Khuyển vương Mông cộc và câu chuyện soán ngôi chó Phú Quốc

Phóng sựThứ Năm, 03/02/2022 09:02:00 +07:00
(VTC News) -

Năm 2014, lần đầu tiên chó Mông cộc soán ngôi chó Phú Quốc, giành vương miện quán quân chó giống Việt Nam. Giai thoại này cho đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến.

 

Video anh Bằng Đoàn kể về chuyện huấn luyện Nhị Tử

Trong Tứ đại danh khuyển của Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy dòng chó Phú Quốc đã trở thành thương hiệu lừng danh được mọi người trong và ngoài nước biết đến, từng tham gia hội thi chó giống quốc tế ở Paris, có tên trong tự điển Larousse.

Nhiều chuyện kể về sự trung thành, tinh khôn và hy sinh cứu chủ của chó Phú Quốc. Thời Nguyễn Ánh bôn tẩu vì Tây Sơn, 4 con chó Phú Quốc hết lòng “cứu khốn, phò nguy”, được vua Gia Long phong là “Tá quốc huấn thuần Thần Khuyển đại tướng quân”. Quân khuyển nhà Nguyễn thời đó chủ lực là chó Phú Quốc.

Tuy nhiên trong khoảng chục năm trở lại đây, dòng chó Phú Quốc đang dần bị các dòng "khuyển vương" khác bám đuổi sát sao tại các cuộc thi chó bản địa Việt Nam, điển hình là dòng Mông cộc

Mông cộc ngày càng khẳng định tầm vóc trong các cuộc thi chó giống. Các thành phố lớn đều có câu lạc bộ chó Mông cộc. Từ năm 2012, tại Hà Nội và TP.HCM liên tục diễn ra các cuộc tranh tài chó Mông cộc và Phú Quốc, 2 giống chó bản địa được đánh giá rất cao về phẩm chất, thể lực.

Ngày 5/10/2014, tại nhà thi đấu Phú Thọ - TP HCM, lần đầu tiên trong lịch sử chó Mông cộc đã ngoạn mục soán ngôi chó Phú Quốc, giành vương miện quán quân chó giống Việt Nam. Giải thưởng này càng khẳng định những ưu điểm của giống chó săn này. 

Tôi xuống Thái Bình để tìm gặp chú chó Nhị Tử nhưng không hữu duyên, chỉ gặp được người huấn luyện, cũng là người thầy đầu tiên của Nhị Tử là anh Bằng Đoàn.

Khuyển vương Mông cộc và câu chuyện  soán ngôi chó Phú Quốc - 1

Chú chó Nhị Tử nổi tiếng soán ngôi chú chó Phú Quốc trong cuộc thi năm 2014

Anh Đoàn bảo, tình cờ có một người em trong đội chơi chó bản địa ở Thái Bình là Phạm Trường Khánh nói có một con cún Mông cộc, nhờ huấn luyện giúp để mang đi tham gia giải tại Dog show toàn quốc năm 2014 tại Sài Gòn.

Theo anh Đoàn, đây là lần đầu tiên anh em trong hội chơi chó mèo nhờ nhau. Đó cũng là lần đầu tiên anh tạm dừng đào tạo dòng chó Becgie để đến với chó bản địa.

Khi anh đến và quan sát Nhị Tử, thấy rằng chú chó này hội tụ đầy đủ những đặc điểm trong tiêu chuẩn của giống chó Mông cộc, chú có hình thể và bộ khung xương rất đẹp, tính cách rất tốt, thần kinh mạnh. 

Chuyện huấn luyện Nhị Tử

Tuy nhiên, trong tháng đầu đào tạo, anh Đoàn phát hiện ra một điều là chú chó không bao giờ biểu lộ tình cảm. Mà đối với một cuộc thi, một cuộc trình diễn toàn quốc và trước mặt là các giám khảo quốc tế, không chỉ phải làm tốt nhiệm vụ, thể hình đẹp, con chó cần có thêm yếu tố thần thái.

Thời gian đầu, anh Đoan dắt Nhị Tử đi lại, di chuyển hay làm động tác huấn luyện, mặt chú chó không biểu lộ tình cảm gì. Nghĩa là thầy và đi bên nhau mà không liên quan gì đến nhau, mà trong trình diễn đó là điều tối kỵ. 

Rồi anh Đoàn phát hiện ra Nhị Tử chưa tin tưởng vào mình, nó chưa đặt trọn niềm tin vào anh, tỏ thái độ ra mặt. Anh thấy rằng cứ thế này Nhị Tử sẽ bị những điểm trừ khi trình diễn, khó có thể đạt điểm cao lên.

