Lái xe trên cao tốc và đường thường khác nhau thế nào?

Tư vấnThứ Sáu, 15/03/2024 17:14:00 +07:00
(VTC News) -

Đường cao tốc có nhiều khác biệt về kết cấu, tốc độ tối đa cho phép lưu thông vì vậy lái xe trên cao tốc có khác biệt so với lái xe trên đương thường.

Theo Khoản 12, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, đường cao tốc được quy định là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Trong khi đó, quốc lộ là đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực.

Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cả 3 loại đường bộ chính này đều là những loại đường chính với lưu lượng xe lớn và có vai trò quan trọng về giao thông. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở kết cấu, tốc độ cho phép lưu thông cũng như quy định về kiểu loại phương tiện được phép lưu thông.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, khác với quốc lộ và tỉnh lộ; về kết cấu, đường cao tốc được thiết kế có thêm các khu vực nút giao riêng, các làn đường dẫn nhập hay làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ…

Trong khi đó, xét về tốc độ cho phép lưu thông, trên cao tốc, các phương tiện được chạy với tốc độ tối đa cao hơn so với các loại đường khác như quốc lộ, tỉnh lộ…

Hiện nay, tốc độ tối đa ở hầu hết các cao tốc ở Việt Nam dao động từ 90 - 120 km/giờ, tùy đoạn đường và khu vực. Không những vậy, các phương tiện lưu thông trên cao tốc còn phải tuân thủ quy định về tốc độ tối thiểu, thường là 60 km/giờ.

Ngoài ra, khác với quốc lộ hay tỉnh lộ, cao tốc ở Việt Nam hiện nay không cho phép các phương tiện như mô tô, xe gắn máy, xe đạp hay xe thô sơ lưu thông.

Lái xe trên cao tốc khác đường thường thế nào?

Chính sự khác biệt lớn cả về kết cấu, giới hạn phương tiện cũng như tốc độ tối đa cho phép lưu thông, việc lái ô tô trên cao tốc không giống với khi lái xe trên quốc lộ hay tỉnh lộ.

Dù không phải tránh những phương tiện như mô tô, xe gắn máy, xe đạp hay xe thô sơ lưu thông; cũng không phải bận tâm nhiều đến những khu vực giao lộ như quốc lộ hay tỉnh lộ nhưng tài xế khi lái xe trên cao tốc sẽ khá áp lực và căng thẳng vì tốc độ lưu thông của các xe rất cao, đòi hỏi nhiều về kỹ năng lái và kinh nghiệm xử lý tình huống, thậm chí kiến thức về luật giao thông (nhất là những quy định khi đi trên cao tốc, vốn khác biệt với những loại đường thông thường).

Vì vậy, để có thể lái xe lưu thông trên cao tốc một cách an toàn, ngoài những bước chuẩn bị, kiểm tra về chất lượng phương tiện, người lái cần trang bị những kiến thức, kỹ năng khi lái xe lên cao tốc.

Liên quan đến khoảng cách an toàn khi lái xe ô tô, Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải đã quy định rõ ràng và chi tiết. Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe như sau:

Xe ô tô di chuyển với tốc độ 60 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 mét.

Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 60 - 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 mét.

Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 80 - 100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét.

Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 100 - 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 mét.

Minh Hương(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn