Kiến giải không ngờ về Tết Nguyên đán

Bạn đọcChủ Nhật, 02/02/2014 06:27:00 +07:00

(VTC News) – Cố giáo sư Trần Quốc Vượng có những kiến giải bất ngờ về Tết Nguyên đán.

Ngày nay, khi xã hội đã dịch chuyển lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tết Nguyên đán đã có nhiều biến tấu làm cho những giá trị cội rễ của Tết Nguyên đán dần biến mất.
Tiết tục loạt bài Hồi ức Tết trên VTC News, chúng tôi gửi tới độc giả những kiến giải không ngờ của cố giáo sư Trần Quốc Vượng về Tết Nguyên đán xưa.
 Cố giáo sư Trần Quốc Vượng
Trước hết, Tết là một sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng, thậm chí quan trọng nhất của người Việt cổ đồng bằng. “Năm hết tết đến”, mọi công cuộc làm ăn, sản xuất mà trước hết là sản xuất nông nghiệp đều dần dần giảm đến mức tối đa (ngày trước còn tạm ngưng hẳn để đổ dồn cho việc sửa soạn cái Tết, tắm mình trong không khí Tết, hưởng thụ Tết, sinh hoạt Tết rồi thư giãn sau Tết. “Ra Giêng ngày rộng tháng dài…”)
 Tết Nguyên đán là gì?
Một cách chặt chẽ, Tết bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Giêng đầu năm mới theo lịch cổ truyền mà ta quen gọi là Âm lịch hay lịch Âm.
Lịch Âm là tổ hợp của “Tháng” được tính theo Trăng (từ, “mồng một lá trai, mồng hai lá lúa… đến ba mươi không trăng”) và “24 tiết” trong năm được định theo mặt trời. Lịch này còn được điều chỉnh theo sao, “nhật – nguyệt – tinh” vì thế, nói một cách chính xác, đây là lịch không thuần âm hay thuần dương (như chúng ta vẫn nghĩ - PV). Nó là Âm – Dương hợp lịch.
Tết là ngày đầu năm mới mà trước hết và quan trọng nhất là “Mồng Một”, rồi bao hàm cả 3 sau đó (từ mồng Một đến mồng Ba): Mồng Một thì ở nhà cha/ Mồng Hai nhà mẹ, Mồng Ba nhà thầy.
Nhưng, trong ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, bắt đầu từ 23 tháng Chạp năm cũ, người ta đã gọi là “23 Tết” (ít ai gọi là 23 tháng Chạp), cứ thế kéo dài đến “30 Tết”. (Ba mươi tháng Chạp – Đêm ấy, hay nửa đầu đêm ấy được coi là tối tăm nhất trong năm (Tối như đêm Ba mươi Tết, dầy như đất). Và “ông Hùm” được bảng giá trị cổ truyền coi là thế lực đáng sợ nhất, tối tăm nhất nên lại được gọi một cách tượng trưng văn hóa là “ông Ba Mươi”).
“30 Tết”, qua “Giao thừa” lại được gọi là “Mồng Một Tết” rồi “Mồng Hai Tết”… cho đến ít nhất là “mồng Bảy Tết” v.v…
Thật ra Tết là cách gọi thu gọn của lễ lạt đầu năm mới. Còn nếu gọi một cách đầy đủ thì dân gian gọi là Tết Cả hay theo “tên chữ” Hán – Việt là Tết Nguyên đán.
Nguyên là Đầu Tiên, Đán là buổi sớm. Theo nguyên nghĩa, “Nguyên đán” là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên (tháng Giêng) của năm mới.
Vậy “Tết Nguyên đán” là “tết đầu năm mới”.
Còn Tết Cả nghĩa là Tết Hàng Đầu, tết Đứng Đầu, tết To Nhất và Quan trọng Nhất. Với tên gọi ấy, trong tâm thức dân gian đã tiềm ẩn cái ý là sau Tết Cả có những tết khác: tết Con - tết không to bằng, không quan trọng bằng Tết Cả.
Mà quả vậy. Dân ta còn gọi nhiều lễ lạt nữa trong năm là “tết”, thí dụ “tết mồng Ba tháng Ba” (Hàn thực hay “tiệc bánh trôi”), “tết Đoan Ngọ” (mồng 5 tháng 5), “tết Trung Thu” (Rằm tháng Tám), “tết cơm mới” (Thường tân, mồng 10 tháng 10 hay mồng 1 tháng 10 tùy vùng).
Vậy thì trong lịch lễ lạt cổ truyền, có Tết Cả hay Tết Nguyên đán và những cái tết khác trong năm, tết con, tết nhỏ. Nói theo ngôn ngữ trí tuệ hôm nay, có 1 cái Tết (viết hoa) và nhiều cái tết (viết thường). Chính vì lẽ đó cố giáo sư Trần Quốc Vượng và một vài nhà ngôn ngữ học khác, bằng phương pháp loại suy dựa theo quy luật ngôn ngữ dân gian, đã đề xuất một giả thuyết về từ nguyên của chữ Tết.
 Vì sao có chữ “Tết”?
“Tết” là âm “đọc trạnh” theo lối dân gian của chữ “Tiết” (Hán Việt). Có nhiều thí dụ về lối “đọc trạnh” này để làm dẫn chứng. Chẳng hạn Biên – Bên, Lượng – Lạng (cân lạng), Phàm – Buồm, Phóng – Buông, Liệt – Lệt (bệt), Việt – Vượt, Viên – Vườn… v.v.
 “Tiết” âm Hán Việt vốn có nghĩa là: Đoạn, Khúc, Đốt. Ví dụ “trúc triết” (đoạn tre, khúc tre, đốt tre) – như trong câu thơ viết trên tranh dân gian về cây tre (“vị xuất thổ thời tiên hữu tiết”, nghĩa là: chưa ra khỏi đất đã có “đốt” - với hàm ý tinh thần: khí tiết, tiết thao (phong nho).
Trên dòng thời gian liên tục của một năm theo lịch cổ truyền, người ta phân lập ra nhiều “tiết”. Từ đó những sinh hoạt lễ lạt, văn hóa đan xen sinh hoạt đời thường thế tục diễn ra theo “tiết”. Chẳng hạn “Đoan Ngọ tiết” được gọi là tết Đoan Ngọ diễn ra vào khoảng trước – sau ngày Hạ chí, tết Cơm mới ở khoảng tiết Đông chí, “Trung thu tiết” được gọi là tết Trung thu ở khoảng tiết Thu phân … v.v
Từ những kiến giải trên, cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, Tết Cả hay Tết Nguyên Đán là nương theo cái tiết Lập Xuân. Có điều là giữa cái văn hóa và cái tự nhiên có một độ dung sai nhất định, không hoàn toàn trùng khít với nhau.
Còn theo văn hóa và lễ hội học, Tết Nguyên đán có thể được xếp loại vào Hội mùa (Fête saisonnière), là một lễ lạt, sinh hoạt văn hóa theo mùa. Và có thể kết luận Tết Nguyên đán là một Hội lễ nông nghiệp (Fête agricole) một nghi thức nông nghiệp (Rite agraire).
Bình luận
vtcnews.vn