Lễ truy điệu cố giáo sư Trần Văn Giàu

Thời sựThứ Bảy, 25/12/2010 08:59:00 +07:00

(VTC News) – Hàng trăm người dân TP.HCM đã tề tụ về Hội trường TP từ sáng sớm tiễn đưa người con ưu tú của đất Nam bộ – cố GS Trần Văn Giàu về nơi an nghỉ cuối.

(VTC News) – Hàng trăm người dân TP.HCM đã về Hội trường TP.HCM từ sáng sớm ngày 25/12 để tiễn đưa người con ưu tú của đất Nam bộ thành đồng – cố giáo sư Trần Văn Giàu về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, vào lúc 7h30 sáng ngày 25/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Thành ủy – HĐND và UBND, UBMTTQ TP.HCM đã trang trọng tổ chức lễ truy điệu cố giáo sư, nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lễ truy điệu cố giáo sư Trần Văn Giàu vào sáng 25/12 (ảnh: N.D) 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, UBTWMTTQ VN, đồng chí Lê Thanh Hải – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM kiêm Trưởng ban lễ tang Nhà nước đã đọc điếu văn, chia buồn cùng gia quyến của cố giáo sư.

Sau khi ôn lại tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của cố giáo sư với nhiều giai đoạn oai hùng, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: “Cố giáo sư là một nhà khoa học có uy tín không chỉ của cả đất nước Việt Nam, mà còn trên thế giới…”

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đọc điếu văn tiễn biệt cố giáo sư (ảnh: N.D) 

Trong suốt 80 năm hoạt động cách mạng, đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, ông Sáu (tên thường gọi của cố giáo sư) luôn phấn đấu, nghiên cứu miệt mài, không mệt mỏi. Các học trò của cố giáo sư học được rất nhiều đức tính cao quý từ ông như kiên cường, bền bỉ, chịu khó học hỏi và áp dụng vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực Sử học…

Khi đã gần 100 tuổi, ông vẫn tiếp tục viết và viết rất nhiều. 150 tác phẩm, công trình nghiên cứu của ông trên các lĩnh vực khoa học xã hội đã chứng tỏ rằng ông là nhà khoa học uyên bác của cả đất nước chúng ta.

Vào gần cuối đời, cố giáo sư đã bán ngôi nhà của mình, hiến 1.000 lượng vàng để thành lập riêng quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu để dành tặng cho những người học trò của mình yêu thích, chịu khó nghiên cứu Sử học nước nhà, có những công trình xuất sắc.  Trước lúc lâm bệnh nặng, ông vẫn luôn khao khát rằng từ quỹ giải thưởng này, Việt Nam sẽ có những nhà Sử học hay công trình, tác phẩm ở lĩnh vực Sử mang tầm cỡ quốc tế.

Đại diện họ tộc Trần Văn đọc lời cảm ơn các cấp lãnh đạo tại lễ truy điệu cố GS (ảnh: N.D) 

Đối với Đảng Cộng sản, cố giáo sư luôn là một người chiến sĩ kiên trung, đối với đồng nghiệp luôn tận tình giúp đỡ, đối với gia đình luôn là tấm gương trung hiếu, đối với nhân dân giáo sư luôn tận trung, tận hiếu, đối với các học trò nhỏ luôn là một cây đại thụ lớn.

Cuối bản điếu văn, Trưởng ban lễ tang Nhà nước nhấn mạnh: “Giáo sư Trần Văn Giàu thật sự là một người anh hùng lớn của dân tộc, là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp học trò tại Việt Nam noi theo, học tập…”

Chuyển linh cữu của cố giáo sư ra xe đặc chủng dành cho nguyên thủ quốc gia (Ảnh: N.D) 

Ngay sau điếu văn này, đại diện cho họ tộc Trần Văn đã đọc lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ban lễ tang Nhà nước, các cấp lãnh đạo ở Trung ương, TP.HCM, TP Hà Nội và các tỉnh, TP khắp cả nước đã gử điện, vòng hoa, vào viếng và có lời chia buồn sâu sắc cùng với tang gia của cố giáo sư.

Ngay sau lễ truy điệu, cờ tổ quốc, toàn bộ các huân – huy chương mà cố giáo sư đã được tặng, thi hài của cố giáo sư đã được chuyển lên xe đặc chủng dành cho các nguyên thủ quốc gia với bia Tổ quốc ghi công theo sau.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải bên linh cữu cố GS (ảnh: N.D) 

Hàng trăm người dân TP đã đứng ở bên trong, ngoài Hội trường TP.HCM từ sáng sớm cho đến khi xe tang đi ngang qua để được nhìn lần cuối người con anh hùng, ưu tú của đất Nam bộ thành đồng, bất khuất.

Đội danh dự QĐND Việt Nam kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt cây đại thụ nền Sử học Việt Nam lần cuối cùng (ảnh: N.D) 

Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo vĩnh biệt bác Sáu Giàu yêu quí (Ảnh: N.D) 

Rất đông người dân TP đã đến tiễn đưa người con anh hùng của Nam bộ về nơi an nghỉ cuối cùng (ảnh: N.D) 

Theo nguyện vọng của gia đình, cố GS sẽ được an táng ngay sau đó tại tỉnh Long An (ảnh: N.D) 

Lễ an táng cố Giáo sư Trần Văn Giàu được cử hành trọng thể ngay sau đó tại xã An Lục Long – huyện Châu Thành, tỉnh Long An, quê hương đã sinh ra cố Giáo sư.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn