Lập danh sách 125 doanh nghiệp vận tải chây ì giảm cước

Kinh tếThứ Ba, 27/01/2015 07:51:00 +07:00

hôm qua lãnh đạo bến xe Mỹ Đình đã lập danh sách toàn bộ những doanh nghiệp chây ì để cảnh báo.

Trước việc giá xăng dầu giảm gần 40% nhưng doanh nghiệp vận tải tại các bến xe không giảm giá cước, hôm qua lãnh đạo bến xe Mỹ Đình đã lập danh sách toàn bộ những doanh nghiệp chây ì để cảnh báo.

ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình, bến xe đang có số lượng doanh nghiệp vận tải lớn nhất Hà Nội cho biết, hiện bến có tổng 209 doanh nghiệp vận tải, với hơn 1.300 nốt/chuyến chạy về các tỉnh khu vực phía Bắc mỗi ngày. Qua các đợt giảm giá xăng dầu, đến nay bến mới tiếp nhận 84 doanh nghiệp thông báo giảm giá cước, 125 doanh nghiệp còn lại vẫn án binh bất động.

“Trước sự việc trên, bến xe đã lập danh sách 125 doanh nghiệp chưa giảm giả cước và thông báo cho các doanh nghiệp này cần phải cân đối lại thu chi để điều chỉnh giá cước cho hợp lý. Cùng với đó bến xe luôn nhắc nhở trên hệ thống loa phát thanh”, ông Toàn nói.

vận tải
Theo Sở Tài chính Hà Nội, doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước sẽ bị nêu tên. Ảnh: Trọng Đảng. 
Trong danh sách 125 doanh nghiệp chưa giảm giá cước được bến xe Mỹ Đình lập có nhiều hãng xe tên tuổi như: Cty TNHH vận tải Việt Thanh; Cty CP Vận tải hành khách Thanh Xuân; Cty CP ô tô khách Hà Tây; Cty TNHH Hưng Thành, Cty TNHH Bảo Yến (Tuyên Quang); HTX ô tô Ka Long (Quảng Ninh), HTX DV Vận tải Tiến Phương; HTX Quang Trung (Thanh Hóa); HTX Vận tải Hoa Lư (Ninh Bình); Cty CP vận tải Hưng Hà (Thái Bình); Cty Cổ phần Vĩnh Phúc, Cty CP 27/7 Hải Hậu (Nam Định), HTX Đồng Tâm (Hà Tĩnh)… Lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cho biết, đây là những DN có nhiều nốt/chuyến chạy về các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.

Xử lý nghiêm những doanh nghiệp không giảm giá cước

Lý giải về việc chưa giảm giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu đã giảm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc hãng xe Bảo Yến chạy tuyến Mỹ Đình - Tuyên Quang cho rằng, hiện Bảo Yến có 5 đến 7 chuyến chạy Mỹ Đình - Tuyên Quang mỗi ngày, cùng với chi phí bến bãi, cầu đường tăng, Bảo Yến vừa đầu tư toàn bộ dòng xe mới chất lượng cao nên doanh nghiệp hiện đang phải chạy bù lỗ.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện giá vé mà Bảo Yến đang áp dụng cho tuyến Mỹ Đình - Tuyên Quang là 100.000 đến 120.000 đồng/khách, gần như cao nhất so với nhiều doanh nghiệp vận tải chạy cùng tuyến. Trả lời về việc Bảo Yến có giảm giá cước thời gian tới, ông Tuấn cho hay: “Việc giảm giá cước là để chia sẻ với người dân và chấp hành các chủ trương của cơ quan quản lý nên mặc dù lỗ nhưng những ngày tới chúng tôi sẽ giảm 10% giá vé”.

Một số doanh nghiệp khác lại lấy lý do rằng, các lần tăng giá xăng dầu trước đây họ không tăng giá, hoặc giữ nguyên giá cước từ các năm trước nên giờ sẽ không giảm giá.

Đại diện Cty CP ô tô khách Hà Tây (doanh nghiệp đang có các tuyến buýt, xe khách chạy về các vùng ngoại thành và các tỉnh lân cận Hà Nội), cho rằng, mức giá cước Cty đang áp dụng hiện nay được xây dựng, niêm yết từ năm 2011, do vậy bây giờ Cty không giảm là hợp lý. Tương tự, các tuyến xe khách của Cty CP Vận tải hành khách Thanh Xuân không giảm giá cước do trước đây chưa điều chỉnh giá.

Bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, sau khi giá xăng đã giảm gần 40%, bất kể với lý do gì đến nay doanh nghiệp vận tải chưa giảm cước thì cũng cần phải kiểm tra. Qua kiểm tra sẽ biết được giá nhiên liệu đầu vào, đầu ra thế nào.

Ở mỗi thời điểm đều có mức tính toán khác nhau. Do vậy trước khi kiểm tra Sở Tài chính đã có yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai, niêm yết công khai giá cước…
 
“Sau khi doanh nghiệp đã đăng ký, kê khai nếu giá cước vẫn thấy cao, liên ngành sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những doanh nghiệp có mức tính toán không phù hợp. Với doanh nghiệp vi phạm sẽ bị nêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng”, bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài Chính Hà Nội, nói.

Theo Tiền phong

Bình luận
vtcnews.vn