Liên kết doanh nghiệp Việt, Vingroup ‘thách thức’ đối thủ ngoại

Kinh tếThứ Sáu, 03/06/2016 06:51:00 +07:00

Vừa về tay ông chủ Thái Lan, Big C Việt Nam đã “chặt chém” doanh nghiệp Việt trong khi Vingroup gây bất ngờ khi giảm chiết khấu xuống 0% cho một số mặt hàng.

Trong vài năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là đề tài nóng bỏng. Hàng loạt thương vụ M&A “khủng” diễn ra, mà ở đó đa phần là đại gia ngoại thâu tóm các siêu thị ở Việt Nam. Có thể kể tên một vài thương vụ như các tỷ phú Thái Lan thâu tóm Big C Việt Nam, Metro Việt Nam, Nguyễn Kim,... Vì vậy, nhiều người lo ngại hàng Việt khó có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài.

Big C đòi chiết khấu cao

Ông Đào Thế Vinh, Tổng giám đốc công ty Golden Gate phân tích Việt Nam đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập quốc tế. Điều đó có nghĩa hàng rào thuế quan sẽ thấp hơn, thậm chí có thể được dỡ bỏ. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối đang dần về tay đối thủ đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc thông qua các thương  vụ M&A. Như vậy, hàng nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam.

Là một doanh nhân, ông Vinh đang cảm thấy sức ép từ hàng nước ngoài, dịch vụ nước ngoài là rất lớn.

thuy-san

 Nhiều doanh nghiệp thủy sản đối diện với nguy cơ thua lỗ khi Big C tăng mạnh chiết khấu

Lê Thị Hà Chi, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Nhà Bè cũng nhấn mạnh về khó khăn của ngành dệt may khi tiếp cận hệ thống phân phối. Bà Chi đánh giá thị trường trong nước rất tiềm năng với dệt may nhưng ngành thiếu kinh nghiệm, thiếu các giải pháp mạnh mẽ để tiếp cận khách hàng nội địa. Vì vậy, ngành dệt may chưa có được chỗ đứng xứng tầm ở thị trường trong nước.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao đánh giá 2016 là giai đoạn hôị nhập mới của Việt Nam khi hàng loạt Hiệp định như TPP, các hiệp định tự do song phương,... được ký kết. Cùng với nhiều thương vụ M&A các hệ thống phân phối, hội nhập khiến hàng hóa nước bạn phủ đầy các siêu thị ở Hà Nội, Tp.HCM và nhiều tỉnh thành khác.

Vì vậy, khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều và càng rõ nét hơn với các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh khó khăn về đầu vào, công nghệ, nghiệp vụ xúc tiến thương mại, doanh nghiệp Việt còn phải giải quyết thêm vấn đề đầu ra.

Khó khăn đầu ra của doanh nghiệp Việt được thể hiện rõ trong câu chuyện Big C Việt Nam. Không lâu sau khi về tay tỷ phú Thái Lan, Big C Việt Nam đã “chặt chém” doanh nghiệp Việt bằng cách tăng chiết khấu tới 17-25%. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp còn phải chịu hàng chục loại chi phí với nhiều tên gọi, có những loại vô lý, chèn ép đơn vị cung cấp.

Chia sẻ trên Tiền phong, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, do Big C đòi chiết khấu quá cao, nên một số doanh nghiệp thủy sản đã dừng đưa hàng vào hệ thống này. Gần đây, Big C đã có thư mời doanh nghiệp “quay lại”, nhưng do chưa thống nhất được mức chiết khấu, nhiều nguy cơ thua lỗ nên chưa nhà cung cấp nào dám nhận lời.

Vingroup giảm chiết khấu xuống 0%

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là rơi vào tay đối tác ngoại, Tập đoàn Vingroup đã thắp lên niềm tin giành lại thị trường khi quyết định liên kết các doanh nghiệp Việt với nhau để tạo nên sức mạnh đoàn kết thông qua chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”.

vinmart

Nhiều mặt hàng sẽ được hưởng chiết khấu 0% khi vào hê thống phân phối của Vingroup

Gần 250 doanh nghiệp góp măt trong chương trình này đến từ 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, VPP đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi đến từ 18 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.

Vingroup sẽ có rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt tham gia chương trình. Trong đó, các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả,... sẽ được hưởng mức chiết khấu là 0%.

Với quyết định này, Vingroup không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng. Áp dụng chính sách chiết khấu thấp, thậm chí bằng 0%, Vingroup khuyến khích các nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dành rất nhiều lời khen ngợi cho chương trình liên kết doanh nghiệp mà Vingroup khởi xướng.

Bà Lan chia sẻ, bà có gần 40 năm gắn bó với các doanh nghiệp. Điều khiến bà cảm thấy tiếc nuối nhất chính là chưa liên kết được các doanh nghiệp với nhau, đặc biệt giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Đây là điều bà theo đuổi trong nhiều năm qua, ngay cả khi đã nghỉ hưu.

Nhưng với chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”, bà Lan kỳ vọng Vingroup có thể thực hiện được điều bà mong mỏi bấy lâu nay.

Nhận xét về chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”, bà Lê Thị Hà Chi tin tưởng với uy tín, tiềm lực của mình, Vingroup sẽ liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp để tạo ra nền sản xuất bền vững, môi trường kinh doanh lành mạnh và hướng tới mục tiêu dài hạn là tao ra thế hệ tiếp theo cho doanh nghiệp trong tương lai.

Ông Đào Thế Vinh đánh giá rất cao chương trình này của Vingroup khi phát biểu: “Vingroup với hệ thống bán lẻ rộng khắp đang trở thành thành lũy đáng quý cho các sản phẩm nội địa. Là đại diện Golden Gate, tôi cảm kích, ghi nhận những hỗ trợ từ Vingroup. Tôi mong dự án sẽ thành công và có thêm nhiều đóng góp cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn