Cuộc đua ngầm tranh giành quyền lực trong các gia tộc Hàn Quốc

Kinh tếThứ Sáu, 07/08/2015 11:31:00 +07:00

'Ngọn lửa' giành quyền thừa kế phía sau những tập đoàn lớn nhất xứ Hàn

(VTC News) - Ẩn sau những tập đoàn gia đình quyền lực nhất Hàn Quốc là những "ngọn lửa" tranh giành quyền thừa kế âm ỉ cháy qua hàng nhiều năm, hoặc có thể bùng cháy thiêu đốt mọi tình cảm máu mủ chỉ trong phút chốc.

Samsung và sự chuyển giao quyền lực đầy biến động qua ba thế hệ

Tại Châu Á, Samsung là một tập đoàn công nghệ mà không ai không biết đến, một tập đoàn mà những sản phẩm của họ có mặt ở mọi nơi, mọi ngóc ngách trên toàn thế giới, và là một tập đoàn có sự tăng trưởng vượt bậc và ổn định trong suốt nhiều năm qua, với doanh thu chiếm 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức khoảng 1.082 tỷ đô la Mỹ của nước này.

Đây là một đại tập đoàn gia đình với thế hệ đầu tiên là ông Lee Byung-chul, người đã khai sinh ra "triều đại" bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ bán cá khô với nguồn vốn ban đầu là 25 USD và nay đã trở thành một tập đoàn thương mại đa ngành, đa quốc gia hàng đầu thế giới, với tổng giá trị hơn 500 tỷ USD.
Chân dung ông Lee Byung-chung
Chân dung ông Lee Byung-chung 
Ông Lee Byung-chul có ba người con trai và ba người con gái chính thức, ngoài ra ông còn có hai người con riêng nhưng chưa bao giờ công bố về danh tính của hai người này.

Ba người con trai của ông Lee khi đó đều được đánh giá là những người có khả năng cầm cương được đế chế Samsung sau ông, tuy nhiên theo truyền thống Hàn Quốc thì người được cho là có khả năng nhất vẫn là người con trai cả Lee Maeng-hee.
Thế hệ thứ 2 của Tập đoàn Samsung trong đám tang của ông Lee Byung-chun. (Từ trái sang
Thế hệ thứ 2 của Tập đoàn Samsung trong đám tang của ông Lee Byung-chun. Áo đen từ trái sang là ông Lee Chang-hee, Kun-hee và Maeng-hee
Vào năm 1966, người con trai thứ hai của ông Lee Chang-hee đã bị bắt do tham gia vào đường dây nhập lậu 50 tấn đường saccharin vào trong nước. Vụ bê bối này đã làm chấn động cả dư luận của Hàn Quốc khi đó và khiến cho ông Lee Byung-chul đã buộc phải từ chức vào năm 1967. Và ngay sau đó, người con trai cả của ông Lee Maeng-hee đã trở thành người kế nhiệm ngồi vào chiếc ghế chủ tịch.

Tuy nhiên, trái ngược với cha mình, Lee Maeng-hee lại không nhận được nhiều sự ủng hộ bởi phong cách lãnh đạo độc đoán và tàn độc của mình. Theo Hankyoreh, trong hồi ký của mình, ông Lee Byung-chul đã viết rằng Lee Maeng-hee đã ném Samsung vào hỗn loạn chỉ trong vòng sáu tháng cầm cương.

Thời điểm Samsung trở nên hỗn loạn nhất là vào năm 1969, khi người con trai thứ hai Lee Chang-hee đã "tố" việc cha mình thành lập các quỹ đen cho Tổng thống Hàn Quốc, khiến cho tên tuổi của Lee Byung-chul và người con trai cả Lee Maeng-hee đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lee Maeng-hee sau đó đã phải sống lưu vong tại nước ngoài.

Cho tới khi ông Lee Byung-chul qua đời vào năm 1987, chỉ hai tuần sau đó, con trai thứ ba Lee Kun-hee đã chính thức thức lên làm chủ tịch và gây dựng đế chế Samsung quyền lực tới ngày hôm nay.

Các chị em của ông cũng được phân chia quyền lực tại các phòng ban của công ty vào năm 1991. Người chị Lee In-hee, chịu trách nhiệm mảng đồ gia dụng của Samsung, sau đó thành lập Hansol Group, doanh nghiệp sản xuất giấy và điện tử sản xuất lớn nhất của Hàn Quốc. Còn người em Lee Myung-hee, đảm nhận mảng bán lẻ của Samsung, sau đó thành lập ra Shinsegae Group bây giờ.

Khi đó người ta cho rằng toàn bộ Samsung khi đó đã có sự phân tách, chia rẽ rõ ràng về tài sản cũng như về tình cảm gia đình.

Sau khi lên nhận trọng trách lãnh đạo Samsung, ông Lee Kun-Hee tiếp tục chú trọng vào mảng công nghệ, điện tử. Khi đó với quyết tâm cải tổ lại toàn bộ công ty, ông Lee Hun-Kee đã mang lại nhiều thành công rực rỡ và khẳng định "văn hóa Samsung" ngày một lớn mạnh tại đất nước xứ hàn này.

Tuy nhiên, khủng hoảng bắt đầu ập đến khi năm 1995, Lee Kun-Hee bị dính vào nghi án lập quỹ đen và sau đó bị kết tội đưa hối lộ cho hai cựu Tổng thống Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo vào năm 1996. Tuy nhiên với những gì mà ông Lee đã làm được với nền công nghệ nói riêng và thương mại Hàn Quốc nói chung, ông đã được ân xá vào năm 1997 nhờ Tổng thống Kim Young-sam lúc bấy giờ.

Những tưởng mọi chuyện êm xuôi nhưng đến năm 2010, chủ tịch của Samsung tiếp tục bị dính vào nghi án đã ăn cắp 10 nghìn tỷ won (khoảng 10 tỷ USD) từ các công ty con của Samsung và thực hiện hàng loạt những thủ đoạn xảo trá khác nhằm phục vụ việc chuyển giao quyền lực cho người con trai của mình sau này một cách suôn sẻ hơn.

Kết quả là ông Lee Kun-hee buộc phải từ chức vị trí CEO của Samsung vào năm 2008 sau khi bị kết tội tham ô, hối lộ và trốn thuế, đồng thời bị phạt khoảng 90 triệu USD với ba năm tù.

Tuy nhiên nhưng thực tế chỉ vài tháng sau đó, đích thân Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lại ân xá cho Lee Kun-hee và chỉ định ông vào Uỷ ban Olympic quốc tế để giúp Hàn Quốc trong chiến dịch vận động tranh cử suất chủ nhà của Thế vận hội mùa đông năm 2018.

Và bất chấp những lời chỉ trích mạnh mẽ, sau đó ông Lee đã nhanh chóng trở lại với chiếc ghế chủ tịch của Samsung Electronics.

Đến
năm 2012 thì chủ tịch Samsung Lee Kun-hee bị đâm đơn kiện bởi chính người anh trai cả của mình, ông Lee Maeng-hee, sau khi ông này trở về nước sau đám tang của người em Lee Chang-hee. Ông này tuyên bố rằng người cha đồng thời là người sáng lập của đế chế Samsung Lee Byung-chul đã để lại một phần cổ phiếu cho ông, và Lee Kun-hee đã cướp đi số tài sản thừa kế này của họ.

Theo Bloomberg, ông Lee Maeng-hee đã yêu cầu phải nhận được ¼ cổ phiếu của Chủ tịch Samsung Life Insurance - trị giá khoảng 850 triệu USD. Cuộc tranh chấp đã khuấy động giới đầu cơ tại thời điểm đó. Tuy nhiên, Tập đoàn Samsung đã thoát khỏi khủng hoảng một lần nữa nhờ phán quyết của tòa án Hàn Quốc đã ủng hộ cho chủ tịch đương nhiệm là Lee Kun-hee.

Sau vụ kiện tụng đòi quyền thừa kế, ông Lee Kun-hee bắt đầu lưu tâm hơn đến việc để cho những người con của mình quản lý kinh doanh.