Khuyển vương Mông cộc và câu chuyện  soán ngôi chó Phú Quốc - 2

Huấn luyện viên Bằng Đoàn và chú chó Nhị Tử

Thời điểm đó, anh tìm đủ mọi phương pháp để Nhị Tử tươi vui nhưng gần như chú chó không tỏ thái độ gì, chưa bao giờ mừng khi anh tiếp xúc. Anh cảm thấy bất lực khi đã làm hết cách.

Lúc chán nản nhất, anh đã nghĩ tới chuyện sẽ dừng đào tạo Nhị Tử, gửi trả lại người chủ.

“Tối hôm đó tôi dắt chó đi dạo quanh cánh đồng, ra ngoài cánh đồng rất yên tĩnh. Lúc đó chỉ hai thầy trò đi bên nhau không nói gì, không tỏ thái độ và Nhị Tử vẫn lững thững đi bên cạnh mình.

1 giờ sau tôi dắt về sân vườn ở trước nhà, tôi ngồi nói chuyện với nó thế này: Chủ gửi cậu lên mình để đào tạo cậu đi trình diễn, để cho cậu khoe được cái gì hay nhất, tố chất nhất của con Mông cộc đuôi.

Nếu như cứ tình trạng hợp tác như thế này thì cậu không thể đi thi đấu được, mình không thể tiếp tục đào tạo cậu được. Mình phải gửi trả cậu về với chủ và đương nhiên cuộc đời của cậu sẽ bị thay đổi.

Nếu cậu hợp tác tốt thành một con chó có giá trị, thể hiện được bản thân mình cũng như giống nòi thì sẽ được tiếp tục phát huy và ở trong môi trường, điều kiện tốt. Nếu không đem lại một giá trị nhất định, người chủ buộc tìm một thí sinh khác, cậu sẽ bị sang tên đổi chủ. Muốn phát huy tốt, tiến triển tốt thì phải hợp tác tập luyện và phải vui vẻ lên.

Thật ra tôi cũng không biết cún có hiểu không nữa. Với tôi, tôi bày tỏ nỗi niềm của người đào tạo với chú cún. Sau đó tôi ngồi chơi với chú cún một lúc rồi tôi cho về.”

Và sáng hôm sau, đối với anh Đoàn, như một phép màu vậy. Khi chuẩn bị ra sân tập, anh đưa tay cầm dây dắt, bỗng thấy Nhị Tử vẫy đuôi mừng.

Lúc đó anh vỡ òa trong cảm xúc, nhưng chỉ mỉm cười và không dám nhìn thẳng vào ánh mắt của nó, bởi vì con cún vừa tỏ thái độ với mình mà bây giờ nhìn nó sợ nó xấu hổ, mất vui. Anh cũng chỉ dám đến dắt nó đi tập, xoa đầu nó.

Đến ngày hôm sau, hết buổi tập, anh bê bát thức ăn ra cho Nhị Tử. Khi anh ra đến nơi thì cún nhảy lên người anh. Anh ôm nó vào lòng, xoa đầu nó và bảo “như thế này là xong rồi đấy con ạ”.

Đấy là lần đầu tiên anh Đoàn mang một chú cún vào tận TP HCM thi đấu, cũng là lần đầu tiên anh mang Mông cộc đuôi đi dự giải.

Soán ngôi

“Khi vào Sài Gòn, rất nhiều người có nói với tôi là đi thi đấu thế này cửa thắng rất khó nhưng mà tôi thì rất tự tin vào học trò của mình. Bởi vì với tôi quan điểm là có trong tay cái gì và mình biết mình ở vị trí nào.

Trước khi thi mọi người ra bắt tay động viên tôi, ai cũng nói là chưa bao giờ Mông cộc thắng được Phú Quốc trong đấu trường này. Mọi người có trao đổi với tôi làm thế nào Mông cộc thắng được Phú Quốc, quan điểm của tôi lúc đó là mình cố gắng hết sức thôi.

Năm đó tôi nhớ 228 thí sinh chó Phú Quốc thi với nhau chọn ra con chó đẹp nhất trong cuộc thi để đấu với Mông cộc. Chú chó Phú Quốc đoạt giải nhất của vợ chồng Cao Lan, anh chồng người Đức điều khiển, tôi cầm Nhị Tử. Sau những phút đối đầu trên sân, Nhị Tử đã giành chiến thắng. Lúc đó trên sân vỡ oà.”

Khi giám khảo công bố Nhị Tử xếp vị trí số 1, cả giới chơi Mông cộc Việt Nam cũng như chủ chó đã nhảy ùa vào sân ăn mừng rất sung sướng. Bởi tại thời điểm đó, Nhị Tử là chú chó Mông cộc đầu tiên thắng chó Phú Quốc tại một cuộc thi cấp quốc gia.

Đối với những người nuôi Mông cộc thì đây là niềm tự hào. Giới chơi Mông cộc cho biết, sau này có rất nhiều con khác thắng chó Phú Quốc, nhưng giai thoại Nhị Tử  thắng chó Phú Quốc trong một cuộc thi quốc gia thì không ai quên được.

Anh Đoàn bảo Nhị Tử có tất cả đặc trưng của giống chó Mông cộc theo bản tiêu chuẩn của Trung tâm Nhiệt đới Việt- Nga. Thứ hai, Nhị Tử được đào tạo rất kỹ, khi ra sân đã thể hiện được phong thái của chó Mông cộc và thể hiện được các bài thi một cách nhuần nhuyễn, phối hợp nhịp nhàng với người dẫn dắt.

Chính vì thế, nó mới chiến thắng được chú chó Phú Quốc. Chó Phú Quốc có đặc điểm hình thể rất bắt mắt và thường rất vui vẻ khi thể hiện bài thi, trong khi Mông cộc trầm tính hơn.

Chị Lê Hà (thành viên Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam) nói, thắng được dòng chó Phú Quốc rất khó.

Theo chị Hà phong thái của Nhị Tử rất tốt. Sau này, cũng có những Mông cộc thắng chó Phú Quốc nhưng Nhị Tử là con đầu tiên và ấn tượng nhất. 

Ván bài đánh cược

Tìm nhưng không gặp được, tôi chỉ có cuộc trao đổi qua điện thoại hơn 30 phút với anh Phạm Trương Khánh, chủ của Nhị Tử.

Anh Khánh nói được anh Trần Danh Tuyên (là người "tẩm cẩu" lâu năm trong nghề) giới thiệu mua Nhị Tử ở Mèo Vạc, Hà Giang. Thấy Nhị Tử, anh đã mê ngay. Và đây cũng là lần đầu tiên anh Khánh thuê anh Đoàn huấn luyện cho con Mông cộc, quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người”

“Đợt anh Đoàn huấn luyện cho Nhị Tử gần 3 tháng. Nó là một con chó ở trên bản, lúc bắt về khoảng 3- 4 tuổi rồi, không như chó con dìu dắt dễ dàng được. Đào tạo được con chó đấy anh Đoàn cũng rất kì công,” anh Khánh kể.

Sau 3 tháng huấn luyện, anh Khánh cùng anh Đoàn và Nhị Tử lên đường vào TP HCM dự giải. Lúc thi cũng chỉ nghĩ là "đi cọ xát". Anh em trên sân còn bảo là “ước gì con Mông cộc thắng được con Phú Quốc”.

 

Khuyển vương Mông cộc và câu chuyện  soán ngôi chó Phú Quốc - 3

Khuyển vương Nhị Tử soán ngôi Phú Quốc trong màn đấu kinh điển.

“Sau giải, nhiều anh em hỏi mua, thậm chí ngay trên sân anh em Sài Gòn muốn giữ con Nhị Tử lại và trả tôi 100 triệu nhưng tôi không bán, tôi đem về gây dựng phong trào nuôi Mông cộc ở Thái Bình. Ngay đấy 100 triệu là số tiền rất lớn... Sau ngày thi hôm đó, anh em trong TP HCM giữ chúng tôi lại ăn nhậu và mừng chiến thắng suốt 2 ngày 2 đêm mới cho về.”

Cũng theo anh Khánh, sau lần đấy dòng Mông cộc được biết đến nhiều hơn. Đến bây giờ phong trào chơi Mông cộc ở Thái Bình đang phát triển rất mạnh.

Trầm ngâm một lúc, anh Khánh nói do một sự cố ngoài ý muốn, Nhị Tử đã bỏ nhà đi cách đây khoảng 2 tháng. Anh và gia đình đã “lục tung” cả tỉnh Thái Bình lên mà chú chó vẫn biệt tăm. Đến thời điểm mất tích, Nhị Tử đã trên dưới 10 tuổi.

“Từ hồi đấy đến giờ tôi chưa tìm được con nào giống như Nhị Tử. Nó có thần thái mà các con Mông cộc khác không có. Bây giờ Nhị Tử chỉ còn trong tiềm thức, và tôi sẽ mãi mãi lưu giữ những kỷ niệm về một Nhị Tử của ngày nào.”

 

Nhật Vũ
Bình luận
vtcnews.vn