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong khi đó, bộ đội Việt Nam chỉ có một trung đoàn pháo cao xạ 37mm ra đời chưa đầy 1 năm, 5 tiểu đoàn và một số đại đội súng máy phòng không 12,7mm được biên chế trong các đại đoàn bộ binh.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược, trong “cuộc chiến không cân sức”, thì phần thắng lại thuộc về bên yếu thế, nhờ vào lối đánh mưu trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sỹ.

Trong suốt chiến dịch, con đường tiếp tế duy nhất của Điện Biên Phủ là đường hàng không, đã bị các chiến sỹ pháo cao xạ cắt đứt. Yết hầu của con nhím Điện Biên Phủ bị bóp nghẹt.

Ông Phạm Đức Cư kể lại, ngày mồng 4 Tết Giáp Ngọ (ngày 6/2/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Ngay từ lần xuất trận đầu tiên này, các đồng chí phải làm cho quân địch khiếp sợ trọng pháo và cao xạ pháo Việt Nam ta”.

Ngày 13/3/1954, ta mở đầu chiến dịch. Và chỉ trong 7,8 tiếng đồng hồ chúng ta đã giải quyết xong vị trí Him Lam.

Sáng ngày 14, mặt trận báo cho ông Cư cùng các anh em trong đơn vị pháo cao xạ, chuẩn bị tinh thần chiến đấu với quân địch.

Một lát sau, các chiến sỹ thấy có rất nhiều máy bay bay lên, chúng bay từ các hướng, thành từng đoàn, cao thấp nhiều tầng khác nhau, thi nhau trút bom xuống trận địa, kết hợp với phi pháo từ Mường Thanh bắn ra... chúng quyết tâm san phẳng trận địa.
Trung đoàn 367 lần đầu xuất trận (ảnh tư liệu) 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh: "Cho nổ súng", cuộc đối đầu trên vùng trời Điện Biên Phủ bắt đầu diễn ra. Một máy bay Morane bay theo triền núi phía Tây Nam vòng về phía trận địa Đại đội 815 (Tiểu đoàn 383). Máy bay vào cự ly 3.000m, rồi 1.000m. Theo tiếng còi khẩu đội trưởng, 4 khẩu pháo đồng loạt nhả đạn. Chiếc Morane trúng đạn chao đảo, bốc cháy lao cắm thẳng xuống đất. Đây là chiếc máy bay địch đầu tiên bị pháo cao xạ 37mm bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Đụng phải lưới lửa cao xạ 37 mm và 12,7 mm từ nhiều phía bắn lên. Những tên phi công quen thói ngạo mạn bỗng nhiên khiếp đảm trước hỏa lực áp đảo bất ngờ của đối phương, loạng quạng tay lái. Đàn máy bay như bầy ong vỡ tổ, tan tác đội hình, ném bom lung tung. Cả vùng rừng núi Điện Biên vang dậy tiếng reo hò: "Hoan hô cao xạ pháo! Hoan hô cao xạ pháo!".
Các chiến sỹ reo hò bên xác máy bay Pháp bị bắn hạ (ảnh tư liệu) 

Lúc đó, Pháp mới biết bộ đội Việt Nam đưa được pháo cao xạ và áp sát trận địa. Về sau, một tù binh khi bị bắt sống đã thốt lên: “Việt Minh đã có pháo cao xạ, có cả đại bác 105mm, sao các ông giỏi quá, kéo đến sát sườn mà chúng tôi không hề biết”.

Quân Pháp vô cùng bất ngờ và bối rối. Những ngày tiếp theo, Trung đoàn 367 liên tiếp bắn rơi 14 máy bay, bắn hỏng 25 chiếc khác. Khi chiếc thứ 49 bị hạ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kêu gọi: "Toàn mặt trận thi đua bắn rơi máy bay thứ 50".

Ngày 12/4/1954, Đại đội 828, Tiểu đoàn 394 bắn rơi tại chỗ chiếc pháo đài bay B24 (loại máy bay oanh tạc cỡ lớn) trên cánh đồng Bản Kéo. Đây là chiếc B24 đầu tiên ăn đạn pháo cao xạ, cũng là chiếc máy bay thứ 50 của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ bị bắn rơi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước đó, mọi hoạt động trên không là ưu thế tuyệt đối của địch, thì nay khi gặp phải lưới lửa phòng không dày đặc đang từng bước khép chặt không phận buộc phi công địch phải nâng độ cao để thực hiện đánh phá và thả dù hàng, không dám thả dù vào ban ngày mà phải chuyển sang  ban đêm.

Thậm chí, có nhiều máy bay vận tải của Pháp cũng như Mỹ lái còn không dám bay vào vùng trời Điện Biên Phủ, chúng chỉ lượn lờ xung quanh nghe ngóng tình hình, xong phải bay về căn cứ vì sợ vướng phải lưới lửa phòng không của các chiến sỹ pháo cao xạ.
"Ưu thế tuyệt đối trên không của Pháp" bị tiêu diệt (ảnh tư liệu) 

Đêm 1/5/1954, đợt tấn công vào phân khu trung tâm bắt đầu, bộ đội ta đánh chiếm cao điểm cuối cùng ở phía Đông, tiêu diệt một số cứ điểm khác của địch, thu hẹp hơn nữa phạm vi đóng quân của địch.

Các đơn vị pháo cao xạ luôn cơ động ôm sát các mục tiêu chiến đấu, bảo vệ bộ binh, pháo binh, tiêu diệt máy bay địch, góp phần uy hiếp phân khu trung tâm, tiến hành tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sáng 7/5, tại trận địa Hồng Líu, Đại đội 817, trong 5 phút đã bắn hạ tại chỗ 2 máy bay F4U2, loại máy bay khu trục hiện đại nhất vừa được Mỹ viện trợ cho Pháp. Đây là 2 chiếc máy bay cuối cùng bị bắn rơi trong chiến dịch.
Quân Pháp đã thất bại nặng nề trong cuộc đấu tay đôi không cân sức trên bầu trời Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu) 

Chính phía Pháp đã phải thừa nhận và công bố, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Pháo bị bắn rơi 62 máy bay và 186 chiếc khác bị bắn hỏng. Đó là một thất bại nặng nề của cuộc đấu tay đôi mà bên “không cân sức” đã giành chiến thắng.
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn