Tư liệu

Reuters: Công ty Mỹ cung cấp công nghệ cho nhà sản xuất tên lửa Nga

Thứ Bảy, 15/10/2022 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Một công ty mạng máy tính Mỹ được cho là đã “vô tình” cung cấp thiết bị cho nhà sản xuất tên lửa Nga, theo báo cáo đặc biệt của Reuters.

Từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Mỹ cấm các công ty giao dịch với MMZ Avangard - công ty nhà nước chuyên sản xuất tên lửa cho một trong những vũ khí tinh vi nhất của Nga, hệ thống phòng không S-400.

Trước đó, giữa sự lo ngại của phương Tây về S-400, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, khỏi chương trình máy bay chiến đấu chung vào năm 2019, sau khi Ankara chuyển giao hệ thống này cho Nga.

Nhưng dù Washington có động thái nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh của MMZ Avangard, một công ty công nghệ của nước này, Extreme Networks, lại cung cấp cho MMZ Avangard thiết bị mạng máy tính dành cho các hệ thống công nghệ thông tin văn phòng, theo báo cáo đặc biệt của Reuters.

Reuters: Công ty Mỹ cung cấp công nghệ cho nhà sản xuất tên lửa Nga - 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga ở Quảng trường Đỏ. (Ảnh: Reuters)

“Những kẻ xấu”

Trong tuyên bố với Reuters, Extreme nói các thiết bị "có thể đã được" bán cho MMZ Avangard thông qua trung gian ở Nga, mà họ không hề hay biết. Công ty cũng cho rằng bên trung gian đã bán sản phẩm qua công ty bình phong cho "những kẻ xấu”, và đang báo cáo những phát hiện về khả năng có hoạt động mua bán này cho cơ quan chức năng Mỹ.

Tên lửa do MMZ Avangard chế tạo gần đây xuất hiện trong báo cáo của Ukraine, khi họ cáo buộc Nga triển khai tên lửa này nhằm vào các mục tiêu mặt đất trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu hồi cuối tháng 2. Các nhà chức trách Ukraine nói tên lửa MMZ Avangard khiến ít nhất 30 dân thường thiệt mạng trong cuộc tấn công nhằm vào một đoàn xe trên rìa phía nam thành phố Zaporizhzhia vào tháng 9. Phía Nga không xác nhận thông tin này. Moskva từ đầu chiến dịch luôn tuyên bố không nhắm vào các mục tiêu dân sự.

Với thông tin về công ty Mỹ, các quan chức điện Kremlin và MMZ Avangard đều không trả lời yêu cầu bình luận. Almaz-Antey, công ty mẹ của MMZ Avangard, cũng không đưa ra bình luận nào.

Theo Reuters, từ năm 2017 đến năm 2021, MMZ Avangard mua số thiết bị Extreme trị giá hơn nửa triệu USD cho các hệ thống công nghệ thông tin của mình. Các thiết bị bao gồm bộ chuyển mạch tốc độ cao – phần quan trọng trong của mạng doanh nghiệp, và phần mềm.

Theo hồ sơ mà Reuters phân tích được, các giao dịch được thực hiện bởi một doanh nghiệp có vẻ vô hại ở gần Moskva. Có hai quan chức tại Extreme từng tỏ ra lo ngại về thương vụ này, song vụ mua bán vẫn được xúc tiến.

Việc một công ty quân sự Nga mà Washington cho là mối đe dọa tiếp tục mua phần cứng máy tính của Mỹ, cho thấy các nước phương Tây có thể đã đánh giá quá cao khả năng của các lệnh cấm xuất khẩu và trừng phạt thương mại trong việc thực sự “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga. Bên cạnh đó, điều này cũng nhấn mạnh nhu cầu của bộ máy quân sự Nga với các thiết bị công nghệ cao, trong đó có thiết bị Mỹ.

Hồi tháng 4, 6 tuần sau khi Nga đem quân vào Ukraine, một nhân viên Extreme đệ đơn khiếu nại nội bộ cáo buộc rằng công ty đang bán sản phẩm cho các nhà sản xuất quân sự khác nhau ở Nga. “Extreme được sử dụng trên các tàu chiến của Nga", "trong các hệ thống thông tin liên lạc", theo đơn khiếu nại.

Reuters: Công ty Mỹ cung cấp công nghệ cho nhà sản xuất tên lửa Nga - 2

 MMZ Avangard là công ty chuyên sản xuất tên lửa cho một trong những vũ khí tinh vi nhất của Nga, hệ thống S-400. (Ảnh: MMZ Avangard)

Tuy nhiên, Extreme tuyên bố các cáo buộc là do một nhân viên bất mãn với công ty đưa ra. Sau đó, công ty cho biết họ đã ngừng hoạt động tại Nga vào tháng 3, đồng thời khởi động một quy trình sa thải nhân viên bất mãn kia vì hiệu suất kém. Họ cho biết không có hồ sơ bán hàng nào của công ty có liên quan đến tàu chiến Nga.

Theo điều tra của Reuters vào tháng 8, trong khi Mỹ và các đồng minh cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga trong nỗ lực làm tê liệt ngành công nghiệp quốc phòng nước này, cộng thêm việc nhiều công ty công nghệ thông báo ngừng xuất khẩu sang Nga, nhưng dòng chảy các bộ phận máy tính thương hiệu phương Tây đến với khách hàng Nga vẫn chưa dừng lại.

Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận.

Các lớp “ngụy trang”

Theo Reuters, các công ty Nga, bao gồm cả các công ty trong lĩnh vực quân sự, hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua thiết bị nước ngoài để xây dựng các mạng máy tính, do Nga sản xuất thiết bị mạng trong nước rất hạn chế.

Được thành lập vào năm 1996, Extreme là một công ty nhỏ trong ngành công nghiệp mạng máy tính. Để so sánh, năm ngoái, công ty đạt doanh thu 1,1 tỷ USD, so với 50 tỷ USD của Cisco Systems.

Tuy nhiên, công ty vẫn có thể là một "đối thủ cạnh tranh", theo Alex Henderson, nhà phân tích mạng và bảo mật tại Needham and Company ở New York. Quân đội Mỹ cũng như NASA đều sử dụng phần cứng và các dịch vụ hỗ trợ của Extreme. Trong khi đó tại Nga, Extreme có các khách hàng lớn bao gồm cả bộ y tế, quỹ hưu trí liên bang và trường đại học Lomonosov Moskva.

Theo các tài liệu mà Reuters có được, những người mua thiết bị Extreme còn có một công ty đóng tàu quân sự lớn của Nga, và một nhà sản xuất thiết bị điện tử quốc phòng công nghệ cao.

Ở Nga, Extreme duy trì liên hệ lâu dài với khách hàng để giúp thiết kế các mạng máy tính phức tạp. Mỗi khách hàng hoặc người mua tiềm năng đều có nhân viên quản lý tài khoản riêng tại công ty và được liệt kê trong hồ sơ bán hàng nội bộ. Tuy nhiên, việc bán hàng thực tế được thực hiện thông qua các bên trung gian được ủy quyền.

Trong tuyên bố của mình, Extreme cho biết họ có "chính sách vững chắc" không làm việc với các tổ chức bị trừng phạt, nhưng không phải lúc nào cũng được thông báo về khách hàng cuối của mình, đặc biệt là khi sản phẩm của họ được bán thông qua nhà phân phối.

Theo Extreme, một trong những nhà phân phối đó là RRC và họ tin rằng RRC đã "đồng lõa" trong kế hoạch cung cấp sản phẩm cho MMZ Avangard. RRC và công ty mẹ tại Síp, BD Enterprise Networking chưa bình luận về chuyện này.

Đối với các công ty quân sự Nga, thiết bị Extreme có một điểm mạnh là không yêu cầu đăng ký thuê bao dịch vụ và cập nhật phần mềm thường xuyên. "Nó hoạt động mà không cần giấy phép và bạn thậm chí không cần kết nối với internet", một người dùng nói. Điều này có nghĩa là, "bạn không cần phải lo sợ rằng hệ thống của mình bị tắt vì ai đó ở Mỹ quyết định ngắt kết nối của bạn”.

Việc MMZ Avangard sử dụng thiết bị Extreme không có gì bí mật. Vào cuối năm 2019, nhà sản xuất tên lửa đã đấu thầu thông qua nền tảng mua sắm công trực tuyến của Nga, nói rằng họ cần phụ tùng thay thế dự phòng cho các mạng máy tính mình đang sở hữu.

Nhưng có nhiều thông tin không rõ ràng xung quanh việc Extreme cung cấp thiết bị cho công ty Nga.

Theo các tài liệu, vào mùa hè năm 2019, một bên trung gian liên hệ với văn phòng đại diện của Extreme tại Nga, để xin lời khuyên về việc nâng cấp mạng lưới cho công ty tên lửa. Ngay sau khi thiết bị của họ đến Moskva, Extreme được cho là đã cử một kỹ sư đến văn phòng của MMZ Avangard để giúp đảm bảo quá trình lắp đặt diễn ra suôn sẻ, nguồn tin của Reuters cho biết.

Nhưng trong tuyên bố của mình với Reuters, Extreme cho biết họ không ghi lại việc nhân viên Extreme đến lắp đặt thiết bị tại MMZ Avangard.

Tên nhà sản xuất tên lửa Nga còn không xuất hiện trên danh sách của Extreme. Thay vào đó, các nhân viên của Extreme tại Moskva được cho là ghi lại đơn đặt hàng do công ty có tên là OOO DEMZ đặt.

Nguồn tin nói: “Cần phải sử dụng ngụy trang vì công ty Nga nằm trong danh sách đen ở Mỹ”. Việc các công ty Mỹ kinh doanh với MMZ Avangard là bất hợp pháp kể từ tháng 7/2014, khi Bộ Tài chính Mỹ liệt kê công ty mẹ Almaz-Antey là một pháp nhân ‘bị chặn’ trong các hoạt động. Bộ từ chối bình luận.

MMZ Avangard bắt đầu mua sản phẩm từ Extreme vào tháng 12/2017 và được ngụy trang dưới vỏ bọc DEMZ trong hồ sơ kinh doanh của Extreme, theo email và các tài liệu Reuters khai thác. Giao dịch gần đây nhất sử dụng tên DEMZ mà Reuters xác định là vào tháng 9/2021. Tổng cộng, hồ sơ cho thấy Extreme đã giao đi số hàng hóa trị giá khoảng 645.000 USD theo cách này.

Extreme xác nhận rằng hồ sơ về DEMZ đã liệt kê các giao dịch mua sản phẩm với giá khoảng 645.000 USD.

DEMZ lại là một cái tên “mờ ảo” không kém. Đây là tên một công ty nhỏ có trụ sở ở Dmitrov, Nga, với Vladimir Markov được ghi danh là tổng giám đốc. Theo Reuters, ông Markov nói công ty này sản xuất công cụ bảo dưỡng tàu hỏa, và đã ngừng hoạt động từ năm 2016. Markov chưa từng nghe đến Extreme hay việc DEMZ mua thiết bị Extreme cho chính công ty hay thay mặt mua.

Còn theo hồ sơ của Extreme, tên lãnh đạo DEMZ lại là các nhân viên nhà sản xuất tên lửa MMZ Avangard, với địa chỉ email được cung cấp ở Avangard. Một văn bản còn nêu trang chủ của MMZ Avangard là trang web của DEMZ.

Ngày cuối năm 2019, khi đơn hàng ghi tên DEMZ đang được hệ thống Extreme phê duyệt, một quản lý bán hàng của công ty đã email cho nhà phân phối tại Nga RRC để hỏi về mối quan hệ giữa DEMZ và trang web có tên miền MMZ, nhưng chỉ được trả lời đó là trang “của khách hàng”.

Gần một năm sau, trong khi xử lý một đơn hàng tên DEMZ khác, nhân viên Extreme tại Ireland thấy tên miền mmza.ru trên giấy tờ và tìm hiểu, thì thấy đường link “chỉ thẳng đến” trang của một nhà thầu quốc phòng dường như chuyên về các hệ thống tên lửa đất đối không. Vì vậy người này viết trong một email là “cần rà soát thêm trước khi ra quyết định”. Nhưng Extreme cũng không trả lời câu hỏi về email này.

"Tin tốt"

Để chắc chắn khách hàng không có liên quan đến công ty quân sự nào, nhân viên Extreme tại Ireland nói trên yêu cầu văn phòng tại Nga nhắn với khách hàng điền vào một đơn xác nhận. Trong đơn đảm bảo thiết bị của công ty sẽ không được bán lại cho các công ty có mục đích quân sự, hay được chuyển giao cho các công ty đang chịu lệnh trừng phạt.

Chưa đến một tuần sau, văn phòng Extreme nhận được văn bản đảm bảo người dùng cuối của sản phẩm không bị trừng phạt, và các thiết bị sẽ không được sử dụng theo cách vi phạm luật pháp Mỹ. Văn bản có chữ ký và đóng dấu “DEMZ” màu xanh, tuyên bố DEMZ không có liên quan gì đến nhà sản xuất tên lửa.

Quản lý của Extreme sau đó thông báo trong email đến các cấp rằng “đã nghe hồi âm từ nhóm phụ trách đơn hàng của DEMZ”, “với tin tốt”, và vụ mua bán được tiếp tục.

Các chuyên gia về kiểm soát xuất khẩu tại Mỹ nói với Reuters rằng những văn bản nói trên có thể có ích trong trường hợp thông thường, nhưng khi có “dấu hiệu cảnh báo”, “bạn nên tạp dừng hoặc ngừng giao dịch”, chứ không phải là “đề xuất thêm cách để họ cung cấp thông tin sai lệch hay các giải pháp khác”.

Về thông tin này, Extreme xác nhận đã yêu cầu “DEMZ” điền đơn. Nhưng công ty cũng “có các quy trình kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo khác”.

Nhà máy đóng tàu

Tại Nga, Extreme còn được cho là đã cung cấp thiết bị công nghệ cho các công ty quân sự khác, theo các tài liệu.

Một trong số đó là United Shipbuilding, công ty có trụ sở chính tại St.Petersburg và điều hành một loạt nhà máy đóng tàu của Nga. Công ty này chế tạo mọi thứ từ khinh hạm, tàu ngầm đến tàu quét mìn. Giống như MMZ Avangard, United Shipbuilding là một trong số các tổ chức bị Bộ Tài chính Mỹ liệt kê trong danh sách hạn chế từ tháng 7/2014.

Ngoài ra còn có Concern Morinformsystem-Agat, một nhà sản xuất radar và các hệ thống điện tử quân sự. Theo các tài liệu, bao gồm tài liệu về một cuộc đấu thầu công khai vào tháng 7/2020, và một nguồn tin của Reuters, Agat đang sử dụng thiết bị Extreme cho một số hệ thống. Các hệ thống này cũng được trang bị trên các tàu chiến United Shipbuilding.

Vào tháng 4/2020, một bên trung gian liên hệ với văn phòng Extreme tại Moskva để đệ trình kế hoạch hiện đại hóa trung tâm dữ liệu của United Shipbuilding. Kỹ sư của Extreme tại Nga trả lời vào ngày hôm sau, chỉ ra một số hạng mục có thể loại bỏ khỏi đề xuất.

Extreme nói với Reuters rằng họ không có hồ sơ nào về việc bán sản phẩm cho United Shipbuilding hoặc Agat. Các công ty Nga không trả lời yêu cầu bình luận

Phương Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn