Loay hoay giảm tải tiểu học

Tổng hợpThứ Hai, 19/09/2011 02:34:00 +07:00

Hiện tất cả các trường tiểu học trên cả nước đang thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) giảm tải 15% chương trình.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến cho các giáo viên rất lúng túng, vừa lo dạy đảm bảo đủ kiến thức cho trò vừa đáp ứng yêu cầu... giảm tải.

 

"Lớn lên các con sẽ... học tiếp"

Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, giảm tải chương trình không có nghĩa là cắt xén cơ học lượng kiến thức trong chương trình và sách giáo khoa mà chỉ khống chế thời lượng qui định giảng dạy cụ thể của từng tiết học. Cụ thể, học sinh sẽ phải học đủ số lượng bài nhưng giáo viên có quyền chủ động tăng thời gian giảng dạy ở những nội dung khó, giảm tiết hoặc đi lướt những nội dung sơ sài, dễ hiểu. Bộ cũng khuyến cáo: các giáo viên chỉ cần dạy đủ kiến thức cơ bản cho học sinh còn chương trình mở rộng hoặc nâng cao thì tùy thuộc vào sự tiếp thu của học sinh mà quyết định.

Nhưng theo cô Phạm Thị Yến, Hiệu phó Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) thì trước tiên cần xem xét giảm tải trong từng phần học, từng bộ môn. Ví dụ: chương trình Toán có một số phần tương đối nặng, môn Tiếng Việt có những bài tập dài và khó... Nổi cộm nhất là môn Khoa học và môn Sử lớp 4, 5. Mặc dù chương trình mới đã đưa vào giảng dạy nhưng giáo viên đang phải "đánh vật" với môn Khoa học vì kiến thức quá nặng. Cô giáo Trần Thu Lan, Chủ nhiệm lớp 4A1, Trường tiểu học Thành Công B kể: "Tôi vừa dạy một tiết học mà không thể tưởng tượng phải kéo dài bao lâu và làm thế nào để học sinh hiểu được. Ở bài Trao đổi chất trong cơ thể con người, chỉ trong 35 phút, giáo viên phải giảng cho học sinh hiểu về mối quan hệ giữa các cơ quan bên trong. Ví dụ: chức năng cơ quan này là gì, khi hoạt động nó phối hợp với các cơ quan khác như thế nào, khi nào máu đỏ tươi, khi nào máu đỏ sẫm, các vòng tuần hoàn to nhỏ... Giáo viên chỉ có duy nhất một sơ đồ minh họa mà nhìn vào đó, người lớn chưa chắc đã hiểu được, nói gì đến học sinh! Cuối cùng, tôi chỉ dạy những kiến thức cơ bản nhất, còn những cái khác đành giải thích rằng "lớn lên các con sẽ học tiếp". Cô Lan thở dài: "Với những bài học như vậy, học sinh ở đây còn không học được thì học sinh nông thôn, hoặc những nơi học 1 buổi/ngày chắc... bó tay".

Đừng đổ lỗi cho giáo viên!

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo các trường giảm tải bằng cách thực hiện chương trình kế hoạch dạy học, nghĩa là việc phân phối chương trình sẽ giao quyền tự chủ cho giáo viên, phù hợp với đối tượng học sinh từng khu vực, địa bàn. Giãn thời khóa biểu trong ngày đối với những trường tổ chức học 2 buổi/ngày, bằng cách tăng cường các tiết thực hành, ngoại khóa, giáo dục nghệ thuật, thể dục thể thao... Hà Nội cũng qui định thống nhất toàn thành phố mỗi ngày có 1 tiết tự học có hướng dẫn vào tiết cuối buổi chiều và yêu cầu không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học giúp học sinh dễ hiểu, biết cách vận dụng vào thực tế.

Nhiều giáo viên cho biết: yêu cầu giảm tải 15% chương trình là rất khó xác định và không thể kiểm tra được. Nếu Bộ đưa ra mục tiêu như vậy mà không giải thích và hướng dẫn cụ thể, sẽ dẫn đến tình trạng ở đâu đó sẽ cắt bỏ đi 15% số bài hoặc lượng kiến thức thì sẽ rất nguy hiểm. Khi dư luận "kêu" lên: chương trình quá tải, thì các nhà quản lý đều "đổ" tại giáo viên chưa đổi mới phương pháp dạy học, dạy nhồi nhét, nhàm chán... Khi yêu cầu giảm tải, một lần nữa lại "đổ" hết lên đầu giáo viên: phải dạy theo khả năng tiếp thu của học sinh!

Đối với giáo viên có trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn thì không nói nhưng với khá nhiều giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, cũng là đạt chuẩn đấy nhưng "chuẩn" trình độ 9+3, 7+3, 5+1, 4+3... thì dạy không thể nào "chuẩn" được, chứ chưa nói tới việc dạy linh hoạt, giáo dục toàn diện, và hàng loạt những thứ cao siêu mà các nhà quản lý đề ra. Không chỉ riêng Hà Nội mà giáo viên các trường tiểu học trong cả nước đều mong muốn Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể xác định giảm tải cái gì, giảm tải như thế nào, quyền tự chủ của giáo viên đến đâu... Đó là những câu hỏi mà tất cả các giáo viên tiểu học đang loay hoay tìm kiếm câu trả lời!

Theo Thanh niên
Bình luận
vtcnews.vn