Cả 4 người con của ông Lee Kun-hee, bao gồm ba gái và một trai. Và tất nhiên, con trai ông duy nhất của ông Lee Jae-yong sẽ là người thừa kế sáng giá nhất.
Chân dung 3 người thừa kế của ông Lee Kun-hee
Chân dung 3 người thừa kế của ông Lee Kun-hee, từ trái sang phải là Lee Seo-hyun, Lee Boo‑JinLee Jae-yong
Năm 2000, Lee Jae-yong bắt đầu đảm nhiệm vị trí lãnh đạo công ty liên doanh gồm 14 công ty con trong lĩnh vực Internet, dẫn đầu bởi E-Samsung. Thế nhưng ông đã làm công ty vỡ nợ chỉ sau 1 năm lên nắm quyền, E-Samsung bị lỗ khoảng 18 triệu USD.

Theo Forbes, Lee Boo‑Jin, con gái lớn của Lee Kun-hee hiện là Chủ tịch của khách sạn Shilla và đồng chủ tịch của Samsung Everland, Cheil Industries. Cô đóng góp chủ yếu dưới vai trò quản lý khách sạn của tập đoàn, mặc dù cô cũng được coi là rất có khả năng, khi dẫn dắt thành công các cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc.

Cô con gái út Lee Seo-hyun, đồng Chủ tịch của Cheil Industries, chịu trách nhiệm về mảng thời trang và các phòng ban quảng cáo của Samsung. Cô đang dẫn dắt mảng thời trang của Samsung cạnh tranh lại với các thương hiệu lớn như Zara của Tây Ban Nha hay Uniqlo của Nhật Bản, theo Financial Times.

Vào tháng 5/2014, Lee Kun-hee đã bị lên cơn đau tim và để lại nhiều vị trí quan trọng cho con trai Lee Jae-yong tiếp tục đảm nhận. Nhiều người suy đoán rằng tập đoàn này lại sẽ tách ra, như đã từng làm vào các năm 1991 và 1997 trong thời kỳ thế hệ thứ 2.

Theo Korea Times, giới quan sát vẫn đang dõi theo thế hệ thứ ba hiện tại của anh em họ Lee và không ít người cho rằng sẽ tiếp tục có một cuộc chiến tranh giành quyền lực xảy ra. Tuy nhiên một bộ phận chuyên gia khác nhận định rằng, với cách điều hành công ty theo truyền thống của gia đình họ Lee, khả năng xảy ra nội chiến là rất ít.

Quan trọng nhất là họ phải vượt qua được "chướng ngại vật" đầu tiên đó là Paul Singer, chuyên gia đầu tư và Giám đốc điều hành của Elliot Management Corp. Paul Singer hiện đã mua 7,1% cổ phiếu từ Samsung C & T - công ty xây dựng của Tập đoàn Samsung và trở thành cổ đông lớn thứ ba của công ty này. Song ông Singer đang từ chối mọi điều khoản để bán lại số cổ phần này như một cách để làm chậm quá trình chuyển giao quyền lực hiện tại của Samsung.

Cuộc chiến "trái luân thường đạo lý" nhất trong lịch sử Hàn Quốc

Gay cấn hơn so với sự chuyển giao quyền lực ở Samsung, ở Tập đoàn Lotte đang diễn ra một cuộc chiến quyền thừa kế mà ở đây là con trai nổi dậy "lật đổ" bố đẻ để vào được vị trí cao nhất.

Theo tờ Korea Times, Lotte được thành lập vào năm 1948, khởi nguồn là hãng sản xuất bánh kẹo trong thời hậu chiến ở Nhật Bản, đặc biệt là kẹo cao su và hiện nay được định giá lên tới 90 nghìn tỷ won (khoảng 106 tỷ USD).

Tập đoàn này được sáng lập bởi ông Shin Kyuk Ho, và dù đến nay đã ở tuổi 92 nhưng ông vẫn đảm đương trọng trách chèo lái "con tàu" Lotte của mình.

Năm 1967, Lotte Hàn Quốc bắt đầu mở rộng kinh doanh từ thực phẩm, bán lẻ sang tài chính, xây dựng, hóa dầu và khách sạn, với sự hiện diện của các công ty con trên toàn cầu.

Tập đoàn tưởng chừng đang trên đà phát triển không ngừng với những dự án, công trình lớn mọc lên trên khắp châu Á và thế giới thì bắt đầu gặp sóng gió vì manh nha sự tranh chấp quyền thừa kế giữa hai người con của ông Shin Kyuk Ho là Shin Dong Joo và Shin Dong Bin.
Gia đình ông Shin
Gia đình quyền lực của tập đoàn Lotte, từ trái sang phải ông ShinKyuk Ho, Shin Dong Joo và Shin Dong Bin
Hai con trai của ông hiện sở hữu lượng cổ phần tương đương nhau tại Lotte Group. Khi cuộc nội chiến diễn ra ngày càng ác liệt thì hai anh em ngày càng trở nên "cạn tình cạn nghĩa".

Đỉnh điểm của sự tranh chấp đó là người con thứ Shin Dong Bin đã bí mật tiếm quyền cha để sa thải anh trai Shin Dong Joo ra khỏi Lotte. Chưa hết, ông Dong Bin còn mạo nhận quyền thừa kế và ký văn bản sa thải chính người cha mình - ông Shin Kyuk Ho khỏi ghế Chủ tịch.

Dù việc tranh chấp "ngôi vương" thường diễn ra trong các chaebol nhưng trường hợp của Lotte là ngoại lệ, bởi nó đi ngược lại với truyền thống Nho giáo vốn quen thuộc với người Á Đông, khi con trai lại tiếm quyền lật đổ chính cha đẻ.

Trước đây, Dong Joo phụ trách mảng kinh doanh bánh kẹo tại thị trường Nhật Bản, trong khi Dong Bin lại phụ trách hoạt động của Lotte tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Dong Joo đã bị sa thải khỏi chiếc ghế Phó chủ tịch Công ty Lotte Holdings ở Nhật Bản do bê bối bí mật mua thêm cổ phiếu để gia tăng quyền lực có thể thâu tóm được tập đoàn sau này.

Nghiễm nhiên, chiếc ghế này của Dong Joo đã bị người em của mình là Dong Bin thay thế, khiến cho chiếc ghế chủ tịch Lotte lại càng thêm chắc chắn sẽ rơi vào tay người con thứ của Chủ tịch Lotte.

Ngày 27/7, nhà sáng lập tập đoàn Lotte yêu cầu 6 thành viên Hội đồng quản trị, trong đó có đề nghị Shin Dong Bin phải từ chức.

Bất ngờ xảy ra là chỉ ngay ngày hôm sau, Dong Bin bất ngờ tổ chức một cuộc họp bất thường, tự mạo nhận quyền thừa kế Tập đoàn để phế truất quyền lực của chính cha mình, ép ông giữ một vai trò bù nhìn trong công ty với chức danh Chủ tịch danh dự.
Shin Dong Bin đã mạo danh quyền thừa kế để lật đổ cha và hất cẳng anh trai mình ra khỏi Tập đoàn Lotte
Shin Dong Bin đã mạo danh quyền thừa kế để lật đổ cha và "hất cẳng" anh trai mình ra khỏi Tập đoàn Lotte 
Như vậy, Shin Dong Bin nghiễm nhiên nắm trong tay cả hai chiếc ghế cao nhất là Giám đốc điều hành Lotte Holdings và Chủ tịch của Tập đoàn Lotte Group.

Không chịu ngồi yên trước hành động trái với đạo lý của con trai, ông Shin Kyuk Ho đã tuyên bố chưa từng bổ nhiệm Shin Dong Bin là người thừa kế và sẽ không "nương tay" để giành lại những gì đã thuộc về mình.

Có thể nói, việc con trai lật đổ của cha bằng cách mạo nhận quyền thừa kế là cách làm không thể kỳ lạ và mạo hiểm hơn trong lịch sử các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc từ trước đến nay.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn